Friday, March 29, 2024

Quan sẽ chen với dân xin ấn đền Trần

 


NAM ÐỊNH (NV)Tại cuộc họp báo chiều 17 Tháng Giêng vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh Nam Ðịnh cho biết không thiên vị quan hay dân đến chầu chực xin ấn đền Trần năm nay sẽ diễn ra từ 7 giờ sáng ngày rằm Tháng Giêng âm lịch, tức ngày 6 tháng 2, 2012.


Như vậy, cán bộ lãnh đạo cũng sẽ phải chầu chực, xếp hàng và chen lấn với dân thường xin ấn đền Trần để cầu được thăng quan tiến chức trong năm mới.









Cảnh đạp lên nhau để mua ấn đền Trần hồi năm rồi. (Hình: VNEpress)


Ban tổ chức lễ hội đền Trần cũng cho biết sẽ bỏ lệ phát ấn vào lúc nửa đêm, và thay vào đó chỉ bắt đầu lúc 7 giờ sáng.


Tuy nhiên, dư luận cho rằng qui định mới này cũng không ngăn được người dân xếp hàng từ lúc nửa đêm kéo dài tới sáng và chen nhau giành một tờ ấn đền Trần để được hưởng vận may trong công ăn việc làm.


Báo mạng VNExpress cho biết, hàng ngàn người dự lễ hội đền Trần hồi năm rồi đã chen nhau đến té xỉu để giành cho được một tờ ấn cầu may. Nhiều người không muốn chen lấn đã phải mua lại tờ ấn với giá 100,000 đồng, tương đương với 5 đô, trong khi giá “chính thức” chỉ bằng một nửa, 50,000 đồng.


Có người còn “thừa nước đục thả câu,” tung ấn giả ra bán, bỏ túi hàng chục triệu đồng.


Lễ hội đền Trần vừa qua đã gây tranh cãi dữ dội về việc liệu có nên tổ chức phát ấn nữa hay không. Tuy nhiên, vì nguồn lợi từ việc phát ấn quá lớn – thực chất là bán, chứ không biếu tặng, Bộ Thông Tin Việt Nam quyết định cho phép thực hiện tục “phát” ấn đền Trần vào hai tuần lễ tới.


Ðược biết trong dịp đầu năm âm lịch, hàng loạt lễ hội vùng văn hóa Sơn Nam gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thái Bình và một phần thuộc tỉnh Hưng Yên, Hà Nội diễn ra rầm rộ. Lễ hội khai ấn đền Trần ở Thái Bình và Nam Ðịnh cùng diễn ra với các lễ hội khác tại chùa Keo, Phủ Dày, đền Tiên La, đền Ðồng Bằng, chùa Bái Ðinh, cố đô Hoa Lư, đền Ðồng Xâm, đền Côn Giang…


Ðền Trần tọa lạc tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Ðịnh thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá, được xây dựng trên nền Thái Miếu cũ của nhà Trần bị quân Minh phá hủy hồi thế kỷ 15.


Theo tục xưa, lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày Rằm Tháng Giêng bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý, tức vào lúc nửa đêm. Thời gian gần đây, nhiều người tới hành lễ và mua tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.


Khung cảnh hỗn loạn diễn ra tại lễ hội phát ấn đền Trần năm rồi khiến không ít người ngán ngẩm. Hoạt động kinh doanh, mua bán công khai đã hủy hoại tính chất thiêng liêng của lễ hội tại đền Trần. Lễ hội còn thu hút khá đông cán bộ lãnh đạo các cấp từ trung ương cho đến địa phương đến “mua chức.” Vì vậy, nhiều người yêu cầu bãi bỏ lệ phát ấn để chấm dứt cảnh chen lấn “loạn cào cào.” (PL)

MỚI CẬP NHẬT