Ôi tội hồng phúc! (Kỳ 22)

Trường Giang

Thế là chàng đã lỡ bước thật rồi. Hỡi ơi, Nguyệt Lão rõ khéo cợt đùa, sắp bày cho kẻ cùng nhà, kẻ cùng trường với nàng. Chàng vốn đến trước, mà rốt cuộc lại hóa thành kẻ đến sau. Chỉ vì ngày ấy, chàng quá mải mê với sách vở. để rồi mãi mãi hối tiếc bởi đã bỏ qua một cơ hội không bao giờ trở lại với chàng lần thứ hai. Đã bao lần, chàng tự nhủ, phải quên, nhất định phải quên. Nhưng oái oăm thay, nàng càng lãnh đạm xa vời, bước chân nhung nhớ càng thúc đẩy chàng kiếm hết cớ này đến cớ nọ để tìm gặp nàng trong giây lát, dẫu biết rằng chỉ càng sa lầy trong cái vòng lẩn quẩn của trò chơi cút bắt “theo tình, tình chạy, chạy tình, tình theo.”

Một nữ sinh viên da trắng ở bàn đầu đột ngột cất tiếng hỏi, làm cắt ngang luồng suy nghĩ vu vơ của Tùng. Chàng vội vã rảo chân đi về phía ấy. Nhóm sinh viên gốc Việt ngồi tụm lại ở hai dãy bàn cuối. Ngoài cùng là Hương, sau đấy đến Thanh, Thắng, Lan và Phương.

Ngay những ngày đầu tiên bước vào giảng đường đại học, bốn cô Hương, Phương, Lan và Thanh đã nhanh chóng kết thành một bộ tứ khá thân thiết. Một thời gian ngắn sau, chàng Thắng, bởi lòng cảm mến nét nhí nhảnh duyên dáng của cô bé Thanh nhỏ nhắn, đã bạo gan đơn thân gia nhập vào cái nhóm độc phái nữ này. Hương, Lan, Thanh và Thắng đều sàn sàn trong độ tuổi trên dưới 20, chỉ có Phương xấp xỉ 30 và đã lập gia đình. Từ đấy, bộ ngũ ấy lúc nào cũng cặp kè bên nhau như hình với bóng, trong lớp học, ở thư viện, vào giờ ăn và cả lúc thực hành trên máy vi tính.

Thanh khẽ nhích người qua phải, huých khuỷu tay vào người Hương, tinh nghịch nheo mắt, cố tình nói to đủ cho cả bọn nghe:

– E hèm! Thầy Tùng làm trợ giảng lớp này, chị Hương sướng nhá. Còn tụi này tha hồ hưởng nhờ ơn mưa móc.

– Đừng nói như vậy. Chị xin em đó Thanh.

Nhìn nét mặt nghiêm nghị của Hương, Thanh hiểu rằng mình đã đùa quá lố. Cô bé thè lưỡi tỏ vẻ hối lỗi, khéo léo bắt qua đài khác:

– Anh Thắng ơi, nãy giờ thầy Tùng giảng gì, anh có hiểu không?

– Hiểu sơ sơ thôi.

Thắng cười bô bô, nói oang oang, bất kể đang là giờ học. Máu hài hước bất chợt nổi lên, hắn vỗ nhẹ xuống bàn phím, vờ vĩnh kéo dài giọng than thở:

– Khổ ghê! Từ nào giờ gọi “nó” toàn bằng “thằng” không à, bây giờ khi không phải gọi bằng “thầy,” thiệt là nghẹn ngào không nói nên lời.

Thanh hếch mặt lên, đặt tay lên miệng, suỵt một hơi dài. Cái giọng vờ vịt lên mặt dạy dỗ của cô bé cũng trào phúng không kém.

– Mèn ơi! Anh Thắng này hỗn thiệt nha! Thầy mà anh dám gọi là “nó” hén. Tối thiểu cũng phải gọi là “thầy anh,” giống ông quan huyện trong tuồng cải lương “Nghiêu, Sò, Ốc, Hến” tự xưng là “quan anh” đó.

Thế là cả nhóm đều len lén bụm miệng cười rúc rích. Giữa lúc ấy, Lan tinh nghịch liếc xéo Phương, hóm hỉnh chêm vào:

– Chà! Nếu vậy thì chị Phương phải gọi thầy giáo nhà mình là “thầy em” rồi.

– Đâu có! Gọi là “thầy cưng” thì nghe mới mùi mẫn chớ.

(Còn tiếp)