Monday, March 18, 2024

Nhà văn, tác phẩm, bạn đọc

Viên Linh

Tôi đồng ý (…) về nhận định tiểu thuyết Việt Nam hiện nay là một vận động tuần tự hình thành, nghĩa là đang thoát ly và phá vỡ. Nói như thế còn có nghĩa là đồng ý hiện tại là một đổ nát. Trong đổ nát thế nào cũng có viễn ảnh một kiến trúc mới nhưng đồng thời cũng còn có những kẻ thâu lượm vôi vữa thừa thãi để kiếm ăn riêng. Vậy trước hết ta cũng cần thanh toán những kẻ xây sự nghiệp trên vài mảnh giá trị cũ, cho công trường chúng ta được quang đãng sạch sẽ.

Tôi tạm xin lỗi các anh để chia lô công trình hôm nay. Tôi chia tiểu thuyết Việt Nam hiện tại ra làm những loại sau đây.

– Loại hữu sự: Tiểu thuyết loại hữu sự kể một truyện nào đó mà câu chuyện ấy là chính. Tác giả nó lấy câu chuyện ấy để ngầy ngà người đọc qua mọi chi tiết. Nói một cách khác, nhân vật của loại hữu sự lúc nào cũng bận rộn với đạo lý làm người (đã được xác định) và lương tâm của hắn: tâm lý ấy thông suốt cả cuốn chuyện.

– Loại thời sự: Gọi là thác loạn, gọi là tuổi hai mươi, khai thác những cái-buồn-nói-lên-lời (…). Loại này đi song hành với tân nhạc cải cách và nhạc thời trang ngoại quốc.

– Loại tâm sự: Câu chuyện không còn là chính nữa mà cảm xúc là chính. Thứ tâm sự ở đây có cái ướt át trữ tình, có các nhân vật phong nhã. Loại này đi song song với thơ tiền chiến, hiện đang còn kéo dài.

– Loại vô sự: Vô sự ở đây không có nghĩa là không có chuyện gì mà là có rất nhiều chuyện trong một tác phẩm, rất nhiều nhân vật, rất nhiều mặt được nói đến. Cái chính không còn là câu chuyện, nhưng là sự việc, sụ vật, là tất cả cái gì trông thấy kể cả không khí, cái vẻ, cái bóng của cuộc sống. Loại này đi song song với Thơ Tự Do.

Thâu tóm ý kiến vừa trình bày, tôi thấy loại tiểu thuyết hữu sự sẽ còn kéo dài vì nó cần thiết cho những người đọc vô sự, và loại tiểu thuyết vô sự đang tiến tới một cách hùng vĩ, vì nó là công việc của người làm văn học nghệ thuật hữu sự. Nói cách khác, loại trên chỉ có giá trị với độc giả, còn chính những người viết ra nó thảy đều vô ích cho nghệ thuật.

Đối với người đọc, cái mà người viết bây giờ đã thực hiện được, là đã đẩy được người đọc mình đến đứng chung với mình trên một điểm khởi hành mới, thỏa thuận gia nhập với mình vào hành động.

-Về liên quan giữa người đọc và người viết, tôi xin dùng lại cái hình ảnh kiến trúc. Trong những tiểu thuyết cổ điển, mà tôi gọi là tiểu thuyết hữu sự, kiến trúc đã hoàn toàn xong, hoàn toàn hoàn tất khi người đọc bước vào, ngự ở trong đó, xoay chuyển nhìn ngắm những cái đã bày biện sẵn ở trong đó. Với những người viết mới, kiến trúc không bao giờ hoàn tất, nghĩa là người thưởng ngoạn bước vào đó không để ngự ở trong đó. Họ phải góp sức, họ phải cùng tạo tác với tác giả. Đẩy mạnh nhận định này, nảy sinh những vấn đề sau đây.

– Giá trị một cuốn tiểu thuyết không-phải-bây-giờ vốn đã nằm sẵn trong số lượng độc giả có sẵn. Độc giả nhiều là cuốn sách có giá trị. Độc giả ít là tác giả tầm thường. Nói như vậy cũng có nghĩa là người ta viết để phục vụ một phương trình so sánh 2 phân số: mà phân số thứ hai bao giờ cũng lớn hơn phân số thứ nhất: làm sao được, khi độc giả là độc giả có sẵn, chiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

– Với những nhà văn mới, tôi thấy họ từ chối số độc giả có sẵn: Tác phẩm sẽ tự tạo một khối độc giả mới. Vậy khi số thành không lớn, thì không phải tác phẩm không được đón nhận nhiều, mà bởi vì chính tác giả nó không chấp nhận phân số thứ hai, không làm một bài so sánh hai phân số.

Theo ý tôi hiểu thì anh Mai Thảo khi nói về liên quan giữa người đọc và người viết, đã dường như coi người đọc là một khối cố định. Anh chỉ nói đến tác phẩm cổ điển và tác giả cổ điển. Tôi muốn thêm: còn có những độc giả cổ điển nữa. Tuy nhiên, độc giả mới Việt Nam bây giờ rất ý thức, rất nhiều, theo một tỷ lệ tương đối với nó cách đây 5, 10 năm. Nếu có ý kiến thắc mắc tại sao còn nhiều người đọc tiểu thuyết cổ điển hơn là tiểu thuyết mới, (cũng như nhiều người còn thích thơ tiền chiến hơn thơ tự do) tôi xin được trả lời: ở đâu cũng vậy, kẻ dở nhiều hơn người hay.

Vậy thì, ở phía nào người viết và người đọc cũng có một mảnh đất chung hết, cái khác là mảnh đất ấy nó như thế nào mà thôi, một vườn hoa có rào dậu hay một khu rừng biên giới. Một vương quốc hay một lãnh thổ Cộng Hòa. Nhân đây tôi cũng muốn nói với một số anh em đồng tuổi vắng mặt: có nhiều người không biết rằng các anh đang ấp ủ những tác phẩm riêng, hay đang viết, điều ấy không có giá trị gì hết: họ ở ngoài lãnh thổ Cộng Hòa của chúng ta.

– Nếu động lực mới chưa thành một cái nền, thì không phải là nó thất bại. Nó còn đang đi và nó chưa ngừng lại cũng như nó chưa quay đầu về. Tuy nhiên, quả là động lực ấy chưa được dùng hết, dường như vì vấn đề mục đích, một vấn đề cổ điển: viết để đi tới đâu, trong lúc này?

(…) Những năm trước, khi ngồi vào bàn viết, cầm đến bút là tôi nghĩ ngay đến độc giả. Truyện này tôi sẽ viết cho ai? Lớp độc giả nào đó sẽ đọc tôi? Và tôi hình dung thấy họ. Cốt truyện do đó không còn là của tôi nữa. Tôi sống, tôi nghĩ, tôi hành động theo những nhân vật của tôi. Như một số feuilletons tôi đã viết và đã in thành sách trong thời gian gần đây, tôi đã đóng vai một người kể chuyện cho một số người nghe hơn là một nhà văn viết một tác phẩm cho chính mình. Nói thẳng ra, tôi viết để sống. Tôi không chối cãi là ở những cuốn truyện đó có nhiều non kém, còn nhiều cẩu thả. Tôi cũng không ân hận gì về những điều đó. Tôi phản đối thái độ phủi tay trách nhiệm để ngụy trang cho mình một khuôn mặt trí thức, tiến bộ. Tôi đứng về phía những anh em sống bằng ngòi bút, sống bằng cái nghề viết feuilleton… Nhưng tôi cũng không đồng ý với một vài đồng nghiệp của tôi đã hài lòng để tự khoác lên người mình cái danh hiệu văn sĩ, tiểu thuyết gia, vội vã nhận ngay chút danh vọng nhất thời, chút tên tuổi phù du để nghĩ rằng như vậy là đã đủ, đã có quyền tự mãn.

Nói vậy không có nghĩa là tôi chống lại những ý kiến mà từ đầu các anh đã nêu ra trong buổi nói chuyện này. Tôi hiểu rõ nỗi băn khoăn của người cầm bút hôm nay. Viết cái gì? Viết để đi tới đâu trong lúc này?

Xin thú thật là chính tôi – người cầm bút như một dũng sĩ sử dụng một đường gươm quen thuộc, theo lời Mai Thảo nói, cũng cảm thấy băn khoăn, lúng túng trước vấn đề đó. Thế nên, như tôi đã nói lúc đầu, những năm trước khi ngồi vào bàn viết là tôi đã nhìn thấy ngay độc giả của mình, viết dễ lắm, dễ hết sức. Bây giờ, tôi chịu. Không thể hình dung ra độc giả của mình là ai nữa. Không hiểu rằng tại mình mệt mỏi hay là tự cảm thấy độc giả đã mệt mỏi vì mình rồi?

Tôi vốn ngại thảo luận và rất sợ bị phát biểu ý kiến, hôm nay nói như thế này kể cũng là quá nhiều rồi. (Viên Linh)

(Đoạn trao đổi trích ra từ cuộc thảo luận về “Tiểu Thuyết Việt Nam Hiệt Đại” do Tuần báo Nghệ Thuật tổ chức tại Sài gòn năm 1965. Phía tổ chức gồm Mai Thảo, Thanh Nam, Viên Linh, phần trên đây chỉ trích dẫn phát biểu của Viên Linh). 

MỚI CẬP NHẬT