Friday, April 19, 2024

Nobel văn chương và tranh cãi

Trần Doãn Nho/Người Việt

Giải Nobel văn chương năm nay được Hàn Lâm Viện Thụy Điển loan báo vào ngày 10 Tháng Mười, 2019, có mấy điểm đặc biệt.

-Hàn Lâm Viện công bố một lần hai giải, một cho năm 2018 và một cho năm 2019. Lý do, giải 2018 bị tạm đình chỉ vì một vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, gian lận tài chính và tiết lộ tin tức dính líu đến ông Jean-Claude Arnault, người chồng Pháp của bà Katarina Frostenson, một thành viên của Ban Giám Khảo giải, khiến bà và sáu thành viên khác phải từ chức, còn ông Arnault thì ngồi tù.

-Một trong hai người đoạt giải là nữ. Đây là nhà văn nữ thứ 15 đoạt giải này trong lịch sử gần 120 năm của giải. Đó là bà Olga Tokarczuk, Ba Lan, Nobel 2018. Người kia là Peter Handke, người Áo, Nobel 2019.

-Giải vừa công bố thì gây ra ngay tranh cãi.

Trước tiên là tranh cãi về bà Olga Tokarczuk, nhà văn Ba Lan. Là một người có đầu óc tự do, tiến bộ, ủng hộ phong trào nữ quyền và môi sinh, ngoài vai trò nhà văn, bà còn là một nhà hoạt động xã hội, nhà bất đồng chính kiến. Qua các tác phẩm văn chương, bà đề cao một xã hội Ba Lan đa chủng, chấp nhận di dân, ủng hộ đồng tính luyến ái.

Bà nhiều lần lên tiếng cảnh cáo tham vọng của một số chính trị gia Ba Lan muốn xóa bỏ những thời điểm đen tối trong lịch sử Ba Lan, lúc mà Ba Lan hành xử như những kẻ thực dân, đàn áp dân thiểu số, sở hữu nô lệ và giết hại dân Do Thái, phạm những “tội ác khủng khiếp.” Quan điểm này hoàn toàn trái ngược lại với chính phủ hữu khuynh Ba Lan hiện tại do đảng Luật Pháp và Công Lý lãnh đạo và những phần tử cực hữu khác. Họ cho rằng đồng tính luyến ái là tai họa của gia đình, di dân là mối nguy hiểm của quốc gia.

Tin bà đoạt giải, thay vì là một niềm hãnh diện quốc gia, thì lại là một cơ hội tạo thêm sự chia rẽ trong công luận Ba Lan vốn đã diễn ra từ lâu. Đối với một số người, bà là một cây bút tài hoa nắm bắt được một Ba Lan bi kịch và đầy cảm hứng của thế kỷ 20; việc bà đoạt giải là cơ hội để Ba Lan được ngẩng mặt lên với thế giới. Trong lúc đó, đối với một số người khác, thì bà là một kẻ phản bội.

Rafal Ziemkiewicz, một ký giả hữu khuynh, chỉ trích gắt gao bà, cho rằng các phần tử tả khuynh phương Tây sẽ lợi dụng giải thưởng như là một vũ khí chống lại chính phủ đương nhiệm và những người theo chủ nghĩa dân tộc Ba Lan. Họ cho rằng bà đã vu khống đất nước Ba Lan và đã từng dán cho bà nhãn hiệu “targowiczamin” (kẻ phản bội) từ những năm trước đây. Không những thế, bà còn bị dọa giết, khiến có lúc, nhà xuất bản chuyên in sách của bà phải thuê vệ sĩ để bảo vệ bà.

Nếu tranh cãi về Olga Tokarczuk chỉ giới hạn trong nước Ba Lan, thì tranh cãi nhắm vào nhà văn Peter Handke diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, cả từ văn giới, báo giới cũng như chính giới với mức độ dữ dội hơn nhiều. Phản ứng nhanh nhạy nhất là từ Hội Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America).

Nhà văn Jennifer Egan, chủ tịch Hội Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America), trong một bản lên tiếng nhân danh tổ chức ngay sau khi nghe công bố giải, nhận định rằng, “Chúng tôi chết lặng người khi hay tin nhà văn được chọn lựa là một người đã sử dụng tiếng nói của mình để cắt xén sự thật lịch sử và lên tiếng công khai hỗ trợ cho những thủ phạm diệt chủng, như cựu Tổng Thống Serbia Slobodan Milosevic và Radovan Karadzic, lãnh tụ người Serb Bosnian. Vào thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc, sự lãnh đạo chuyên quyền và tin tức ngụy tạo đầy dẫy đang trỗi dậy trên toàn thế giới, cộng đồng văn chương đáng được hưởng một cái gì tốt hơn thế này. Chúng tôi vô cùng hối tiếc về sự chọn lựa giải văn chương của Ủy Ban Nobel.”

Nhiều nhà văn nổi tiếng cũng lên tiếng chỉ trích. Salman Rushdie lập lại lời lên án 20 năm trước, khi cho rằng Handke là một “kẻ thoái hóa quốc tế” (international moron) vì sự biện hộ cho chế độ diệt chủng Slobodan Milosevic của Nam Tư. Jonathan Littell, nhà văn Hoa Kỳ-Pháp, gọi Handke là “một nghệ sĩ lớn, nhưng với tư cách con người, ông là kẻ thù của tôi.” Alain Finkielkraut, triết gia Do Thái-Pháp, gọi Handke là một “quái vật ý thức hệ” (ideological monster). Nhà văn Hari Kunzru (Ấn Độ-Anh), người dạy tác phẩm của Handke cho sinh viên, thì mỉa mai, “Ông ta là một nhà văn xuất sắc vì đã kết hợp được cái nhìn thấu suốt với sự mù lòa đạo đức.”

Không chỉ tranh cãi, Hội Các Bà Mẹ Srebrenica (Mothers of Srebrenica Association) còn đi xa hơn,  lên tiếng kêu gọi Hàn Lâm Viện Thụy Điển tước bỏ giải Nobel của Handke vì ông ta là người đã “gây căm thù và dối trá” khi ủng hộ những kẻ đã tàn sát người Hồi Giáo vào cuối thế kỷ 20 ở Srebrenica, Bosnia. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, bản kiến nghị trực tuyến đã nhận được hơn 20,000 chữ ký.

Được hỏi về những phản ứng tiêu cực này, ông Mats Malm, thành viện và tổng thư ký thường trực của viện, cho rằng viện đã lựa chọn “dựa trên nền tảng văn chương và thẩm mỹ” (…) “Viện Hàn Lâm không có nhiệm vụ cân bằng giữa giá trị văn chương và thiên kiến chính trị.” Ông thừa nhận là có những vấn đề xoay quanh việc chọn lựa Handke, vì những phát biểu gây ra những tranh cãi của ông, “tuy nhiên ông ta không hề được xem như một nhà văn dấn thân hiểu theo nghĩa của Sartre và ông ta chẳng hề có một dự định chính trị nào cả.”

Một thành viên khác của viện, Anders Olsson, phát biểu với báo Dagens Nyheter rằng giải Nobel  là “một giải văn chương, không phải là một giải chính trị, và dựa trên các giả trị văn chương mà chúng tôi cứu xét việc trao giải.” Ông cho biết là Ban Giám Khảo của giải cũng đã thảo luận về ý nghĩa chính trị và chuyện gây ra tranh cãi, nhưng rồi “chúng tôi đi đến kết luận rằng những điều đó không thể hướng dẫn cuộc thảo luận của chúng tôi về sự chọn lựa.”

Nhiều người không chấp nhận sự biện giải này. Trong bài viết “The Light and the Darkness of This Year’s Literature Nobel,” Rafia Zakaria (CNN) quy lỗi cho Ủy Ban Nobel là đã không thừa nhận sự gắn bó giữa phẩm tính văn chương và chuẩn mực đạo đức. Tác phẩm của Handke tiêu biểu rất rõ cho xu hướng hữu khuynh của một Âu Châu đang chia rẽ, thứ xu hướng tìm cách làm sống lại quá khứ bằng cách xâm phạm người khác, thành kiến với phụ nữ, chống người thiểu số và đặc biệt là chống di dân. Trong khi chọn lựa tặng giải cho cả hai, Ủy Ban đã “chứng tỏ họ không đưa ra một sự công bằng tương xứng về mặt đạo đức.”

Trong một bài viết khác, “Congratulations, Nobel Committee, You Just Gave the Literature Prize to a Genocide Apologist” (Guardian), Peter Maass cho rằng “Peter Handke có quyền tin tưởng những gì ông ta muốn tin, dối trá chừng nào ông ta muốn dối trá,” nhưng các giám khảo của Ủy Ban Nobel đã có một quyết định sai lầm, một quyết định sẽ “phá hủy giải thưởng của họ.”

Vào tối Thứ Ba, 15 Tháng Mười, 2019, tại thành phố quê nhà của mình, Griffen, Áo, phát biểu lần đầu tiên với Tổ Hợp Truyền Thông Áo (Austrian Broadcasting Corporation, ORF) kể từ khi đoạt giải Nobel, Handke cho biết là ông đã tiếp cả 50 ký giả tại vườn nhà ông.

Ông than phiền rằng họ đã dồn dập tấn công ông với những câu hỏi về quan điểm chính trị liên quan đến lập trường của ông về cuộc chiến tranh Yugoslav mà không hề hỏi gì về các tác phẩm của ông. Theo Handke, họ chỉ hỏi những câu hỏi đại loại là thế giới phản ứng như thế nào về việc đoạt giải Nobel của ông. “Toàn là phản ứng, phản ứng với phản ứng. Là một nhà văn, tôi xuất phát từ Tolstoy, từ Homer, từ Cervantes. Hãy để cho tôi bình an và xin đừng hỏi tôi những câu hỏi như thế.” Ông tuyên bố là “sẽ không bao giờ” nói chuyện với các ký giả nữa.

***

Giải Nobel văn chương vốn là giải tạo ra nhiều tranh cãi nhất từ trước đến nay, dường như đã thành truyền thống. Rốt cuộc, tranh cãi chỉ là tranh cãi. Trong lịch sử, Hàn Lâm Viện Thụy Điển không bao giờ thu hồi lại giải một khi đã được trao rồi. (Trần Doãn Nho)

MỚI CẬP NHẬT