Tháng Giêng, nhớ Y Uyên

Trần Doãn Nho

Nhà văn Y Uyên tử trận Tháng Giêng 1969. Ðã 47 năm kể từ ngày đó. Suốt bao nhiêu năm, sau 1975, tôi cố đi tìm cho được tạp chí Văn (Sài Gòn) số 129 với bìa trước có hình Y Uyên, nhưng vô vọng. Ngoài chuyện tìm lại nhân dáng và sự nghiệp của một nhà văn mà mình yêu thích, còn có một lý do riêng: trong số này, có một bài của tôi, “Khuôn mặt chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên.” May làm sao, nhà văn Nguyễn Lệ Uyên (hiện còn ở trong nước) đã cất công đi tìm và tìm ra. Anh copy và gửi qua cho tôi số Văn này, nguyên vẹn và đẹp không khác gì bản gốc.

Tôi không quen Y Uyên, chỉ biết anh qua các sáng tác trên Bách Khoa, Văn… và là một trong những người mến mộ nhà văn này. Anh có một phong cách viết rất riêng: điềm đạm, đôi khi như dửng dưng, nhưng đọc kỹ lại đậm đà, chua xót. Ðược xếp vào loại những “cây bút trẻ” của thời thập niên 1960, anh là cây bút cưng của Bách Khoa và Văn mà cũng là cây bút cưng của Võ Phiến và Trần Phong Giao.

Ðây là số Văn tưởng niệm Y Uyên, phát hành vào Tháng Năm 1969, được thực hiện chỉ 4 tháng sau ngày anh tử trận. Theo lời “Thư tòa soạn,” dù đã tăng thêm 32 trang so với thường lệ, nhưng vẫn không đủ chứa hết bài vở của bạn bè, văn hữu gửi đến. Nội dung gồm có hai phần, phần một dành cho những bài tiểu luận viết về các tác phẩm của Y Uyên, trong đó, có sự góp mặt của Thanh Tâm Tuyền, Trần Hữu Thục, Trùng Dương, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Mạnh Côn, Châu Hải Kỳ, Thu Thủy. Phần hai dành cho các văn hữu và bạn bè viết về tác giả và những kỷ niệm. Phần này có sự góp mặt của Mường Mán, Cao Thoại Châu, Võ Hồng, Huỳnh Phan Anh, Trần Phong Giao, Mang Viên Long, Lê Bá Lăng, Trần Huiền Ân… “Thư tòa soạn” còn cho biết, được sự đồng ý của các tác giả có bài, “anh em trong tòa soạn Văn cũng đóng góp thêm phần mình và trao tổng số nhuận bút của số Văn 129 tới gia đình Y Uyên gọi là góp một phần nhỏ trong việc xây cho Y Uyên một nấm mồ.”

Một trong những bài viết cảm động nhất là của Lê Bá Lăng, bạn văn mà cũng bạn cùng khóa Thủ Ðức và bạn chiến đấu của Y Uyên. Xin trích đoạn cuối:

Y Uyên! Y Uyên! Tôi viết những dòng này trên bãi chiến. Không phải bãi tập trên những đồi Tăng-Nhơn-Phú, nơi mà chúng ta đã chung sống ít tháng ngày ngắn ngủi. Nơi đây là một khu rừng thưa, lúc này là lúc thần kinh căng thẳng vì đợi chờ những viên đạn địch hung hãn, những tiếng reo hò man rợ. Lòng tôi trũng xuống. Tôi gọi tên anh và tôi thầm hỏi: tôi còn mùa hoa nào chờ anh cưới vợ? chờ anh lập nhà xuất bản? chờ anh ra báo? chờ anh cất tiếng gọi anh em? Có còn mùa hoa nào, hỡi anh, hỡi Y Uyên…” (LBL/Còn Mùa Hoa Nào…)

Cao Thoại Châu cũng có một bài thơ rất cảm động; xin trích đoạn đầu:

sao xuất ngũ sớm và kỳ cục vậy Uyên
có phải vì những người còn sống
đều đớn đau nên tìm đi vội vàng
như vì sao lẩn trốn bình minh
của một ngày nổi bão
(CTC/Trong Nấm Mồ Ký Ức)

Nhưng nhiều kỷ niệm nhất về con người và về quá trình hình thành sự nghiệp văn chương của Y Uyên là từ Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn Văn giai đoạn đó. Ðáng nhớ nhất là đoạn nói về cái trớ trêu trong số mạng của Y Uyên.

“Lộ xỉ, lộ hầu, tướng đi không chắc bước… tay này chết yểu,” một nhà văn lão thành đã nói bâng quơ như thế, khi cụ nhìn theo Y Uyên lúc đó mới vừa bước ra khỏi cửa tòa soạn. Nghe lời vị túc nho cao niên nọ nói mà tôi bỗng rùng mình. Lúc đó Y Uyên đang thụ huấn trong quân trường. Tôi có nói với một vài chỗ quen biết nhờ lưu ý kéo cho hắn đi ngành. Tôi được trả lời là cứ yên chí. (…) Ít lâu sau, chúng tôi được biết quân đội đã chiếu cố tới hắn. Một bưu điệp đã được gửi ra tiểu khu nơi hắn trú đóng, cho hắn nộp đơn xin thuyên chuyển về Sài Gòn. Chờ lâu chưa thấy hắn về, một nhà văn bạn lại xin với thượng cấp cho hắn được đặc cách thuyên chuyển về Sài Gòn.

Tôi được tin văn hữu nọ đã lo xong mọi thủ tục cần thiết, (việc gọi Y Uyên về Sài Gòn chỉ còn là việc thu xếp trong vòng vài ngày), ngay sau lúc một cú điện thoại khác báo tin Y Uyên đã từ trần, chiều hôm trước, tại Phan Thiết. Trả lời anh bạn văn tôi cố lấy giọng bình tĩnh: “Cám ơn anh. Có điều muộn mất rồi vì Y Uyên đã tử trận.” (…) Như mọi người, anh bạn không tin là Y Uyên đã chết. Anh chỉ tin điều đó vào buổi sáng hôm sau, khi anh, mặc quân phục vào, cùng mấy quân nhân khác đặt tay vào sợi dây chão, từ từ thả chiếc quan tài bọc xác Uy xuống sâu trong lòng đất lạnh. (TPG)

Một trong những đặc điểm – và là đặc điểm nổi bật nhất của văn Y Uyên – là cách viết của anh về chiến tranh. Ðặc điểm này đã từng được Viên Linh (qua một bút hiệu khác, Hồ Tùng Nghiệp) đề cập đến rất sớm từ năm 1966 khi nhà thơ này điểm tập truyện đầu tay “Tượng Ðá Sườn Non” của Y Uyên:

“Trong cả tập ‘Tượng Ðá Sườn Non’ có lẽ chỉ tìm thấy vài danh từ chiến tranh. Có cả truyện không nhắc đến nó một tiếng, nhưng theo tôi Y Uyên là nhà văn viết về chiến tranh hay nhất trong những người gần đây đã viết về chiến tranh.” (Viên Linh/Y Uyên, văn chương của một cuộc chiến/Tuần báo Nghệ Thuật 66, 1966)

Trong bài viết của tôi (ký tên thật Trần Hữu Thục), tôi có cùng một nhận định. Xin trích một đoạn:

Khuôn mặt chiến tranh Y Uyên dựng nên thật thầm lặng, thầm lặng lạ lùng. Thầm lặng, nhưng thật phức tạp, thật bi thảm. Những dáng vẻ, những động tác, những cảm giác, những ý nghĩ của các nhân vật trong tác phẩm Y Uyên, cũng như những khung cảnh mà -Uyên mô tả, mang lại cho người đọc những cảm tưởng bùi ngùi, những xúc động sâu xa, ngây ngất. (…) Cũng chính vì thế mà khuôn mặt chiến tranh của Y Uyên rất sống, rất thực. Nó không mang vẻ giả trá của một mớ lý luận rất kêu về chiến tranh được đặt vào ý nghĩ hay lời nói của nhân vật của một số nhà văn. Y Uyên không vẽ lên rõ ràng một khung cảnh thật hãi hùng, thảm thương của chiến cuộc. Những khung cảnh như thế dễ kích thích cảm giác người đọc, nhưng cảm giác chóng qua. Thực ra, chiến tranh đâu chỉ bi thảm ở những hình ảnh chiến địa máu me, ở súng nổ đạn bay, ở hỏa châu, ở tiếng hô xung phong, ở những thân người gục xuống… Cái bi thảm của nó kéo dài bàng bạc, dai dẳng sau những trận chiến và kéo lê thê ở bất cứ đâu, dù ở đó chưa một lần thành bãi chiến trường. Chiến tranh có mặt ở cả những lúc im lặng, ở những cử chỉ sợ hãi vu vơ, ở cái nôn nả, phờ phạc của một người đàn bà, ở một lớp học chợt có một đứa học trò nghỉ học, ở sự vội vã, hấp tấp của một giáo viên ở trường làng.” (THT)

Y Uyên, tên thật Nguyễn Văn Uy, sinh năm 1943 ở Phúc Yên, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, ngụ tại Gò Vấp. Tốt nghiệp sư phạm, dạy học tại Tuy Hòa. Nhập ngũ khóa 27 trường Sĩ Quan Thủ Ðức, chuyển về đóng quân tại đồn Nora, Phan Thiết. Ngày 8 Tháng Giêng 1969, bị địch phục kích, tử trận ngay dưới chân núi Tà Lơn, bên một dòng suối.

Bây giờ là Tháng Giêng. Nhớ đến anh, nhắc lại đôi điều, tuy đã quá lâu, nhưng không cũ. Xin trích một trong những câu ám ảnh tôi nhất trong văn Y Uyên khi anh đề cập đến – mà cũng là một cách định nghĩa của anh – về chiến tranh đối với người lính ngoài trận mạc:

Không nỗi ngây ngất nào rực rỡ như nỗi ngây ngất chiến tranh, phía sau có lửa, phía trước có máu của mình.” (trong truyện ngắn Mùa Xuân Qua Ðèo)