Thursday, April 25, 2024

‘Những Giọt Mực’, một tác phẩm độc đáo

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Theo nhận định của một số nhà phê bình thì, bản chất thông minh, óc khôi hài và, nhất là khả năng quan sát tinh nhậy, ngay tự bước khởi đầu, đã là ngọn hải đăng dẫn đường cho sự nghiệp văn chương của Lê Tất Ðiều tới nhiều chân trời thành tựu.

Về những bước khởi đầu sự nghiệp văn chương Lê Tất Ðiều, ký giả Mặc Lâm thuật lại phần trả lời của họ Lê, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh RFA, như sau:

“Từ khoảng 15, 16 tuổi tôi đã bắt đầu viết một số chuyện cho các báo hàng ngày như là viết ‘Mỗi ngày một chuyện’ cho báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh. Viết một số truyện cho bà Bút Trà trong phụ trương đặc biệt của báo Sài Gòn Mới.

“Viết một cách nghiêm chỉnh là sau khi có một truyện gắn đăng trên tạp chí Bách Khoa, sau đó có dịp gặp các nhà văn như là ông Võ Phiến; ông chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Bách Khoa là ông Lê Châu. Ðược sự khuyến khích của họ và bắt đầu quen thuộc với không khí văn chương, và lúc này là lúc tôi khoảng 17, 18 tuổi gì đó…”

“Quý vị vừa nghe một vài tự thuật của nhà văn Lê Tất Ðiều trong buổi đầu gia nhập làng báo. Ông nổi tiếng sau đó với nhiều tác phẩm văn chương qua nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Truyện ngắn đầu tiên mang tên ‘Cỏ Hoang’ được độc giả của báo Bách Khoa nồng nhiệt đón nhận đã tạo cơ hội cho ông chính thức bước vào giới văn chương Việt Nam mà lúc đó rất nhiều người mong ước. Tạp chí Bách Khoa có công phát hiện ra nhà văn Lê Tất Ðiều khi cho in tập truyện ngắn đầu tiên của ông:

“Tạp chí Bách Khoa có in cho tôi một tập truyện ngắn nhan đề là ‘Khởi Hành.’ Lúc đó vào khoảng năm 1962-1963…” (Nđd) (4)

Dù tập truyện “Khởi Hành” được độc giả đón nhận và đánh giá cao về phương diện văn chương; nhưng theo tôi, tính nhân bản, tấm lòng đau đáu của họ Lê dành cho tuổi thơ, những mảnh đời kém may mắn, chỉ hiển lộ mãnh liệt, rực rỡ, cảm động khi truyện dài đầu tay, tựa đề “Ðêm Dài Một Ðời” của ông được xuất bản. Nhiều năm sau, năm 1974, họ Lê lại cho ra đời tập truyện tựa đề “Những Giọt Mực” – – Tác phẩm đầu tiên, duy nhất trong 20 năm văn học miền Nam, của họ Lê, được tác giả nhân cách hóa đồ vật một cách thông minh, tài hoa và, cũng không kém phần ý nghĩa cảm động qua cái cái nhìn sâu, lắng của riêng ông. (5)

Tác giả Hoàng Nhất Phương trong một bài viết gửi cho trang mạng Dân Luận, ghi lại dư luận ở thời điểm “Những Giọt Mực” xuất bản lần thứ nhất, như sau:

“Năm 1968 (?) khi tác phẩm ‘Những Giọt Mực’ viết cho thiếu nhi của nhà văn Lê Tất Ðiều phát hành, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, toàn thể học sinh-sinh viên miền Nam thuở đó nồng nhiệt đón tiếp, và đã không tiếc lời khen ngợi bút pháp độc đáo của tác giả. Tuyển tập gồm 11 truyện ngắn, lời văn dễ thương, dí dỏm, tinh nghịch, sâu sắc, kể về cuộc đời của từng đồ vật được nhân cách hóa trong ‘Tình Bạn Của Ðôi Guốc, Trung Thu Của Bác Ðèn Xếp, Diều Giấy Mắc Nạn, Tờ Lịch Ðầu Tháng, Những Giọt Mực, Tâm Sự Bác Ðinh Già, Những Mũi Tên Trưởng Thành, Một Chút Anh Hùng, Ô Ðen Ði Du Lịch, Cơn Giận Của Bác Ðồng Hồ, Lão Dao Sắc.’ Dưới cái nhìn sâu thẳm đầy tình mến của Lê Tất Ðiều, mỗi đồ vật đều có đời sống và tâm sự khác nhau. Ông Bàn kêu rên vì ‘cái bệnh mọt ăn trong xương, trong mình ông ngày càng nặng thêm.’ Bác Ðèn Xếp vì muốn cứu cụ Sách đã đốt cháy bản thân, trước khi ‘ngã xuống cùng với ngọn lửa còn cố thều thào… trung thu sang năm các bồ hãy nhớ đến tôi nhé!’ Bác Búa Ðinh bị mọi người coi là lỗ mãng, nhưng bác ấy bảo mình còn lịch sự chán, phải tay thằng Dùi Ðục coi, nó chửi liền. Cõi người ta có bao nhiêu loại nhân cách sang trọng, đớn hèn, đàng hoàng, tệ bạc, tử tế, vô ơn,… hay có bao nhiêu cảm nhận ngon dở, tốt xấu, lành dữ, trọng khinh,… đều hiện hữu đầy đủ trong căn phòng của chú bé học trò.

“Ðộc giả dù ở lứa tuổi nào cũng đều tư lự và xúc động khi đọc ‘Những Giọt Mực.’ Người cảm thương tình bạn của chàng Guốc Gỗ. Người tưởng nhớ bác Ðèn Xếp tốt bụng, hy sinh thân mình. Người nể trọng cụ Sách đầy kiến thức, luôn nói ra những lời khôn ngoan đầy chân lý. Người trân quý tính nết ngay thẳng của ông Bàn. Người kính phục bác Cung Tên can đảm, nhiều kinh nghiệm. Người than vãn giùm anh Diều Giấy không may gặp nạn. Người thích thú trước những lời dõng dạc oai nghiêm như một ông tướng của cây Roi, khi hắn bảo ‘…Thưa quý vị đồ vật trong phòng. Tôi trả thù cho quí vị rồi đó’ Người ngẩn ngơ trước lời của tờ lịch ngày ba mươi mốt nói với tờ lịch ngày mùng một…’ Chú có riêng một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang truyền thống ấy. Ðời sống chúng ta rất ngắn ngủi và chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống và đừng bỏ phí một giây nào…’ Người khóc vì sự nghiệp vinh quang của ba giọt mực còn đọng lại trong bình, khi ông Bàn sang sảng nói ‘Ba giọt mực cuối cùng đã làm một việc có ý nghĩa nhất: họ đội những đứa khác trên đầu, suốt ngày này sang ngày khác. Nhờ vậy, những giọt đứng trên đầu họ mới bám vào ngòi bút, ra ngoài, biến thành chữ… Vậy ba giọt mực bé tí teo, các cháu có quyền kiêu hãnh. Các cháu đóng góp vào rất nhiều sách vở. Và hàng tỉ chữ, hằng hà sa số hình vẽ trên cõi thế gian này đều mang ơn những giọt mực nằm dưới đáy bình…’ Có thể nói dưới ngòi bút miêu tả sống động của nhà văn Lê Tất Ðiều, mỗi đồ vật đều thể hiện một ‘nhân cách khác thường.’” (Dân Luận, nđd)

Không riêng Hoàng Nhất Phương ghi nhận các bậc phụ huynh cũng nồng nhiệt đón nhận “Những Giọt Mực” như ký giả Lô-Răng/Phan Lạc Phúc. Sinh thời, họ Phan cũng từng ghi nhận:

“…’Những Giọt Mực’ không phải dành riêng cho trẻ con, mà nó còn là đầu đề suy nghĩ cho người lớn nữa.” (Nđd)

(Kỳ sau tiếp)



Chú thích:

(4) Ở đây có sự sai biệt về thời điểm ra đời của tập truyện “Khởi Hành.” Theo chính tác giả thì tập truyện “Khởi Hành” ra đời trong khoảng thời gian 1962-1963. Trong khi trang mạng Wikipedia-Mở ghi là 1961. Cũng Wikipedia-Mở ghi 1968 là thời điểm xuất bản tập truyện “Những Giọt Mực” (cùng năm với tác phẩm “Người Ðá” của họ Lê). Sự thật “Những Giọt Mực” được XB lần đầu, tại Saigon, năm 1974. Tôi trộm nghĩ, tác giả nói về năm tháng ra đời tác phẩm của mình, đáng tin cậy hơn bất cứ một cơ quan truyền thông nào, kể cả trang mạng Wikipedia-Mở.

(5) Thời tiền chiến, chúng ta có “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của nhà văn Tô Hoài. Ông nhân cách hóa một sinh vật chứ không phải một đồ vật.

MỚI CẬP NHẬT