Thursday, March 28, 2024

Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam giảm lãi suất, sau 3 năm tăng liên tục


HÀ NỘI (NV) –
Ngân Hàng Nhà Nước loan báo hôm Thứ Hai là sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay sau gần 3 năm tăng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát quá cao.









Một khách hàng ra khỏi một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội trưng bày tấm quảng cáo lãi suất tiết kiệm. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Theo bản thông cáo, kể từ ngày Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) sẽ cắt lãi suất tái cấp vốn (refinance rate) thêm 1%, tức từ 15% xuống còn 14%. Ðây là mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại phải trả cho NHNN để lấy tiền mặt.


Lần sau cùng mà NHNN Hà Nội cắt lãi suất là tháng 4, 2009 xuống còn 7%, sau đó liên tục gia tăng mà lần gia tăng sau cùng là tháng 10, 2011, để đối phó với tình trạng lạm phát leo thang chóng mặt.


Lạm phát lên cao nhất hồi tháng 8, 2011 với 23.2% sau đó chậm lại. Mức độ lạm phát ở Việt Nam tháng 2, 2012 giảm xuống còn 16.44% kích thích chế độ Hà Nội giảm lãi suất dù các định chế tài trợ quốc tế đều cảnh cáo không nên giảm lãi suất khi áp lực lạm phát vẫn còn rất nguy hiểm.


Vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam hiện nay là làm thế nào tránh cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát cao, theo ông Vũ Ðình Anh, phó viện trưởng Viện Kinh Tế Tài Chính nói với thông tấn xã AFP. Ông lưu ý là áp lực vật giá gia tăng nhiều phần sẽ tăng trong các tháng 3 và tháng 4.


Ðiều này dễ dàng nhận ra vì nhà cầm quyền vừa mới cho tăng giá xăng dầu. Giá cả tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ liền chạy theo, gây ảnh hưởng dây chuyền.


“Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy sau các tháng 3 và tháng 4 là nên tăng hay giảm lãi suất và sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ thế nào để đối phó với lạm phát.” Ông Anh nói.


Ngân Hàng Nhà Nước, qua bản thông cáo nói trên, cũng cho biết hạ lãi suất tái chiết khấu (discount rate) từ 13% xuống còn 12%.


Lãi suất tái chiết khấu là tiền lời Ngân Hàng Nhà Nước đánh trên các khoản tiền mà họ cho các ngân hàng thương mại vay để đáp ứng nhu cầu tiền mặt bất thường hay ngắn hạn của các ngân hàng này. Ấn định mức lãi suất chiết khấu là công cụ để Ngân Hàng Trung Ương điều tiết lượng cung cấp tiền mặt trên thị trường.


Cắt giảm lãi suất sẽ tăng lượng tín dụng để nhà cầm quyền trung ương có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% đề ra từ đầu năm. Nhưng với những dấu hiệu lạm phát đang gia tăng, cái lợi tăng trưởng lại bị cái hại quá lớn mang đến từ lạm phát đè trên cả xã hội, dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn không nhìn thấy hết.


Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại, đạt được 5.9%, trong khi năm 2010 tăng trưởng 6.8%. Các định chế tài trợ quốc tế đốc thúc chế độ Hà Nội siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát và phải coi đó là ưu tiên hàng đầu. Ðầu năm, Hà Nội loan báo sẽ kéo cho lạm phát xuống còn một con số, nhưng với tình thế đang xảy ra, nó cũng giống như những lời tuyên truyền đầu năm ngoái.


Ngày 22 tháng 2, 2012, Bộ Trưởng Tài Chính Vương Ðình Huệ than rằng muốn đạt được mức tăng trưởng như nhà nước ước ao, phải kềm giữ cho lạm phát năm nay không được cao hơn 6.5%, cái mà ông nhìn thấy không có khả năng.


Giá xăng mới tăng 10%, giá điện rục rịch đòi tăng, giá than nếu tăng nữa thì lạm phát sẽ lên ầm ầm chứ không thể tiếp tục giảm dần. (TN)

MỚI CẬP NHẬT