Thursday, April 18, 2024

Thưởng thức một số ‘truyện thật ngắn’

Trần Doãn Nho/Người Việt

Truyện thật ngắn, “Very short story,” xuất hiện thường xuyên trên văn đàn quốc tế chừng vài thập niên trở lại đây, còn được gọi một cách hình tượng là “flash fiction” (truyện hư cấu chớp), một nhóm từ do James Thomas, Denise Thomas và Tom Hazuka sáng chế ra qua một tuyển tập truyện mang cùng tên, xuất bản năm 1992.

Trong văn học Việt Nam hải ngoại, Tiền Vệ (Úc) là tạp chí mạng đầu tiên, năm 2003, thực hiện chuyên đề truyện thật ngắn với một số bài lý luận về loại truyện này cùng với những sáng tác của một số tác giả ngoại quốc và Việt Nam. Vài năm sau, năm 2006, tạp chí mạng Da Màu cũng thực hiện một chuyên đề về truyện thật ngắn, gọi là “truyện chớp.”

Ngắn bao nhiêu thì được gọi là “truyện thật ngắn?” Nếu một truyện ngắn thông thường được ước tính khoảng từ 2,000 từ cho đến 20,000 từ, thì truyện thật ngắn phải dưới 2,000 từ. Ngắn nhất là bao nhiêu? Loại truyện “Drabble” đòi hỏi đúng 100 từ, kể cả tựa đề, và loại “55-fiction” đòi hỏi 55 từ. Trang mạng “Storybytes.com” đưa ra một số truyện chỉ có… hai từ.

Mời độc giả thưởng thức một số truyện thật ngắn có độ ngắn vừa phải sau đây.

1-Trước hết, hãy đọc qua vài truyện thật ngắn được sáng tác cách đây chừng vài ngàn năm:

-“Lợi Mê Lòng Người:” “Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng: ‘Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này.’ Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa. Người đàn bà cãi: ‘Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tôi may ra.’ Anh kia nói: ‘Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dầy, cái áo thâm chị mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền áo thâm dầy cho tôi, còn phải nói gì lôi thôi nữa!’”

-“Mất Búa:” “Có người đánh mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà láng giềng lấy trộm. Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, hành động không một tí gì là không rõ ra một đứa ăn trộm búa cả. Được một lúc, người ấy bới trong hố, lại thấy cái búa. Thì hôm sau, trông đứa con nhà láng giềng ngôn ngữ cử chỉ không một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa.”

Chuyện thì cổ nhưng nội dung chẳng cổ tí nào. Lại vô cùng sâu sắc! Nếu viết dài hơn, không chắc gì hay bằng mấy dòng ngắn ngủi như thế. Chúng vừa đủ. Những gì cần nói, đã nói hết. Cái gì chưa nói thì đã có độc giả tự nói giùm. Đó là những truyện trong “Cổ Học Tinh Hoa” mà tôi đã đọc từ hồi còn rất nhỏ. Chúng đeo đẳng mãi trong tôi tới bây giờ, không rứt ra được. Mãi về sau, tôi mới ngộ ra rằng chúng “đứng” lâu trong tôi là vì chúng ngắn, ngắn quá khiến tôi thấy thiêu thiếu y như khi ta ăn một món ăn gì khoái khẩu, nhưng chưa đã miệng, thì nó hết mất, nên cứ thèm thèm!

2-Sau đây là một truyện thật ngắn trích ra từ một tạp chí phổ thông nổi tiếng của Hoa Kỳ, Reader’s Digest, có tựa đề: “Góa Phụ.”

“Một bà lên tiếng trong rạp hát:
-Tôi không hiểu tại sao giữa chúng ta lại có một ghế trống thế này nhỉ, nh
ư là chẳng có ai dám ngồi vậy!
Bà kia đáp lại với vẻ mặt buồn bã:
-Đấy là chỗ của chồng tôi đấy bà ạ. Chúng tôi đã giữ chỗ tr
ước khi ông ấy chết!
Sao bà không mời người thân hoặc bạn bè ngồi vào đó?
Làm sao được. Bà góa thở dài. Họ còn đang bận đi dự đám tang của ông ấy!”

Đúng ra, đó là một truyện cười. Nhưng rõ ràng nó không chỉ là truyện cười!

3-Cuối cùng, xin thưởng thức một số truyện thật ngắn khác của các tác giả Việt Nam sáng tác trong thời gian gần đây.

-“Thông Điệp” (Lê Khải): “Một mình tản bộ dọc bờ biển, tôi tình cờ phát hiện một cái chai thủy tinh bị sóng đánh vào bờ, nằm lẫn giữa đám vỏ hàu, vỏ sò và xác của những con sao biển. Trong chai chứa một cuộn giấy nhỏ đã ngả màu. Nó có lẽ đã được thả xuống biển nhiều năm về trước, từ những vùng đất phía bên kia thế giới, rồi theo những cơn gió mậu dịch và những dòng hải lưu trôi dạt về tận xứ sở này. Trong cơn phấn khích của trí tò mò khám phá, tôi đập vỡ chai và đọc. Nhưng bức thư không hề đề cập điều gì khác ngoại trừ hàng chữ biên rõ ngày tháng năm mất của chính bản thân tôi.”

-“Đêm Giáng Sinh” (Lưu Diệu Vân): “Anh dựng cây thông xanh thơm mùi tuyết gần cửa sổ. Cô mắc lên nhánh lá kim những xâu chuông ánh bạc lóng lánh. Cô thắp lên một ngọn nến trắng. Anh bật sáng ngọn lửa ấm trong lò sưởi. Cô tỉ mỉ buộc ruy băng đỏ chung quanh chiếc hộp vuông. Anh loay hoay trưng bày những gói quà sặc sỡ. Cô trút cởi áo quần, ôm chiếc khăn bông vào phòng tắm. Anh để hơi nóng chảy tràn trong bồn nước. Cô choàng áo ngủ màu ngà có những đường viền đăng ten tím. Anh xỏ vội đôi bít tất bằng len. Cô bỏ đĩa hát Jim Brickman vào máy phát nhạc. Anh tràn ngập tiếng dương cầm trong tâm trí. Cô nằm nghiêng trên tấm thảm với cốc chocolate trước mặt. Anh trầm tĩnh nơi ghế sofa với ly rượu vang trong tay. Cô ôm chặt cuốn sách vào lồng ngực và nhắm mắt. Anh hôn lên đôi má thơm mùi sữa trẻ nhỏ. Cô nhấc ống điện thoại. Anh nhẹ nhàng bấm số. Âm thanh dội lại những tín hiệu bận bịu. Cô thở dài gác máy. Anh tiếc nuối buông dây. Họ cùng thì thầm lời chúc Giáng Sinh an lành cho nhau. Lúc ấy, đồng hồ điểm đúng mười hai giờ. Anh ở New York và cô ở Melbourne.”

-Con gấu (Trần Mộng Tú): “Con gấu của tôi cũ lắm rồi, tôi không nhớ mình có nó từ năm nào? Tôi đi ngủ với nó hàng đêm như một thói quen. Tôi ôm nó vào lòng khi nằm nghiêng, lót nó xuống một bên đùi khi nằm thẳng. Nó nhỏ thôi, nhưng sao vững chãi thế. Chắc chỉ là một thói quen tin cẩn, không có nó thì chông chênh như nằm trên thuyền, khó ngủ lắm. Ôm nó như ôm giấc ngủ, như ôm cơn mơ, như ôm bài thơ của mình. Cả tôi và nó cùng cũ kỹ lắm rồi. Một hôm người đàn ông đó ghé qua thành phố, chỉ kịp uống chung một tuần trà, rồi đi. Con gấu của tôi bắt đầu trở chứng, nó vươn vai thành người đàn ông, hai mắt nó biết nhìn tôi trong giấc ngủ, hai tai nó biết nghe thơ. Tôi đọc cho nó nghe những câu thơ mới. Những câu thơ lơ mơ về tình yêu. Nó không cũ nữa và tôi bỗng mới.”

-Phượng (Kinh Dương Vương): “Nguyễn ghé quán Trăng trong trạng thái hưng phấn. Anh gọi Phượng, cô gái tiếp viên có vẻ đẹp trầm mặc anh thầm yêu. Ánh sáng hồng mờ mờ. Nhạc êm dịu. Không khí đẫm hương hoa hồng.

Nguyễn ghì đầu Phượng vào ngực, si mê thì thầm trong tóc nàng:

-Anh yêu em. Phượng.

Nàng tránh vòng tay Nguyễn, trỏ ngón tay vào trán chàng duyên dáng:

-Chờ xin xăm à!

Nguyễn kéo Phượng sát lại tha thiết:

Em có yêu anh không, Phượng?

Anh biết mà!

-Anh không biết.

Phượng vừa cắn hạt dưa vừa nghiêng đầu, hiếng mắt nhìn Nguyễn, cười cười:

-Lấy tim em ra mà xem, nhá?

Nguyễn vớ lấy con dao trong đĩa trái cây.

-Thật không?

Nàng cười:

-Thật.

Phượng kêu lên thất thanh. Lưỡi dao cắm sâu vào tim. Máu loang đẫm làn ngực thanh tân.

Nàng ngã vào lòng Nguyễn, thì thào:

-Anh… biết… Phượng… yêu anh mà. Phượng… yêu… anh…”

Kinh Dương Vương nổi bật với phần đối thoại ngắn, gọn lồng trong một “sự kiện” rất ấn tượng: lưỡi dao đâm vào trái tim!

Cho đến nay, truyện thật ngắn là một hình thức văn chương còn non trẻ nhất là đối với văn học Việt Nam và vẫn đang trong thời kỳ thử nghiệm. Nhưng, nói như Pamelyn Casto, truyện thật ngắn rất thích hợp với thời đại Internet.

Theo nhà văn này: “Ngoài những đề tài hấp dẫn, kích thước của thể truyện này cũng rất thích hợp để đọc trên màn ảnh computer. Và tầm phổ biến toàn cầu của trang web cũng làm cho các tài liệu lưu hành trên thế giới dễ được tiếp cận hơn bao giờ hết. Cuộc hôn lễ giữa truyện chớp và Internet dường như có tất cả các điều kiện cần thiết cho một sự hòa hợp hạnh phúc và thịnh vượng.” (Trần Doãn Nho)

———————-

Tài liệu tham khảo:

-Cổ Học Tinh Hoa.

-Trang mạng Da Màu và Tiền Vệ.

-Tạp chí Reader’s Digest.

MỚI CẬP NHẬT