Friday, March 29, 2024

Nguyễn Tấn Dũng nhất định không từ chức


HÀ NỘI (NV) –
Thủ tướng CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng, tỏ ý sẽ không từ chức sau khi bị một đại biểu Quốc Hội đặt câu hỏi đại ý là ông có nên từ chức hay không trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra ở Hà Nội hôm 14 tháng 11.










Ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc Hội CSVN hôm 14 tháng 11. (Hình: VNN)


Trong cuộc chất vấn được truyền hình trực tiếp, đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc, hỏi ông Dũng rằng, “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đang nặng trách nhiệm với đảng, nhẹ trách nhiệm với dân?” và rằng “Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”


Ðáp lại ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, “Ðảng lãnh đạo trực tiếp tôi, hiểu rõ về tôi, đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Ðảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ thủ tướng chính phủ, Quốc Hội bỏ phiếu bầu tôi làm thủ tướng chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của đảng, của Quốc Hội.”


“Trong 51 năm qua, tôi không xin với đảng cho tôi đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không thoái thác hay từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng và nhà nước giao phó cho tôi.”


Ông Dũng nói thêm, “Gần suốt cả cuộc đời theo đảng, tôi không có chạy, không có xin, không có thoái thác từ chối nhiệm vụ gì mà đảng, nhà nước phân công,” và rằng, “sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện như đã làm như 51 năm qua.”


Lời phát biểu của ông Dũng ngay lập tức gây nên một làn sóng chỉ trích trên các trang mạng xã hội.


Blogger, nhà báo Trương Duy Nhất, bình luận: “Nghe thủ tướng nói càng thấy đúng là ông chỉ nói về trách nhiệm trước đảng, về sự tận tụy, lòng trung thành với đảng mà không hề ý thức được trách nhiệm trước dân. Tôi có cảm giác dường như thủ tướng nhầm lẫn Quốc Hội với đảng. Quốc Hội là đại diện của dân, trả lời chất vấn trước Quốc Hội là trách nhiệm trước dân chứ không phải trách nhiệm trước đảng.”


Blogger này viết tiếp, “Trách nhiệm trước dân luôn phải được đề cao và coi trọng hơn trách nhiệm trước đảng. Khác với các đảng khác, thậm chí cả các đảng cộng sản khác, không chỉ chính quyền, đoàn thể mà đảng Cộng Sản Việt Nam cũng ăn từ đồng thuế dân nuôi.”


Nhiều blogger khác lại gọi ông Nguyễn Tấn Dũng là kẻ tham quyền cố vị và không biết xấu hổ vì các sai phạm trong điều hành nền kinh tế mà chính phủ của ông gây ra trong thời gian qua.


Blogger Mẹ Nấm viết trên trang Facebook, “Thêm một lần nữa trước toàn dân thiên hạ ông Dũng đã khẳng định quyết tâm chính trị bám trụ đến cùng cương vị quyền lực ‘được’ các đồng chí khác tín nhiệm. Ðồng chí X hôm nay không chỉ nói cho riêng mình, mà còn nói giùm tâm tư của tất cả các đồng chí Y, Z khác chưa bị lộ.”


Một bloger khác, đưa ra con số khá hài hước nhưng đau xót: “Năm 2006 (lúc ông Dũng nhậm chức thủ tướng) mình nhớ ổ bánh mì thịt có 3,000 đồng, ổ bánh xịn lắm là 5,000đồng. Năm 2012 ổ bánh mì thường đã là 10,000đ, ổ xịn 12,000 đồng. Chắc cuối nhiệm kỳ 2 của thủ tướng cầm 20,000 đồng đi mua bánh mì luôn quá!”


 


* Bám trụ đến cùng


 


Sau Hội Nghị Trung Ương 6 của Ðảng CSVN, kéo dài hai tuần lễ, từ mùng 1 đến 15 tháng 10, 2012, được dư luận chú ý rất nhiều đến số phận của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nắm quyền điều hành quốc gia, ông Dũng đã lờ cho thuộc cấp quốc doanh làm bậy dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng ở Vinashin, Vinalines và nhiều tập đoàn, tổng công ty khác.


Những gì được hé lộ qua bản thông báo kết quả Hội Nghị Trung Ương Ðảng kỳ 6 nói rằng, “Bộ Chính Trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp Hành Trung Ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật với một đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị.”


Tuy nhiên, Ban Chấp Hành Trung Ương lại đi đến quyết định “sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp Hành Trung Ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính Trị và một đồng chí trong Bộ Chính Trị.”


Sau đó, trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn, ông Trương Tấn Sang khi nhắc đến “một đồng chí trong Bộ Chính Trị” đã gọi là “đồng chí X” mà ai cũng hiểu là ông Nguyễn Tấn Dũng.


Khi ra Quốc Hội hôm 22 tháng 10 năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ xin lỗi về những yếu kém của chính phủ chứ không hề nói đến từ chức.


Bài diễn văn dài một giờ rưỡi của ông Nguyễn Tấn Dũng không thấy ông xin từ chức mà chỉ muốn “nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm…”


Người ta còn nhớ, ngày 27 tháng 6, 2006 được Quốc Hội “nhất trí” cử làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mồm tuyên bố, “Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức.”


Nhưng tham nhũng ngày càng tồi tệ hơn. Khóa họp Quốc Hội cuối năm ngoái, ông lên tiếng nhận lỗi về tai tiếng tham nhũng thất thoát bạc tỉ đô la ở tập đoàn đóng tàu Vinashin. Năm nay lại xảy ra vụ tổng công ty tàu biển Vinalines, một số người bị bắt với nghi vấn lũng đoạn thị trường tài chính. (KN)

MỚI CẬP NHẬT