Thursday, March 28, 2024

Nhớ Dương Nghiễm Mậu

Viên Linh/Người Việt

Tháng Tám vừa qua là đúng ba năm nhà văn Dương Nghiễm Mậu qua đời, thọ tám mươi tuổi (1936-2016).

Ông ra đi để lại khoảng 20 tác phẩm trong đó một nửa là những tuyển tập truyện ngắn, mà tác phẩm đầu tay đã là tác phẩm làm ông nổi tiếng, nhan đề “Cũng Đành.”

Ngay năm 1970 tôi viết bài đầu tiên về người bạn thời niên thiếu của mình, từ 1953 chúng tôi đã gặp nhau tại Hà Nội, hoặc trên lầu hai của ngôi nhà bên hồ Thiền Cuông nơi tôi cư ngụ, hoặc trong khuôn viên khu tòa án Hà Nội, nơi anh cư ngụ dưới mái gia đình, ở một góc phía sau khu tòa án. Anh từng chỉ một góc bãi cỏ nơi đó, bảo tôi: “Chỗ đó là mồ chôn tập thể của một vụ tàn sát…” Anh nói nhiều hơn nhưng tôi không còn nhớ hết một cách chính xác, nên không dám viết lại các điều khác.

Còn nhớ rõ thời gian vừa qua bệnh thương hàn, còn nằm trong nhà, bà cô tôi một hôm hớt hải từ cầu thang chạy vào phòng khách nơi tôi đang nằm, nói: “Này cháu, sao có mấy ông tới hỏi thăm cháu? Có chuyện gì thế?” Tôi đâu biết chuyện gì, chỉ biết ngơ ngác lắc đầu, thì ba “ông” đã bước tới cửa phòng khách, các ông cùng nói giống nhau: “Nghe anh bệnh, chúng tôi tới thăm.” Các bạn đó đều đã là các thanh niên ăn mặc tề chỉnh, trong khi tôi còn là một học sinh trung học lớp đầu.

Cô tôi lúc nói “có ba ông” đến tìm cũng là có nguyên do. Cả ba đang làm tờ báo Chim Xanh, báo chỉ có 16 trang, số báo mới nhất có đăng một truyện ngắn của tôi. Ngay khi bài được đăng tôi đã đạp xe đi tìm xem tòa soạn ra sao. Lần theo số nhà, hình như 46 Phố Hàng Than Hà Nội, tôi đã không thấy tòa soạn đâu, đọc lại lời ghi trên báo mới hiểu ra: mấy chữ “hộp thư tòa soạn” có nghĩa như thế nào. Trên bức tường của cửa hàng tạp hóa, quả có một hộp thư. Tòa soạn chỉ có thế thôi.

Lúc đến thăm tôi trên giường bệnh, các anh xưng tên là Trường Giang, XYZ và Hương Việt Hương… Những năm sau vào Nam, Hương Việt Hương đổi tên là Dương Nghiễm Mậu.

Dương Nghiễm Mậu. (Tranh sơn dầu Đinh Cường)

Bút hiệu ấy đã ký trên các tác phẩm như sau: Cũng Đành, Văn Nghệ xuất bản, 1963; Gia Tài Người Mẹ, Văn Nghệ, 1963; Đêm Tóc Rối, 1964; Đêm, 1965; Đôi Mắt Trên Trời, Giao Điểm, 1966; Phấn Đấu, Văn 1966; Sợi Tóc Tìm Thấy, Văn 1966; Nhan Sắc, An Tiêm 1966; Tuổi Nước Độc, Văn 1966; Kinh Cầu Nguyện, Văn Xã 1967; Ngày Lạ Mặt, Giao Điểm, 1967; Địa Ngục Có Thật, Văn Xã, 1969; Gào Thét, Văn Uyển, 1969; Ngã Đạn, Tân Văn, 1970; Quê Người, Văn Xã, 1970; Con Sâu, Sống Mới, 1971; Tên Bất Lực, 1972…

Dương Nghiễm Mậu viết thường xuyên cho các tạp chí Văn Nghệ của nhóm Lý Hoàng Phong, Sáng Tạo của nhóm Mai Thảo, và các tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng, Giao Điểm của Trần Phong Giao.

Ông từng được trao giải nhất giải Văn Chương Toàn Quốc thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Dương Nghiễm Mậu tên khai sinh là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 Tháng Mười Một, 1936, tại làng Mậu Hòa, tổng Dương Liễu, tỉnh Hà Đông, bút hiệu của ông từ các địa danh này mà ra.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, nhập ngũ năm 1966, phục vụ trong đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do, sau là Đài Mẹ Việt Nam, vừa là biên tập viên vừa là phóng viên chiến trường; lập gia đình năm 1971.

Các nhà văn nhiều người cũng làm thơ, hay viết kịch, Dương Nghiễm Mậu nổi tiếng về truyện ngắn, và cả truyện dài. Ông có nhận định minh bạch về hai thể loại này như sau: “Các tác giả thường trải qua một giai đoạn viết truyện ngắn trước khi viết truyện dài. Truyện ngắn gần với thơ, kề cận thân thiết với đời sống ấu thơ và những kỷ niệm của tác giả, nó như những bước đi đầu vừa ngỡ ngàng, vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng, hoặc bất ngờ hung hãn như một nhát chem. Truyện ngắn thường là một chi tiết đủ nghĩa của một đề tài thu hẹp… Một truyện ngắn không bao giờ là một trích đoạn của một truyện dài thành công” (trả lời phỏng vấn Nguyễn Đông Ngạc, Sài Gòn, 1974).

Với tôi, Dương Nghiễm Mậu là một tác giả bị những biến động xã hội có tầm vóc lịch sử ám ảnh, người viết về những tan nát của va chạm mâu thuẫn, những xô đẩy của các động lực đối nghịch, kẻ hoạt động thất bại nên trao gửi hoài bão vào văn chương, nhất là vào truyện ngắn, và cả truyện dài. Lúc nào ông cũng viết, không truyện dài thì truyện ngắn, trong hai mươi năm văn học miền Nam ông đã sản xuất tới 21 tác phẩm. Tác phẩm nào của ông cũng đầy biến động, xung đột, kể cả tác phẩm có tên “Nhan Sắc.” (Viên Linh)

MỚI CẬP NHẬT