Tuesday, March 19, 2024

Những người xa khuất dịp Xuân sang

Viên Linh/Người Việt

Tết Nguyên Đán Âm Lịch thường thường là mấy ngày trong Tháng Hai Dương Lịch. Như năm nay Nguyên Đán (ngày đầu tiên, tức mồng 1) nhằm ngày 16 Tháng Hai, 2018.

Như thế những người vĩnh biệt dương gian vào Tháng Hai Dương Lịch là những người ra đi vào dịp nhân gian đang bận rộn mừng Xuân đón Tết.

Trong khoảng 20 năm qua, tôi đã tìm thấy và đã ghi chép được như những gì sẽ tóm lại như dưới đây, những người vĩnh biệt Tháng Hai:

-Nhà thơ Nguyễn Vỹ mất ngày 4 Tháng Hai, 1971.

-Nhà văn Duyên Anh mất ngày 6 Tháng Hai, 1997.

-Nhà văn Lê Văn Trương mất ngày 25 Tháng Hai, 1964.

-Nhà văn Phùng Tất Đắc mất ngày 29 Tháng Hai, 2008.

Chắc chắn nếu người ta bõ công ra tìm kiếm, con số sẽ nhiều hơn. Với tác giả bài này, bốn vị kể trên đều là những người quen biết, riêng học giả Phùng Tất Đắc lại là người đã quá bộ quán cà phê Hầm Gió trên đường Võ Tánh (cùng nhà văn Mặc Đỗ) dự buổi ra mắt cuốn truyện dài “Hạ Đỏ Có Chàng Tới Hỏi” của tôi vào một đêm trong trong năm 1973. Không được quen ông trước đó, ông tới dự vì cùng đi một xe với nhà văn Mặc Đỗ, người bạn vong niên đã từng viết bài thường xuyên cho tất cả những tạp chí do tôi chủ trương hay làm thư ký tòa soạn: tuần báo Nghệ Thuật (1965-), tuần báo Khởi Hành (1969-), tuần báo Diễn Đàn (1972-), nguyệt san Thời Tập (1973-).

Hôm ấy nhà xuất bản Khai Hóa của cặp Ngọc Sương-Vũ Dũng, và cả tôi đã lúng túng nhìn nhau vì khi hai nhà văn tên tuổi và trọng tuổi nhất bước vào buổi ra mắt sách, chúng tôi tìm không ra một ly rượu vang nào, đã hết sạch, nên đã ngượng nghịu mời hai vị sang hơn “dân Tây” hai cốc bia! Hai vị biết rõ lòng tôi, nên cứ nói “không sao, không hề gì” cho tôi đỡ ngượng, cho dù buổi ra mắt sách là do nhà xuất bản tổ chức.

Đó là lần đầu tiên tôi được gặp tác giả “Chơi Chữ” (1960) và “Giai Thoại Làng Nho” (1963), người đã từng bỏ tiền ra xuất bản báo Đông Tây ở Hà Nội từ năm 1931, 1932. Và lúc đó ông Phùng Tất Đắc đứng đầu ngành ấn loát tại miền Nam, theo ý tôi, với nhà in Kim Lai ấn thư quán theo tiêu chuẩn Âu Châu, máy móc tôi tân. Nó vốn là nhà in IFOM của Pháp (Imprimerie Francaise  d’Outre  Mer – nhà in Pháp Quốc hải ngoại). Nhà in này cũng là nơi đặt trụ sở nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư do Phùng Tất Đắc chủ trương, in sách cho lớp nhà văn học giả cùng niên tuế lớp ông, như của Đoàn Thêm, Tạ Tỵ,… và nhất là các trước tác của chính ông, đã trở thành những tác phẩm cổ điển, bề thế, khổ lớn trên giấy tốt, như Chơi Chữ, Giai Thoại Làng Nho, Hán Văn Tinh Túy, Thơ Pháp Tuyển Dịch, Chuyện Cà Kê…

Sách Phùng Tất Đắc thấm đậm phong thái và có tinh thần xã hội và thời đại của ông và của các thế hệ thời ông, như đoạn trích dẫn này cho thấy: “Sở dĩ tôi hàm làm báo là vì từ trước vẫn nghe nói chuyện về những thiên tài Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và đức cần cù của Trần Trọng Kim, nên muốn được học hỏi nơi các ‘thần tượng’ ấy. Ðến khi lên Hà Thành, gặp ông Phạm Quỳnh ở Hội Khai Trí, tôi không ưa lối cao ngạo, nhưng phải phục đức tính chịu khó của ông: ông ngồi văn phòng mùa nóng nực, mồ hôi nhễ nhại mà vẫn cặm cụi viết, hoặc đọc sách đến đoạn nào đắc ý, lại lom khom đứng dậy ghi ngay vào fiches. [thẻ] Nguyễn Văn Vĩnh thật có thiên tài… hồi ông dịch tiểu thuyết Pháp, buổi trưa sau bữa cơm, ông nằm trên ghế dài, hai bên hai người ngồi chép, ông dịch một lúc hai bộ tiểu thuyết, cứ đọc một câu cho bên phải lại quay đọc một câu cho bên trái. Ông lại là người rất tình cảm, khi dịch ‘Mai Nương Lệ Cốt,’ hễ xong vài chục trang lại cho người đem cho bà vợ đầm xem ngay trước rồi mới đưa in. Ông có tài đọc rất nhanh, tôi từng thấy ông cầm quyển Nho Giáo mới xuất bản, lật lật từng tờ, đưa mắt qua loa, độ một giờ sau là ông cầm bút viết bài phê bình trên báo ‘Annam Nouveau.’ Trần Trọng Kim là người cần cù khổ học. Ông có một cái bàn viết thật độc đáo, cả bàn ghế cả đèn đều đặt trong một chiếc màn lớn để tránh muỗi, đêm nào dù đi yến tiệc ở đâu cũng cứ 22 giờ là về, chui vào làm việc cho đến 2 giờ sáng.” (Văn, 10.1.1975)

“Nhiệm vụ thường xuyên của tôi (ở báo Ðông Tây) là đứng ở nhà in coi đặt bài vào khuôn, đoạn nào thừa thì cắt đi, khoảng nào trống thì trám vào.”

“Báo chí buổi ấy ở dưới chế độ kiểm duyệt. Ðứng đầu Sở Kiểm Duyệt là Vayrac, một ông tây thâm nho… Khoảng năm 1930 chính quyền Pháp bổ ông Vi (Văn Ðịnh) về tổng đốc Thái Bình,… ông Vi dùng hết cơ tâm để săn bắt những người làm quốc sự, lại sáng chế ra một cách tra tấn thần hiệu là dùng chày nện vào các khớp xương. Ðược tin ấy, Ðồng Giang cư sĩ ở Nam Ðịnh gửi lên báo Ðông Tây một bài thơ vịnh chày, lấy chày làm độc vận… Hồi bấy giờ lệ kiểm duyệt cho đưa từng bài lẻ chứ không phải đưa ra cả trang báo lớn, nên khi ráp các bài đã được phép in thành một trang, tòa soạn trưng hình ông Vi lên trang nhất, và ngay bên dưới, đóng khung bài thơ chày, đã có dấu kiểm duyệt:

Chày

Khen ai đã khéo tạc nên chày
Đau đớn cho ai chỉ vị chày
Ở chốn rừng xanh trơ xác lõi
Về nơi dân đỏ béo thân chày
Trông ra tròn trặn trơn lì gỗ
Dùng đến hung hăng giã nặng chày
Đầu có nhọn đâu mà cô thắt?
Ngàn thu còn nhớ mãi tên chày!

(Cụ lớn vốn là người mạn ngược đầu tiên được cử về trị nhậm ở vùng xuôi, cũng nhờ cái tiếng hét ra lửa.)

Báo phát hành, quả nhiên tiếng chày vang rộn rã trên khắp các tỉnh miền Trung châu, và từ đó về sau, cái hình phạt “chày” cụ lớn không cho dùng đến nữa. (Viên Linh)

Xếp hàng tới ba giờ sang chờ hớt tóc ăn Tết ở Cần Thơ

MỚI CẬP NHẬT