Thursday, March 28, 2024

Ngộ nhận nào có trong mấy bài thơ tình của Phạm Thiên Thư?

Du Tử Lê/Người Việt

Bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư, tình cờ đáp ứng được nhu cầu “chuyện kể” trong nội dung.

Như lời của chính tác giả với ký giả Trọng Thịnh báo Tiền Phong thì, đó là mối tình âm thầm của một cậu học trò, với một người bạn gái cùng lớp. (5) Anh lẽo đẽo đi theo người thầm yêu suốt niên học, mà không dám ngỏ lời. Hết niên học, vì là năm cuối bậc trung học, nên mỗi người đi về một chân trời khác nhau của đời sống. Riêng tác giả họ Phạm, chọn trở thành một tu sĩ Phật Giáo.

Nhiều năm sau, tình cờ trở về cảnh xưa, chàng sống lại với kỷ niệm lãng mạn thời học trò… Thời chàng lặng lẽ đi theo cô cùng lớp… Nhưng chẳng những người xưa không còn, mà ngay khung cảnh xưa, cũng không còn! Khiến chàng đã phải cất tiếng than: “Tình xưa quẩn quanh/ Ai mang bụi đỏ/ Dáng em nho nhỏ/ Trong cõi xa vời/ Tình ơi! Tình ơi!” (Khổ thơ cuối cùng của bài thơ)

Khi đưa vào ca khúc khổ thơ chót này, nhạc sĩ Phạm Duy đã “biến hóa” thành: “Xưa theo Ngọ về/ Mái tóc Ngọ dài/ Hôm nay đường này/ Cây cao hàng gầy/ Đi quanh tìm hoài/ Ai mang bụi đỏ đi rồi” (lập lại ba lần).

Mặc dù cả thi sĩ lẫn nhạc sĩ đều dùng nhân xưng đại danh tự “Ai” có tính phiếm chỉ; nhưng sự thực “ai” đó, chính là nhân vật Hoàng Thị Ngọ. Nếu người mang “bụi đỏ đi rồi” không phải là Hoàng Thị Ngọ thì câu hỏi (ngầm chứa tính xác định, đã không có lý do hiện diện trong ngữ cảnh của bài thơ, cũng như ca khúc).

Vậy nhân vật Hoàng Thị Ngọ là ai? Câu trả lời, cuối cùng đã được nhà thơ Phạm Thiên Thư tiết lộ trong cuộc trò chuyện với ký giả Trọng Thịnh, đại ý, họ Phạm nhớ lại: Trong mấy năm theo học chương trình Tú Tài tại trường trung học Văn Lang, Sài Gòn, gần nhà của gia đình ông sau chợ Tân Định. Những năm học tú tài ở trường này, ông đã để ý một cô bạn cùng lớp tên Hoàng Thị Ngọ, quê Hải Dương. Nhưng ông chỉ để ý thôi chứ không dám ngỏ lời…

Về nhân vật Hoàng Thị Ngọ, quê Hải Dương, của nhà thơ Phạm Thiên Thư, ký giả Trọng Thịnh ghi nhận thêm theo lời kể của họ Phạm rằng: Hằng ngày, khi xếp hàng vào lớp, Hoàng Thị Ngọ đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xõa trên bờ vai mảnh dẻ. Nhưng Phạm Thiên Thư chỉ lặng lẽ ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, họ Phạm lại là kẻ lẽo đẽo theo sau… Đó là tất cả hình ảnh, kỷ niệm của mối tình câm mà, nhà thơ của chúng ta, sau bao nhiêu năm vẫn không quên.

Ông tâm sự: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết…”

Với tiết lộ không thể rõ hơn về nhân thân của Hoàng Thị Ngọ, bởi chính người trong cuộc, tôi trộm nghĩ, những ai từng đọc bài phỏng vấn của nhà báo Trọng Thịnh, chắc chắn sẽ không còn mơ hồ phỏng đoán, hoặc gán ghép Hoàng Thị Ngọ là người này hay người kia nữa.

Nhưng nếu “nghi vấn” Hoàng Thị Ngọ được giải quyết một cách thỏa đáng thì một số người bỏ công phân tích những bài thơ tình của Phạm Thiên Thư, được nhạc sĩ chuyển qua âm nhạc, lại cho rằng, dư luận chung đã lầm lẫn hay ngộ nhận rằng: Những bài thơ tình đó, mang tính thiền vị! Trong khi sự thực chúng không hề có tính thiền mà, lại nghiêng nặng tinh thần “trọng nhàn,” của triết lý Lão Trang, chủ trương… xa lánh cuộc đời phồn tạp này? (6)

Rõ ràng hơn, theo kết luận của những người không bị chi phối về cốt cách tu sĩ của nhà thơ Phạm Thiên Thư, cũng như công trình thi ca hóa một số kinh kệ Phật Giáo của ông, thì nội dung của hầu hết những bài thơ tình của họ Phạm, thường chọn thiền môn, hay mái chùa làm ngữ cảnh chính. Ngữ cảnh này đã mang lại cho thơ tình Phạm Thiên Thư một “nhân dáng,” một khí hậu khác. Nó không phải là khí hậu của Thiền môn như ngộ nhận của một số người! Trái lại, nó là tinh thần “trọng nhàn” của triết lý Lão Trang, ảnh hưởng mặc nhiên trong vô thức của đa số người Việt. (6)

Vẫn theo nhận định của những người kể trên thì, triết lý Phật Giáo không hề quay lưng lại cuộc đời, chạy trốn thực tại để tìm kiếm những những giây phút thanh nhàn cho riêng mình. Ngay những bậc tu hành đã đạt tới quả vị giải thoát (thành Phật), cũng có rất nhiều vị chọn ở lại nhân gian, khi họ thấy còn có quá nhiều chúng sinh trôi, lăn trong vô minh, cần phải được giúp đỡ… Danh từ nhà Phật gọi những vị Phật đã chứng đắc, nhưng vẫn ở lại dương gian đó là “Bồ Tát” tức “Bodhisattvas.”

Vì ngộ nhận nên nhiều người đã đánh đồng hình ảnh “từ quan” trong bài thơ “Động Hoa Vàng” (7) với hình ảnh một… “thiền sư”… tưởng tượng: “Ta về rũ áo mây trôi/ Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.”

Hiển nhiên với bốn câu thơ được nhạc sĩ Phạm Duy chọn để đưa vào ca khúc, chẳng những không có chút thiền vị nào mà, nó chỉ bật sáng (ngoài ý muốn nhà thơ?) tinh thần “trọng nhàn” hoặc, “hưởng nhàn” mà thôi.

Cũng thế, toàn thể nội dùng bài thơ “Em Lễ Chùa Này,” là một chuyện kể có lớp lang, với đầy đủ biến động của tình tiết mà, cảnh chùa được tác giả chọn làm nền chính cho bài thơ. Đó là chuyện tình của một đôi tình nhân yêu nhau suốt một năm, có ngôi chùa làm chứng… Với kết thúc bi thảm: Người con gái thình lình qua đời, được chôn trong mảnh đất nhà chùa.

“Đầu mùa xuân/ cùng em đi lễ/ lễ chùa này – vườn nắng tung bay… / Mùa hạ qua cùng em đi lễ/ trái mơ ngon/ đồi gió mơn man…/ Rồi mùa thu cùng em đi lễ/ có con chim đậu dưới gác chuông…/ Vào mùa đông – cùng em đi lễ/ lễ chùa này – một thoáng mưa bay/ Và ngoài sân vài cành khô gẫy/ Gió lung lay một cánh mai gầy/ Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ/ tiễn đưa em trong áo quan này/ từng cội hoa – trầm lặng thương nhớ/ tóc em xưa tơ óng như mây…” (Theo ca từ, không theo nguyên bản bài thơ).

Người nghe, nếu tỉnh táo đủ, sẽ dễ dàng nhận ra, đó không phải là một bài thơ có tính thiền hoặc, thoảng chút thiền vị. Nhưng, ở mặt nào khác, đó lại là một trong những nét đặc biệt của cõi giới thơ Phạm Thiên Thư.

Cõi giới đó, cho nhà thơ của chúng ta, một “nhan sắc” riêng, nhờ những nốt nhạc tài hoa mang tên người quá cố: Phạm Duy. (Du Tử Lê)


Chú thích:

(5) Nguồn: Wikipedia-Mở.

(6) Rất nhiều người không học, đọc mà vẫn nhớ hai câu thơ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ người khôn người đến chốn lao xao” của Trạng Trình/Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo Wikipedia-Mở thì Trạng Trình/Nguyễn Bỉnh Khiêm, sinh năm 1491, mất năm 1585, tên húy là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang Phu Tử. Là một trong vài nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh), cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công. Từ đó, dân gian quen gọi ông là Trạng Trình… Người đời còn coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông, và gọi chung là Sấm Trạng Trình.

(7) Tựa sau khi thành ca khúc, là “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng.”

Xe minivan lao vào đám đông ở Thượng Hải, 18 người bị thương

MỚI CẬP NHẬT