Friday, March 29, 2024

Bắc Kinh ‘mềm’ hơn về biển Ðông vì phản ứng của Hoa Kỳ

 


BẮC KINH (NV) –Nhà cầm quyền Bắc Kinh nói lập trường cũng như cách hành xử của họ đối với vấn đề Biển Ðông “không mạnh mẽ hơn hay yếu đi”.









Chiến hạm Quảng Châu, một trong những chiến hạm lớn nhất, tối tân nhất của Trung Quốc thuộc hạm đội Nam Hải đang tập trận trên biển Ðông ngày 9 Tháng Giêng, 2012. Cuộc tập trận này gồm nhiều chiến hạm của hạm đội này kéo dài sang tới Tháng Hai 2012. (Hình: Eng.Chinamil.com)


Ðây là phản ứng của Trung Quốc sau lời nhận định của Ðô Ðốc Robert Willard trong cuộc điều trần ở Ủy Ban Quân Vụ Thương Viện Hoa Kỳ mới đây.


Vào lúc này, Bắc Kinh tiếp tục đe dọa Manila sau khi Philippines loan báo không lùi bước trong kế hoạch mời thầu quốc tế dò tìm và khai thác dầu khí ở biển Tây (mà Việt Nam gọi là biển Ðông).


“Tôi cho rằng Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ trên biển Ðông, nhưng trong cách hợp lý hơn”.


Ngày Thứ Ba 28 Tháng Hai 2012, Ðô Ðốc Willard nói như vậy trong cuộc điều trần. Theo ông, những lời tuyên bố của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton và nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates trong các phiên họp ASEAN liên quan tới biển Ðông về lập trường của Hoa Kỳ “chắc chắn có ảnh hưởng đến phía Trung Quốc”.


Bà Clinton tuyên bố ở Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở Hà Nội năm 2010 là Koa Kỳ “có quyền lợi quốc gia trên biển Ðông”. Hoa Kỳ mong muốn các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo giải quyết vấn đề bằng thương nghị và hòa bình.


Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chiếm đến 80% biển Ðông dù họ nằm hoàn toàn về hướng Bắc nên các nước chung quanh gồm cả Việt Nam, Philippines, Indonesia bị đường “Lưỡi Bò” mà họ ngang nhiên vẽ lấn sâu vào cả vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của mình theo công ước quốc tế UNCLOS.


Tàu Trung Quốc cản trở tàu thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam và Philippines. Ngư dân Việt Nam đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa bị họ bắt giữ, đâm chìm tàu, cướp đoạt tài sản, ngư cụ, trang bị hải hành.


Theo cuộc điều trần của Ðô Ðốc Willard, vùng biển Ðông có một lượng hàng hóa đi qua lên đến $5.3 ngàn tỉ đô la, trong đó có $1.2 ngàn tỉ đô la liên quan đến thương mại Hoa Kỳ.


“Quân đội Hoa Kỳ phải hiện diện nơi đây để bảo đảm an toàn cho đường thông thương”. Ông nói.


Phản ứng lại nhận định của Ðô Ðốc Willard, phát ngôn viên Hồng Lỗi nói hôm Thứ Tư ở Bắc Kinh rằng hải hành trên biển Ðông “chưa bao giờ bị trở ngại”.


“Sự tự do và an toàn hải hành trên biển Ðông chưa bao giờ có vấn đề và cũng chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh chấp chủ quyền.” Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo.


“Chúng tôi hy vọng các bên liên quan, kể cả các nước không tuyên bố chủ quyền, làm nhiều hơn để có lợi cho hòa bình và ổn định cho khu vực”.


Không kể những lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí hay bắt giữ ngư dân Việt Nam, Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức tập trận hải quân bắn đạn thật quy mô trên biển Ðông. Ngay trong Tháng Giêng và Tháng Hai năm nay, Trung Quốc đã nhiều lần tập trận trên vùng biển này không ngoài mục đích đe dọa các nước nhỏ phía Nam.


Theo nhận định của ông Willard, Trung Quốc sẽ tiếp tục đe dọa các tàu thăm dò dầu khí ở trong vùng họ tuyên bố chủ quyền và sẽ “vẫn hung hãn”.


* Tiếp tục đe dọa Philippines: ‘Không có mềm hay cứng hơn’


Trong khi đó, Hồng Lỗi khua trống tuyên truyền trong cuộc họp báo là “Trung Quốc nhấn mạnh đến các chính sách phát triển hòa bình và thân hữu, nhằm đến hòa bình và ổn định, giải quyết các tranh chấp với các bên liên quan qua đàm phán thân hữu dựa trên các chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế.”


Hồng Lỗi gián tiếp nhắc đến những tuyên bố một chiều rằng họ có bằng chứng lịch sử cả ngàn năm tại các vùng tranh chấp dù họ mới mang súng đi cướp mới mấy chục năm gần đây. Dịp này, Hồng Lỗi còn nói rằng không nước nào, kể cả Trung Quốc “tuyên bố chủ quyền toàn thể biển Ðông”. Lời nói này mơ hồ không xác nhận hay phủ nhận những lời tuyên bố “Lưỡi Bò” trước đây.


Cùng ngày phát ngôn viên Hồng Lỗi phát biểu ở Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tờ Nhân Dân Nhật Báo, tiếp tục đe dọa Philippines rằng “Nên nhớ, bất cứ hành động đơn phương vô trách nhiệm nào để giải quyết tranh chấp sẽ chỉ cho kết quả ngược lại”.


Hôm đầu tuần, bộ trưởng Bộ Năng Lượng Philippines, Jose Rene D. Almendras loan báo Philippines sẽ mời các nhà thầu quốc tế tham dự đấu thầu dò tìm và khai thác 15 lô dầu khí tại Philippines.


Trong đó, có 3 lô nằm ở khu vực Bãi Rong (Reed Bank) chỉ cách tỉnh Palawan của Philippines từ 72 hải lý đến 80 hải lý. Nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố khu vực này là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, dù nó cách bờ đất gần nhất của Trung Quốc hơn 500 hải lý. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT