Friday, March 29, 2024

Thơ Vân Tiên trong bài vọng cổ ‘Trái Khổ Qua’

Ngành Mai

Bài vọng cổ thật là đa dạng, các soạn giả tha hồ thay thế lời ca bằng những câu thơ, điệu hò làm bài ca thêm phong phú.

Người ta thường thấy trong bài vọng cổ có những điệu hò chứa chan tình cảm, và những vần thơ Vân Tiên của người dân thôn quê miền sông nước. Người soạn bài ca đã nắm lấy những câu hò mang ý nghĩa có liên hệ với tình huống câu chuyện là tự do đưa vào bài chẳng một ai thắc mắc, mà còn được tài tử giai nhân hoan nghênh.

Soạn giả Viễn Châu đã đưa thơ vào bài vọng cổ. Thơ lục bát đưa vào thì dân tài tử rất dễ thuộc bài, dễ ca, dễ phân nhịp. Lúc nhạc sĩ gõ Song Lan báo hiệu còn tám nhịp chót dứt câu, tức thì bốn vần thơ Vân Tiên đưa vào để người ca dễ dàng dứt “hò” đúng nhịp.
Bài vọng cổ xen lẫn thơ Vân Tiên rất thích hợp với người miền Nam. Khi xưa thơ Vân Tiên khá phổ biến ở xứ dừa Bến Tre, quê hương của cụ Ðồ Chiểu.

Khoảng năm 1961-1962, Viễn Châu cho ra đời bài vọng cổ “Trái Khổ Qua” đã gieo vào lòng người mộ điệu niềm thương cảm xót xa, ngậm ngùi. Người ta nói bài ca của Viễn Châu rất hay, nhưng thường là “không có hậu” do bởi kết cuộc là tan vỡ, là đau thương…

Bài ca nào của Viễn Châu cũng thấy dựng lên mối tình của đôi trai gái còn trẻ, yêu nhau tha thiết. Câu một và câu hai thường diễn tả mối tình thật đẹp, cô gái hứa hẹn thật dễ thương. Thế nhưng, đến câu ba hoặc câu tư thì tan vỡ bi thảm do cô gái phụ tình đi lấy chồng, khiến chàng trai đau khổ, than thở buồn rầu cho số kiếp không may mắn của mình, mà hầu hết là chàng trai nghèo nên sự đời mới ra nông nỗi.

Sáu câu vọng cổ “Trái Khổ Qua” do Thanh Nhàn ca vô dĩa hát, và cuốn bài ca thì bán cùng khắp các chợ miền quê thời bấy giờ.
Ðể giúp các tài tử giai nhân quên bài ca có dịp học lại, Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại xin đăng trọn bài “Trái Khổ Qua” của soạn giả Viễn Châu.

Nói lối:
Tôi với em là hai người cùng một xóm
Nhà của em có trồng đám khổ qua
Mỗi bình minh còn nặng giọt sương sa
Anh nhìn mãi cánh tay ngà em tưới nước.

Vọng cổ:
1) Dây khổ qua nhụy vàng bông trắng, trái khổ qua tuy đắng nhưng đượm thắm hương… tình. Mẹ của anh thường khen em thùy mỵ dịu dàng, anh cúi đầu bẽn lẽn, nhưng gương mặt đỏ bừng và nở nụ cười duyên, vội vã chạy ra sân nhìn nước, nhìn mây, nhìn đất nhìn trời, tôi van vái cho năm nay sớm dứt trận mưa rào để cho đám khổ qua được đâm chồi nẩy lá.

2) Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy, khi ánh hoàng hôn vừa buông phủ thôn buồn, em trao anh mấy trái khổ qua và âu yếm bảo anh rằng:

Thơ Vân Tiên:
Công em tưới nước vun phân,
Khổ qua có trái dành phần tặng anh,
Khổ qua bông trắng lá xanh,
Trái quê thêm đượm mối tình nhà quê,
Sang năm anh rước em về,
Vui câu loan phụng đẹp bề thất gia.

3) Nhưng dòng nước Trường Giang có khi lớn, khi ròng thì lòng dạ người đàn bà cũng theo thời gian mà nay dời mai đổi. Cuối mùa Xuân năm ấy có người đem trầu cau dạm hỏi, cha mẹ em tham giàu đã nhận lễ gả em. Suốt đêm ấy anh nằm không ngủ đợi đến sáng ngày tìm em han hỏi coi việc vợ chồng em định liệu ra sao, thì trời ơi em chỉ nhìn theo con bướm chập chờn bay lượn, em trả lời chuyện này do lịnh mẹ cha, phận em là gái khó cải qua huyên đường.

Hò hơ… Ðèn nào cao bằng đèn ba vát,
Con gái nào bạc cho bằng gái chợ Giồng,
Ngày em làm lễ tơ hồng…
Là ngày em bẻ gãy…
Hò hơ…
Là ngày em bẻ gãy chữ đồng với tôi.

4) Ðám cưới của em mời bà con lối xóm, nhưng chỉ có anh là chẳng thấy ai… mời. Anh nghe tiếng cười vui mà gan ruột tơi bời…

Thơ:
Mưa rớt vườn cau theo gió lộng,
Hồn anh cũng lạnh tợ mưa xuân.

Thơ Vân Tiên:
Em đi cạnh chén rượu mừng,
Anh về biết mấy đêm trường khổ đau.
Người ta vui vẻ làm sao,
Còn tôi mượn giấc chiêm bao gặp nàng.

5) Lễ đưa dâu bà con đổ xô ra xem đông đảo mà lòng anh cũng nát tan theo xác pháo bên đàng. Em cười vui còn anh thì lệ đổ muôn hàng. Dầu anh nghèo tiền nghèo bạc nhưng không nghèo nhân đạo thủy chung. Nhưng nhơn đạo thủy chung không đổi được ruộng vườn cơm áo, thì thủy chung làm chi nữa khi người mình thương chỉ say mê theo vật chất kim tiền.

Thơ:
Năm nay trời lạnh sương nhiều quá,
Giàn khổ qua trái đã lớn rồi.

Mẹ tôi nấu chín nồi canh khổ qua, một món mà con hằng ưa thích, người gọi tôi vào dùng bữa, tôi gật đầu không nói mà đôi dòng lệ rưng rưng, mẹ tôi biết tôi có điều chi đau khổ nên người mới nhìn tôi mà buông tiếng thở dài. Ngoài kia có đôi bướm trắng đuổi nhau trên giàn khổ qua sai trái, như trêu cợt kẻ si tình vì quá yêu người mà không được yêu.

MỚI CẬP NHẬT