Saturday, April 20, 2024

Ngọn lửa hy sinh rực rỡ trong ‘Những Giọt Mực’

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Nếu mỗi truyện trong “Những Giọt Mực” của Lê Tất Ðiều đều có một “thông điệp” (hay tấm gương” khuyến khích nhi đồng (luôn cả người lớn) hướng đến, thể hiện những đức tính vốn ẩn tàng thuộc bản năng (vô thức) của con người – – Ðể mỗi đời sống là một đóng góp ý nghĩa cho xã hội; đồng thời, làm thành nhân cách tốt đẹp mỗi cá nhân thì, tấm gương trong truyện “Trung Thu của bác Ðèn Xếp” là phản ảnh tính quên mình, hy sinh cho kẻ khác…

Với tôi, “Trung Thu của bác Ðèn Xếp” của nhà văn Lê Tất Ðiều là một trong những truyện cảm động của loạt truyện nhân cách hóa đồ vật của nhà văn này.

Bản chất thi sĩ khiến họ Lê, dù trong ngữ cảnh với dụng tâm nào, cũng vẫn đem đến cho người đọc, những đoạn văn tượng hình, tượng thanh sống động. Ở “Trung Thu của bác Ðèn Xếp” có đoạn mô tả “anh Diều Giấy:

“… Anh Diều Giấy suốt cả buổi chiều bay lượn mệt nhọc giờ này nằm ở gầm tủ ngủ bù. Nếu không, chắc anh đang ba hoa thuyết trình về tổ tiên của anh. Ôi! Thời đại của những ông diều khổng lồ có sáo để ca hát vi vu giữa lưng trời. Anh thương nhớ thời đại đó biết bao! Tổ tiên của anh cũng chả bao giờ phải đeo một cái đuôi dài lằng nhằng như cái đuôi của anh bây giờ. Thân thể của các ngài rất cường tráng cân đối. Ít khi gió làm các ngài phải đảo nhiều vòng. Cần gì có đuôi để giữ thăng bằng…” (Nđd)

Hoặc ông già Cung Tên, “mang dòng máu hiệp sĩ quý phái, lúc nào cũng kín đáo với lớp áo màu đen phơn phớt bụi phong trần,” kể về cuộc đời mình:

“… Thỉnh thoảng, ông kể lại một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các đồ vật trong phòng tưởng chừng nghe tiếng quân reo, ngựa hí và thấy ông Cung Tên, nằm gọn trong tay một dũng tướng, đang tả xung hữu đột giữa trận tiền. Ðêm nay, ông không nói, chắc ông đang thương nhớ một điều gì…” (Nđd)

Ngay sau khi giới thiệu một vài “nhân vật” tiêu biểu, mạch văn của họ Lê chuyển động từng hồi, mỗi lúc một dồn dập, nhanh hơn, phù hợp với “biến cố” hay tai họa bất ngờ xẩy tới cho “ tiểu gia đình đồ vật” trong “Trung Thu của bác Ðèn Xếp.” Họ Lê viết:

“…Như thế, đêm sẽ trôi qua một cách bình thường cho tới lúc bình minh đến, nếu đột nhiên dưới gầm tủ không vang lên tiếng kêu thảm thiết:

– Trời ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!

Ðó là tiếng kêu của cụ Sách.

Mọi vật nhốn nháo hỏi:

– Chuyện gì đó cụ?

– Cụ mơ ngủ hả?

Cụ Sách hổn hển:

– Tôi đang mơ màng thì bị cắn vào gáy một cái đau điếng!

– Cái gì cắn?

– Không biết. Chắc là một con quái vật.

Ông Tủ có vẻ ngạc nhiên:

– Này cụ Sách, sao cụ lại nằm dưới đó? Tôi tưởng cụ phải nằm trong lòng tôi chứ. Lúc nào tôi cũng chả dành cho cụ một chỗ nằm mát mẻ rộng rãi.

Cụ Sách vừa xuýt xoa kêu đau, vừa than thở:

– Ấy, tại cậu chủ vứt tôi ra đây đấy. Hồi này cậu ấy bừa bãi quá, chả coi công dạy dỗ của tôi ra gì hết…” (Nđd)

Liền sau than thở của cụ Sách, ngụ ý trách cứ lớp người chẳng những không biết ơn chữ, nghĩa mà còn coi thường những gì mà chữ, nghĩa (như thực phẩm tinh thần), đem lại cho đời sống nhân loại, tác giả viết:

“Chưa nói xong câu, cụ lại kêu rú lên. Ông già Cung Tên, vốn có máu hiệp sĩ trong người ra lệnh lập tức:

– Phải có ánh sáng.

Mọi vật đều hướng về phía Ðèn Ống chờ đợi. Nhưng cái tên này đang ngủ say sưa. Bây giờ chỉ có ông chủ nhà đánh thức hắn mới dậy, và khi dậy hắn kêu lách tách mấy tiếng càu nhàu, nhập nhoạng ngái ngủ mấy cái. Hắn làm việc có giờ và cư xử một cách hết sức máy móc. Khi hắn mới được đưa về đây, ông Ðèn Cầy vừa trông thấy đã than:

– Thôi thế là máy móc đã bắt đầu ngự trị, đè bẹp loài đèn cầy rồi.

Và ông lui về một góc bàn thờ, chỉ chờ dịp Ðèn Ống ốm đau mới ra tay được một lát. Nhưng trong dịp có lễ lạt ông trở nên quan trọng lạ thường, đó là nguồn an ủi duy nhất, quả thực, những giây phút linh thiêng đó, ông Ðèn Cầy cảm động và hài lòng, mặt mũi ông thật rực rỡ. Tư cách ông đàng hoàng hơn anh Ðèn Ống nhiều. Trong lúc nguy nan thế này, ai dám trông mong vào Ðèn Ống máy móc và ích kỷ.

Nhưng, lúc này ông Ðèn Cầy ngủ mê mệt.

Anh Ghế gọi anh Diều:

– Ê! Bồ bay lẹ tới gầm tủ coi con quái vật nào, đang tấn công cụ Sách?

Diều cằn nhằn:

– Việc ai người ấy lo. Tôi làm việc nặng nhọc cả buổi chiều rồi, không làm giờ phụ trội đâu…” (Nđd)

Theo tôi, cái tinh tế, sâu sắc của họ Lê, nơi “cao trào” ở truyện này của nhà văn Lê Tất Ðiều nằm ở chỗ ông cho thấy, giống như trong đời thường, khi một tai họa xảy đến, có những cá nhân ích kỷ, nhắm mắt trước thảm kịch thì, vẫn có nhiều người khác, tự nguyện ra tay cứu giúp. Ông viết:

“…Tình hình có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng. Bình hoa bắt đầu nhỏ lệ thương xót cho ông Sách.

Bỗng dưới gầm giường có tiếng quay vù vù. Chú Con Quay đã đứng dậy. Chú xoay tít, xoay tít và lần tới gầm tủ quan sát. Chú nói:

– Xin báo cáo với đại tướng Cung Tên. Kẻ tấn công cụ Sách là một con chuột khổng lồ. Nó đang cắn gáy cụ ấy.

Cụ Sách rên rỉ không ngừng.

Ông Cung tên hét:

– Tôi có thể bắn hạ nó, nhưng làm sao xoay cho ra chút ánh sáng bây giờ. Tôi không thể bắn ẩu được.

Mọi vật lại ngẩn ngơ. Làm sao có anh sáng bây giờ? Bình hoa khóc thảm thiết.

Ông Bàn sốt ruột:

– Tôi có thể khuân vác tất cả. Ai muốn nhảy lên mặt tôi mà ngồi cũng được. Nhưng tôi làm gì có ánh sáng. Tội nghiệp cụ Sách quá. Nếu cụ có bề gì chắc tôi không sống nổi. Ngày nào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau.

Ông Bàn càng nói càng nghẹn ngào!

– Ông Cung tên sửa soạn tấn công đi. Tôi sẽ lo vụ ánh sáng.

Câu nói đó của một giọng khàn khàn như xuất phát ra từ một nơi đầy bụi. Ðó là giọng bác Ðèn Xếp. Bác chui từ gầm giường ra. Bác đã nằm đó để chờ Tết Trung Thu. Mỗi năm bác chỉ làm việc có một ngày. Thời gian còn lại, bác nghỉ Hè.

Bác Ðèn Xếp đã lăn tới giữa nhà (đó là vật cô đơn nhất phòng, bình thường chả có vật nào nói chuyện hay nhắc tới Ðèn Xếp).

Ðèn Xếp đứng thẳng và sáng dần. Thân thể bác đầy bụi. Ánh sáng còn mờ. Những lằn xếp chưa giãn ra hẳn, chúng cũng lười biếng như những khớp xương lâu không được dùng tới. Ông Cung Tên hét:

– Ráng lên chút nữa!

Bác Ðèn Xếp cố sáng hơn.

– Tôi thấy bóng tên chuột rồi. Sáng thêm chút nữa bác Ðèn Xếp.

Ðèn xếp không ngừng cố gắng.

– Rồi! Tôi thấy nó rồi!

Mũi tên vụt đi trúng ngay con chuột. Nhà hiệp sĩ Cung Tên mà bắn thì có bao giờ trượt. Mọi vật reo hò…” (Nđd)

Và, kết cuộc không thể cảm động, bi tráng hơn, vì:

“Nhưng ở giữa nhà, bác Ðèn Xếp không thể chia vui được. Bác đã ráng sức đến nỗi cả thân mình bác bốc lửa. Bình hoa rú lên và ngất xỉu.

Trong ngọn lửa nóng hừng hực, bác Ðèn Xếp thều thào:

– Xin vĩnh biệt các bồ!

Thoáng một cái, bác đã đen hết mình.

– Trung Thu sang năm các bồ hãy nhớ đến tôi nhé! Và bác ngã xuống cùng với ngọn lửa.” (Nđd)

Sự “ngã xuống” của bác Ðèn Xếp, tuy “cùng với ngọn lửa,” nhưng với tôi, cũng chính là sự “ngã xuống” để “ngọn lửa” đứng lên, cháy với muôn đời, vậy.

(Còn tiếp một kỳ)

MỚI CẬP NHẬT