Tuesday, April 23, 2024

Chỉ cần báo chí được tự do

 


 


Song Chi/Người Việt 


Khi vụ Tiên Lãng qua đi, sẽ có rất nhiều điều để ghi nhớ về sự kiện này. Cho dù ở cái xã hội Việt Nam bát nháo, hỗn loạn như hiện tại, mỗi ngày, trong khắp mọi lĩnh vực, đều tràn ngập những vụ việc bê bối, sai trái khiến người ta bị bội thực thông tin và rất dễ quên.


Một trong những điều đáng ghi nhớ nhất, dấu son đậm nhất trong vụ Tiên Lãng cho đến nay là vai trò của báo chí truyền thông.


Mọi người đều thấy rõ khi báo chí được “cởi trói” thì hiệu quả sẽ khác hẳn. Từng hành động, phát ngôn sai trái, coi thường pháp luật, nhân dân… của chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng cho đến toàn bộ diễn biến của vụ việc được phơi bày. 








Nông dân Hưng Yên biểu tình trước trụ sở Ủy Ban Dân Nguyện Quốc Hội Việt Nam tố cáo
bị cướp đất đai. Chỉ cần báo chí Việt Nam được tự do, lập tức hình ảnh và tiếng nói của họ
sẽ tràn ngập trên mặt báo. (Hình: CAT BARTON/AFP/Getty Images)


Sự thật được phơi bày 


Khác với hàng ngàn hàng vạn vụ cưỡng chế đất đai mà người nông dân phải chịu oan ức trong bóng tối, những vụ công an đánh chết người bị chìm xuồng, những vụ án có liên quan đến những người bất đồng chính kiến, hoặc những vụ đàn áp tôn giáo… Ở đây người dân thấp cổ bé miệng là gia đình ông Vươn ông Quý đã có thể lên tiếng trên mặt báo chính thức. Không bị bịt miệng, không bị cắt xén lời nói, bôi nhọ, vu khống…


Những lời nói, việc làm của cả hai bên-người bị cưỡng chế đất và những người thi hành cưỡng chế được đưa ra cho người đọc tự nhận xét, bình luận. Báo chí đã có thể thực hiện phần nào chức năng, vai trò là chỉ phản ánh không gì khác ngoài sự thật và sự thật, được trả lại phần nào “quyền lực thứ tư” của mình.


Ðáng nói hơn là sức mạnh của các diễn đàn độc lập, trang blog cá nhân. Qua vụ Tiên Lãng, chắc chắn sẽ có những người chưa từng đọc blog cũng muốn tìm hiểu thêm kênh thông tin nhạy bén, trung thực này. Và một số trang blog cùng chủ nhân của nó, như trang Anh Ba Sàm, blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập, blog Cu Vinh của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, blog của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện… càng thêm nổi tiếng.


Mâu thuẫn về đất đai giữa người nông dân với chính quyền cũng như sự dốt nát, tham lam, tàn ác, trịch thượng, coi thường luật pháp… của một số quan chức huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng nói riêng và quan chức Việt Nam nói chung, đều ở mức báo động đỏ.


Ðây chẳng phải lần đầu tiên người dân Việt Nam được nghe/thấy những lời nói, hành vi bộc lộ cái quan trí quá thấp của các quan chức Việt Nam từ cấp huyện, xã cho đến cấp cao nhất, cỡ thủ tướng, chủ tịch nước hay tổng bí thư đảng. Cái kiểu ngồi xổm lên luật pháp, coi nhân dân như trẻ nít, nói lấy được, cãi chầy cãi cối ấy từ lâu đã trở thành thói quen hành xử của rất nhiều quan to quan nhỏ trong hệ thống đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.


Thế nhưng người dân vẫn “sốc” trước phát ngôn của các quan chức huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng. Và ngậm ngùi tự hỏi một bộ máy mà có quá nhiều những con người như vậy ngồi ở những vị trí lãnh đạo thì đất nước này không đi xuống hố mới là lạ.


Vụ Tiên Lãng cũng được coi như một vụ PR chính trị thành công nhất từ trước đến nay của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi lên nắm chính quyền. Nếu không kể những sự hoài nghi của người dân vẫn còn đâu đó và những lời bàn của đám dân báo rỗi chuyện, chế diễu cái hệ thống chính trị, luật pháp lẫn tư pháp ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho ông thủ tướng nhúng tay vào một vụ việc cấp huyện để nhân đó đánh bóng cho cá nhân!


Những tưởng sau bản kết luận của ông thủ tướng mọi chuyện sẽ êm xuôi. Nhưng chính quyền thành phố Hải Phòng vẫn chưa chịu thua.


Phát biểu của ông bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành trong buổi nói chuyện liên quan tới “vụ việc Tiên Lãng” ngày 17 tháng 2, trước khoảng 500 cán bộ hưu trí trung, cao cấp tại câu lạc bộ Bạch Ðằng, Hải Phòng là một ví dụ.


Nhiều người cho rằng vụ Tiên Lãng không đơn giản. Thường ở VN khi một vụ nào đó mà báo chí được “bật đèn xanh” cũng là có lý do cả. Phía sau là những mâu thuẫn đấu đá dữ dội trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam- giữa các cá nhân, phe phái trong “triều đình”, giữa trung ương và địa phương. Những dấu hiệu rạn vỡ của chế độ cũng ngày càng rõ. Khi ngay cả lời nói của một ông thủ tướng hám quyền lực và có nhiều quyền lực như Nguyễn Tấn Dũng cũng bị một bí thư thành phố lật ngược, không nể nang.


Cũng đã có người cảnh báo các nhà báo, blogger, người dân hãy cẩn thận coi chừng một sự trở cờ lật ngược tình thế như vụ PMU18 trước đây. Bởi phải có lực lượng nào đó chống lưng thì Hải Phòng mà cụ thể là ông Bí thư Thành mới dám phát ngôn trái với kết luận của ông thủ tướng.


Sự im lặng của các ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng… cũng khiến dư luận thắc mắc. Phải chăng có những sự “khó nói” nào đó và chỗ chống lưng cho chính quyền thành phố Hải Phòng là từ một trong những vị này.


Nhưng vụ Tiên Lãng nếu muốn lật ngược dư luận e cũng khó. Ðất đai là chuyện ảnh hưởng tới nông dân, mà tỷ lệ dân số nông thôn ở Việt Nam vẫn đang chiếm hơn 70% dân số cả nước. Những sai lầm, bất cập trong trong chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam từ bao lâu nay và trong vụ Tiên Lãng, đã quá rõ ràng.


Thời buổi bây giờ chẳng phải như ngày xưa nữa. Vụ phát biểu của ông bí thư thành ủy Hải Phòng nói trên cũng vậy.


Dù ông chủ tịch CLB Bạch Ðằng Trần Văn Thức đã có bản báo cáo bênh vực “khẳng định những thông báo của đồng chí bí thư thành ủy không có gì trái với kết luận của thủ tướng chính phủ và kết luận của ban thường vụ thành ủy…” Gần như phủ nhận toàn bộ nội dung lá thư kiến nghị gửi lên các lãnh đạo đảng vả nhà nước của một số cán bộ lão thành, thành viên CLB về phát biểu của ông Nguyễn Văn Thành trước đó. Ngay lập tức, một số tờ báo và trang blog đã đưa lên mạng video clip phát biểu của ông Thành. Rành rành hết chối cãi.


Cái may mắn cho người dân sống trong những chế độ độc tài thời bây giờ là như vậy. Bất cứ ai, chỉ cần một cái điện thoại là cũng có thể quay phim, thu âm, trở thành nhân chứng đồng thời là nhà báo. Chỉ trừ khi Việt Nam quay ngược lại trở thành Bắc Hàn, đóng cửa với cả thế giới.


Ðó là khi báo chí chỉ mới phần nào được thực hiện đúng vai trò của mình. Còn nếu Quốc Hội, tòa án, chính phủ thực sự là những cơ quan độc lập kiểm soát lẫn nhau như các nước có hệ thống dân chủ tam quyền phân lập thì mọi chuyện càng rõ ràng, minh bạch. Chuyện chống tham nhũng không còn là bất khả như từ bao lâu nay.


Và những con người bất tài coi thường luật pháp, nhân dân như các ông Lê Văn Hiền – chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Lê Thanh Liêm – chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Ngô Ngọc Khánh – chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, Ðỗ Trung Thoại – phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Ðại Tá Ðỗ Hữu Ca – giám đốc công an TP. Hải Phòng và bây giờ là Nguyễn Văn Thành, bí thư thành ủy Hải Phòng… Sẽ không còn có thể leo lên những vị trí như đang ngồi hoặc sẽ nhanh chóng buộc phải từ chức.


Ðứng về phía nhà nước Việt Nam, nếu để cho báo chí được tự do hơn, chính báo chí và công luận sẽ hỗ trợ họ đắc lực trong việc chống tham nhũng, làm sạch bộ máy chính quyền. Loại ra những con sâu mọt hại dân hại nước và hại cho chính cái chế độ của họ, chứ chả phải lực lượng thù địch nào.


Ðồng thời nhà nước Việt Nam cũng không còn mang tiếng xấu là một trong những nhà nước độc tài kẻ thù của Internet, với chế độ kiểm duyệt báo chí khắt khe, với số nhà báo, blogger, luật sư, bác sĩ, doanh nhân… bị bắt chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận ngày càng nhiều.


Nhưng đó chỉ là nói cho vui. Họ không thể trao cho báo chí và nhân dân quyền tự do ngôn luận bởi một khi người dân được sống trong một xã hội tự do thông tin, họ sẽ nhận ra sự khác biệt và ích lợi, từ đó dẫn đến sự khao khát được sống trong một xã hội tự do, dân chủ về mọi mặt. Là điều mà mọi chế độ độc tài sợ hãi nhất.


Cái quyền ấy tự các nhà báo và nhân dân phải giành lấy cho mình. Như trong vụ Tiên Lãng vừa qua.

MỚI CẬP NHẬT