Thursday, March 28, 2024

Trần Thanh Hiệp: ‘Sinh vật lưỡng cư?’

Du Tử Lê/Người Việt

(Tiếp theo và hết)

Đề cập tới nhà văn Trần Thanh Hiệp mà bỏ quên con người làm chính trị của ông, tôi cho là một khiếm khuyết lớn. Bởi vì, tiểu sử của ông, ngay từ thời còn là sinh viên, đã cho thấy năng khiếu ông có là năng khiếu thiên về chính trị. Cụ thể là ông đã giữ vai trò “chủ nhiệm” đặc san “Lửa Việt,” tiếng nói của Hội Sinh Viên Hà Nội Di Cư, ngay những ngày đầu ở miền Nam.

Trước khi được chọn đại diện cho chính quyền VNCH, tham dự hội nghị Paris đầu thập niên 1970, nhà văn Trần Thanh Hiệp cũng đã từng là bộ trưởng Lao Động và dành nhiều thời gian cho những phong trào chính trị, đảng phái,…

Ở cả hai lãnh vực văn học và chính trị, ông đều cho thấy khả năng chuyên môn bén nhạy, khiến cho hơn một nhà văn đã phải nói rằng, nhà văn Trần Thanh Hiệp có khả năng bẩm sinh của sinh vật “lưỡng cư,” (sống được trên bộ cũng như dưới nước) – tức ở môi trường nào, ông cũng xuất sắc, cũng thích hợp và đạt được những điều mình muốn.

Thời gian sống ở hải ngoại, ông đã cống hiến cho lãnh vực chính trị, nhiều luận thuyết. Một trong những luận thuyết của ông, có tên “Vai trò biểu tượng của tri thức Việt Nam trước nền văn hóa thứ ba,” in trong tuyển tập “Việt Nam Trên Đường Dân Chủ Hóa” do nhà xuất bản Thái Bình Dương ở Paris ấn hành, cách đây trên dưới 10 năm.

Bài viết hay luận thuyết này của ông đã nhận được quan tâm, chia sẻ của rất nhiều độc giả. (6)

Theo tác giả luận thuyết này thì có ba ngộ nhận liên quan tới cụm từ “trí thức,” bao gồm cả trí thức Việt Nam quá khứ và, hôm nay.

-Về ngộ nhận thứ nhất, nhà văn Trần Thanh Hiệp chỉ ra rằng, phương Đông đánh đồng “trí thức” với ý niệm hay vai trò của “kẻ sĩ.” Ý niệm đó, từ nền văn hóa Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam.

Nói ngắn gọn thì “trí thức” hay “kẻ sĩ” theo quan niệm Việt Nam là một thứ giai cấp xã hội. Hoàn toàn không giống quan niệm về “trí thức” ở phương Tây. (7)

Còn từ ngữ intellectuel, tiếng Pháp hay intellectual, tiếng Anh, đã được dùng để chỉ những nhà văn, nhà giáo, nghệ sĩ nổi tiếng về học thuật, dám công khai phê phán hay lên án những xúc phạm trầm trọng tới nhân phẩm con người của giới cầm quyền… Do đó, nó trở thành trung tâm của ý thức xã hội đương thời. Nhưng trí thức Tây phương không mang ý nghĩa giai cấp xã hội, mà chỉ phản ánh tâm thái cá nhân cùng vai trò của mình trong xã hội. (8)

Tác giả Trần Thanh Hiệp nhắc nhở: “Bởi thế, khi bàn về trí thức ở Việt Nam, nên tránh đồng hóa “sĩ” với “trí thức.”

-Về ngộ nhận thứ hai, nhà văn Trần Thanh Hiệp cho rằng, người trí thức xuất phát từ chế độ chính trị nào, cũng đều là trí thức như nhau. Nhưng nếu căn cứ vào quan niệm về trí thức của Lênin trong bức thư trả lời nhà văn Maxim Gorky ngày 15 Tháng Chín, 1919, thì trí thức được đào tạo trong chế độ tư bản, trên thực tế “không phải là bộ não mà là cứt!” Sau này, Mao Trạch Đông cũng ví trí thức với phân người! (9)

Tới đây thì ông kết luận rằng, dưới chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, đã không có những người “trí thức đúng như mẫu phương Tây.”

-Về ngộ nhận thứ ba, sau cùng là, một số ý kiến cho rằng ở Việt Nam đã có những nhà trí thức, hoặc là những người tiếp diễn, trong thời đại mới, nếp sống của những kẻ “sĩ” thời cổ đại ở Trung Hoa!? Nhà văn Trần Thanh Hiệp ghi lại cả hai quan điểm trong và ngoài nước, như sau:

Trí thức đầu tiên trong nước, được nhà văn Trần Thanh Hiệp dẫn chứng là Giáo Sư Chu Hảo.

Ông Hảo từng là cựu thứ trưởng Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường, hiện là ủy viên Hội Đồng Trung Ương Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (Vusta) tuyên bố với đài phát thanh BBC nhân đầu năm mới 2012, rằng, theo quan niệm của ông thì, người trí thức phải có “…Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội…” Nhưng “chưa có nhiều.” Từ đó, ông Hảo kết luận, tầng lớp trí thức Việt Nam, chưa thành hình sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975, ở miền Nam…”

Trước phát biểu của Giáo Sư Chu Hảo, ở hải ngoại, nhà văn Phạm Thị Hoài, một khuôn mặt văn nghệ nổi bật ở hải ngoại, cho rằng, những người mang danh là trí thức ở Việt Nam chỉ lo “phò chính thống.” Bà xếp ông Chu Hảo vào loại trí thức trung thành với đảng. Hay, ông ta (như nhiều trí thức khác), đã chỉ làm công việc mà bà gọi là “Giải phẫu thẩm mỹ cho một chế độ toàn trị, giúp nó tồn tại mỹ miều hơn,” để kiếm chút hư danh hoặc địa vị hão huyền mà thôi.

Qua một cách diễn tả khác, nhà toán học có tầm cỡ quốc tế, Ngô Bảo Châu, cũng xác nhận tình trạng ở Việt Nam không có trí thức kiểu phương Tây khi ông phát biểu rằng “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’…”

Theo Giáo Sư Ngô Bảo Châu thì “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”

Nhà văn Trần Thanh Hiệp cũng trích dẫn một phát biểu của nhà văn Albert Camus khi nhà văn này nói, đại ý, không có trí thức phục vụ chế độ mà chỉ có trí thức “phục vụ con người.”

Trước khi bước vào nền “Văn Hóa Thứ Ba/ Third Culture,” nhà văn Trần Thanh Hiệp nhắc tới hiện tượng rồi đây, con người sẽ phải sống chung với máy (Cyborg-power society).

Ông nói, theo nhà tương lai học Edouard Cornish, sự thay đổi đầy đảo lộn này sẽ tạo ra những nhu cầu mới, gây nên những xung đột mới, khiến cho các cá nhân cảm thấy bất ổn trong đời sống. Nhưng không ai có thể “đứng ngoài cơn lốc đổi đời lịch sử này.”

Vì thế, muốn hay không muốn, nhân loại cũng phải tiếp tục xây dựng cuộc đời. Ở trường hợp này, Albert Einstein cho rằng, trí thức sẽ đóng vai trò đắc lực nhất.

Ông kể, trong cuốn sách “Văn Hóa Thứ Ba” (The Third Culture), xuất bản năm 1963, nhà tương lai học John Brochman cho biết các nhà trí thức của nền văn hóa thứ ba có khuynh hướng tránh né lớp người trung gian (middleman). Vì họ muốn tự chính họ tìm được cách biểu thị tư tưởng thâm hậu của mình, sao cho lớp trí thức bình dân có thể bắt kịp đà chuyển hóa đã tới cực đỉnh và khoa học trong đời sống con người, đã giữ một vai trò rất quan yếu…

Tóm lại, trí thức biểu tượng cho nền văn hóa thứ ba phải là nhân vật có khả năng gắn liền với quần chúng, hay đại chúng gồm đủ mọi tầng lớp của toàn thể dân tộc.

Nhà văn Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh: Muốn trở thành biểu tượng trí thức của dân tộc thì con người trí thức phải gắn liền với lịch sử dân tộc, mang trong mình dấu ấn “tiêu thức sơ nguyên” (archetype) tức là những vang vọng đời sống tâm linh của dân tộc trong quá trình sống còn, nối tiến hóa trải qua sinh hoạt thăng trầm của cộng đồng.

Ông kết luận bài viết của mình trong niềm tin và hy vọng rằng, lịch sử, cũng như dân tộc, đang chất vấn trí thức Việt Nam. Và thời đại cũng đang đặt tầng lớp này trước những thử thách gay go. Nhưng theo họ Trần thì: “Đó lại chính là cơ hội cho trí thức Việt Nam triển khai tài năng và phẩm hạnh để mở đường phục hưng và tiến hóa cho dân tộc vậy.” (Du Tử Lê)



Chú thích:

(6) Dẫn theo VanhoamagazineOnline.com
(7) Nhà văn Trần Thanh Hiệp đã dẫn chứng bằng hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” (tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên).
(8) Phân đoạn này, nhà văn Trần Thanh Hiệp dựa theo một bài phân tích của tác giả Chức Sa Mộng, bài viết bằng Hoa Ngữ đăng trên mạng Internet, bản dịch của Quốc Trung.
(9) Tác giả trích dẫn Nguyễn Đình Đăng, Lênin Toàn Tập, tái bản lần thứ 5, nhà xuất bản Văn Học Chính Trị, 1978, tập 51, trang 48, 49).

Di dân lậu Mexico bắn chết phụ nữ ở San Francisco được tha bổng

MỚI CẬP NHẬT