Tuesday, March 19, 2024

Nhân họp mặt văn nghệ và triển lãm tranh Tháng Mười

Viên Linh/Người Việt

Nhân họa sĩ Lê Tài Điển từ Paris qua, một cuộc họp mặt và triển lãm tranh đã được tổ chức trong khuôn viên một biệt thự vùng Tam Biên Washington D.C. – Maryland – Virginia hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Mười.

Cuộc họp mặt quy tụ trên một trăm thân hữu, khán giả trong vùng, không kể những người như Điển, người đến từ bốn phương. Từ bốn phương, chúng ta sẽ còn nhiều người khác nữa sẽ đến, hay đang đến một khi có hội ngộ thuần túy văn nghệ.

Virginia với những thành phố trên đỉnh đồi, xe lên xe xuống thình lình xuất hiện trước mắt sau lưng với đường lộ quanh co, sinh hoạt cuối tuần thường là một họp mặt thiên nhiên, giữa vườn tược cây cối, suối nước hồ cá, quanh một bếp nướng nhả khói xanh thơm mùi trang trại.

Và cạnh đó, một sân khấu dã chiến với máy khuếch âm đủ để trở thành một sinh hoạt văn nghệ thân mật mà không kém phần nghệ thuật, nhất là có tranh mới nhất của một họa sĩ ít ra là ba lần được trao giải triển lãm hội họa quốc tế ở Paris, hay các thành phố Âu Châu khác.

Gặp lại Điển là một bất ngờ, tôi nhận ra ngay cặp mắt cũng lộ đầy bất ngờ của bạn, sáng rực, như thế từ khi đất nước tan hoang, kinh thành sụp đổ. Hơn 40 năm bây giờ chúng tôi mới lại gặp được nhau, nhưng hình như đây là lần thứ hai.

Lần đầu lúc đi dự đại hội PEN International năm 1992 ở Tiệp Khắc tôi có ghé Paris hai ngày và gặp mấy người bạn thân ái ở quán Đào Viên của Lan Phương, các anh Tạ Trọng Hiệp, Hồ Trường An, cùng một tay dịch Pháp Việt nổi danh của báo Tiền Tuyến lúc này không nhớ nổi tên anh, và Đặng Tiến …

Còn đến thăm đôi người khác ở lân cận, một sử gia, một nữ họa sĩ, một nữ ký giả, nhà thơ nữ Thụy Khanh, nhà truyền thông Thụy Khuê. Tôi còn được bạn đưa ra nhà ga xe lửa, theo tôi đề nghị, mua vé lên tàu đi thăm một họa sĩ thi sĩ ở xa thủ đô ánh sáng, đó là lần cuối cùng tôi gặp người bạn vong niên, anh Thái Tuấn.

Với danh họa Phạm Tăng, do thân tình là bạn học thời trẻ với em ruột anh, tôi tới thăm tận nhà và được thưởng ngoạn “tấm tranh vũ trụ” (tên do tôi tự đặt), gồm ba miếng ghép lại thành một, treo kín nguyên một bức tường nhà, bức tranh với những chấm màu như những vì sao trong bao la.

Ngắm anh một khuôn mặt với vừng trán cao, tóc lưa thưa không còn là mái tóc, tôi thấy diễn ra trong trí nhớ mình một câu chuyện tình thảm khốc. Lúc nghe chuyện, tôi ngồi sau xe gắn máy của bạn, xe chạy dưới cơn mưa nặng hạt trên con đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.

Đi giữa lòng đường ngập sũng, bánh xe rẽ nước bắn lên tung tóe, những người dừng xe tránh cơn mưa dọc hai bên lề đường hẳn nghĩ hai tên khùng đang đi đâu có việc gì quan trọng mà không đợi cho hết cơn. Mưa Sài Gòn vốn thế, lúc xầm xập lúc thưa hạt lay phay, sao đi đâu vội vã. Chúng tôi không thể đợi, vì chúng tôi đang đi tới quán để uống cà phê.

Câu chuyện tình ấy em trai anh nói với tôi, sau khi vợ anh tự nuốt những ống sơn màu vào bụng.

Tôi mới từ California trở về vùng Tam Biên được hơn một tháng, lòng còn bỡ ngỡ với mùa Thu không thấy lá vàng – người ta đang bàn tán, kể cả báo chí truyền thông – về sự thay đổi khác thường của khí hậu, của trái đất đang nóng đến mức chưa từng có, và chính lòng mình đang để tang cho những chia biệt cùng một lúc những người bạn của nửa thế kỷ đã thay nhau liên tiếp ra đi.

Một người ở góc sân kêu tên, ngó lại cùng giơ tay ngỏ ý chào hỏi. Một phụ nữ đi ngang giơ chỉ vào tôi giới thiệu với bà bạn bên cạnh: bạn thân của anh tôi đấy. Nhìn mãi mới ra là Hồng Thủy Trưng Vương tôi biết từ Sài Gòn những năm 1960, em gái của nhà thơ Nguyễn Đức Vinh, tác giả “Chiếc Nón Bài Thơ.”

Vinh đi đã lâu, sau Vinh lần lượt ra đi là những Võ Đình, Ngô Vương Toại, Giang Hữu Tuyên, và Nguyễn Ngọc Bích hồi đầu năm – anh ngồi máy bay lên trời rồi không xuống nữa (tôi sẽ viết thêm về thời gian 1975 khi anh và tôi làm đặc san mùa Xuân đầu tiên của người tị nạn ở Hoa Kỳ). Gần đây nhất mới tuần qua là Vi Khuê. Đó là những người sinh hoạt trong văn nghệ ở vùng Tam Biên, chưa nói tới các lãnh vực khác. Gặp người này thấy vắng kẻ khác, nhưng sẽ phải làm gì hơn thế.

Về Virginia miền Đông nơi có bốn mùa, thấy thêm mùa bằng hữu văn nghệ tàn rơi cho ít ra là hai thế hệ cầm bút Việt Nam lưu vong hơn 40 năm qua.

Được tham dự cuộc họp mặt ấy là nhờ anh Nguyễn Mạnh Hùng đã tới đưa tôi đi, vì người mới trở về sau 30 năm đã không còn nhớ đồng đất nơi chốn cũ. Mấy hôm nay tôi tự hỏi tại sao không tạo ra những cuộc gặp gỡ thường xuyên hơn?

Sáng tác trong cô quạnh, nhưng cảm hứng để tạo tác hiện lên và hiện ra từ những cuộc họp mặt. Không có sinh hoạt của những người văn nghệ (những người cầm bút viết vẽ biên soạn đủ loại văn thơ kịch luận họa và trong đối tác, phỏng vấn, tường thuật, phê bình)… sẽ không thể có phát triển.

Tôi nghĩ trao đổi ý kiến và đàm thoại giữa hai người trở lên tới hai ba chục người là rất cần thiết, không nên nhiều hơn hai chục người vì nếu mỗi người nói ra ý nghĩ của mình cho tương đối hiểu được cũng cần khoảng 5 phút, 20 người cần 100 phút hay một giờ 40 phút, thêm thảo luận nhiều hay ít một giờ nữa, là cuộc họp đã kéo dài 2 giờ 40 phút; không cuộc họp nào dễ thành công khi dài quá 3 giờ.

Người ta không thể ngồi yên một chỗ và ngậm miệng im lặng quá 3 tiếng đồng hồ. Nhưng để nói với nhau và để ôn lại một quá khứ đang phai mờ, ta cần gặp nhau trong những ý niệm chung. Cảm ơn vợ chồng Bích Ty và chủ nhân The Secret Garden, Virginia. (Viên Linh)

MỚI CẬP NHẬT