Thursday, March 28, 2024

Trung Quốc gia tăng du lịch đến Hoàng Sa


BẮC KINH (NV) –
Giới chức ngành du lịch của Trung Quốc loan báo nước này đang có kế hoạch phát triển du lịch đến quần đảo Hoàng Sa, khu vực tuy do Trung Quốc chiếm đóng, nhưng vẫn đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.









Một chiếc tàu kiểm soát biển “hải giám” của Trung Quốc đậu tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. (Hình: China Defense Blog)


Tin tức cho hay Vương Chí Phát, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch của Trung Quốc nói tại cuộc họp “Chính Hiệp” đang diễn ra ở Bắc Kinh, là cơ quan này đang hợp tác chặt chẽ với nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam để mở rộng hoạt động du lịch đến quần đảo Hoàng Sa.


Quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) của Việt Nam bị Trung Quốc đánh cướp từ Tháng Giêng 1974. Cho tới nay, Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều cơ sở quân sự trên một số đảo, đặc biệt là đảo Phú Lâm (mà họ gọi là Vĩnh Hưng đảo), gồm cả cảng biển, phi trường.


Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển miền Trung của Việt Nam khoảng 200 hải lý trong khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý. Tổng số có khoảng 30 đảo nhỏ cùng với khoảng 100 bãi đá ngầm, chia làm hai nhóm đảo trên một vùng biển khoảng 15,000km2.


Bất chấp các phản đối từ phía Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện các kế hoạch biến quần đảo này từ một cơ sở quân sự ban đầu nay lấn sang các hoạt động khác, từ du lịch tới ngư nghiệp, thương mại.


Mấy năm trước, chỉ thấy thỉnh thoảng Trung Quốc đưa một vài toán khách du lịch tới đảo Phú Lâm như sự dò đường. Nay thêm nhiều cơ sở, tòa nhà được xây dựng, nhà máy phát điện và cả điện mặt trời, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, hệ thống tiếp vận sóng truyền hình, điện thoại từ vệ tinh đã hoàn tất. Bởi vậy, từ Tháng Tư 2011, Trung Quốc đã loan báo sẽ tổ chức các “tours” du lịch tới Hoàng Sa kiểu nghỉ dưỡng (resort-style tourism).


“Khí hậu và lịch sử gần như chưa ai đụng chạm tới. Quần đảo Hoàng Sa có không khí trong lành, không hề ô nhiễm, nước biển trong vắt như thủy tinh và một hệ thống sinh thái biển không hề bị tổn hại. Cùng với những thứ đó là rất nhiều loại rùa biển và hơn 400 loại san hô và các loại cá sống chung quanh các đảo.”


Một bài báo quảng bá du lịch Hoàng Sa của báo Trung Quốc viết hồi Tháng Tư năm ngoái. “Nhiệt độ và tầm nhìn xa tuyệt vời làm cho các chuyến du lịch lặn biển (scuba diving) cùng với giá cả bình dân sẽ là điểm đến hấp dẫn thay cho khu vực Great Barrier Reef quá đông đúc ở bên nước Úc”.


Trong bài phát biểu ở tổ chức “Chính Hiệp” (kiểu như Mặt Trận Tổ Quốc ở Việt Nam), ông Vương Chính Phát kêu gọi cần khuyến khích du lịch Hoàng Sa vì vừa góp phần cho kinh tế lại còn góp phần khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.


Ngày 23 Tháng Hai 2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối nhiều hoạt động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, từ chuẩn bị xây dựng căn cứ nghề cá đến xây thêm cầu cảng, phát triển du lịch. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT