Thursday, April 18, 2024

Việt Nam, năm mới, những vấn đề cũ!

 


Song Chi/Người Việt


 


Nếu theo dõi tình hình các mặt của Việt Nam trong nhiều năm qua, có thể nhận thấy những vấn đề đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội, thậm chí trở thành “quốc nạn”… khiến người dân bức xúc, báo chí dư luận đề cập đến rất nhiều lần. Nhưng rồi năm tháng qua, những vấn đề đó vẫn còn nguyên, nếu không muốn nói là tệ hại hơn.



Kẹt xe là vấn nạn giao thông tại các đô thị Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Theo thời gian, sự tồn tại một cách lì lợm, ngang nhiên, bất chấp của những “vấn nạn cũ mèm” này đã đạt được mục đích của nó. Người dân lúc đầu thì tức giận, ta thán, kêu ca… báo chí lên tiếng. Nhưng nói hoài nói mãi vẫn chẳng có gì thay đổi. Cuối cùng mọi người chán ngán không buồn nói nữa, dần dần thành ra quen, thậm chí trở nên thờ ơ, vô cảm, không còn nghe/thấy/biết gì nữa. Thế là xong.


Cuối năm nhìn lại, chỉ xin kể sơ qua một số vấn nạn có liên quan sát sườn đến đời sống của người dân, làm khổ người dân hàng ngày hàng giờ.


Ví dụ như nạn tham nhũng. Ngày càng nặng nề, tràn lan trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, từ trên xuống dưới. Ai sống ở Việt Nam cũng tự hiểu, làm bất cứ việc gì muốn cho êm xuôi là phải “chạy tiền”, phải có “phong bì”, nếu không thì đừng mong. Người dân là nạn nhân của nạn tham nhũng, hối lộ. Nhưng đến lượt họ, lại góp phần làm cho vấn nạn này tiếp tục tồn tại sinh sôi phát triển khi thay vì tích cực đấu tranh với nó, lại chi tiền để mọi việc được nhanh chóng.


Tình trạng lạm phát, giá cả liên tục tăng, đồng tiền liên tục mất giá. Trong đó có những “mặt hàng” cứ muốn tăng là tăng và chỉ thấy tăng mà không thấy giảm còn người dân thì không thể làm gì được, như xăng dầu điện nước. Bởi đó là những lĩnh vực độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Bao giờ còn tồn tại tình trạng độc quyền này thì người dân còn khổ dài dài.


Tai nạn giao thông (TNGT), cũng như tệ tham nhũng, đã trở thành “vấn nạn quốc gia”. Nhất là ở các thành phố lớn và trên những tuyến đường bộ từ Nam ra Bắc. Ngày nào cũng có người chết. Năm sau cao hơn năm trước. “Theo số liệu thống kê từ năm 2007 đến nay, bình quân ở Việt Nam mỗi năm có 11,929 người chết và 9,290 người bị thương do TNGT.”


Nếu so sánh với thảm họa sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản ngày 11 tháng 3 năm 2011, thì số người chết vì TNGT một năm bằng 75.55% số người chết do thảm họa sóng thần; số người bị thương vì TNGT bằng 156.58% số người bị thương so thảm họa sóng thần, v.v. (“Tai nạn giao thông đã thành thảm họa”, Tiền Phong).


Cùng với tai nạn giao thông là nạn tắc đường, kẹt xe ở các thành phố lớn, đặc biệt ở Sài Gòn và Hà Nội. Ðủ phương án được đưa ra nào xe biển số lẻ đi ngày lẻ, biển số chẵn đi ngày chẵn, phân làn, cấm đăng ký thêm xe gắn máy, phải chứng minh có chỗ đỗ mới được đăng ký xe ô tô, v.v. Nhưng mọi chuyện vẫn không giải quyết được.


Nguyên nhân của tai nạn giao thông đã được mổ xẻ rất nhiều. Nào mật độ xe gắn máy dày đặc ở các thành phố lớn trong lúc các phương tiện công cộng chưa phát triển. Chất lượng đường sá, tốc độ mở đường không đáp ứng kịp với tốc độ xây dựng và phát triển dân cư. Quy hoạch tồng thể kém. Ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn kém…


Còn trên các tuyến đường bộ, là do giao thông đường sắt lạc hậu, đường thủy không phát triển, giá vé máy bay vẫn cao so với người lao động, khiến người dân phải đi lại bằng phương tiện đường bộ quá nhiều trong lúc chất lượng đường sá chưa tốt…


Trong lĩnh vực y tế, đó là tình trạng quá tải ở hầu hết bệnh viện trong các thành phố lớn. Các bệnh viện tỉnh, trạm xá ở vùng quê thì điều kiện chữa trị cho đến tay nghề y bác sĩ lại quá kém, nên buộc lòng người dân lại phải chạy lên thành phố lớn. Và nhiều khi lên được đến nơi thì đã tử vong.


Trong lĩnh vực giáo dục, đó là tình trạng quá tải, nạn dạy thêm học thêm, chương trình, sách vở cho đến phương pháp dạy và học quá nặng nề lạc hậu… từ bậc phổ thông đến đại học. Nguyên nhân sâu xa nhất, là do thiếu một triết lý giáo dục, không xác định đúng mục đích dạy và học-dạy để làm gì, học để làm gì.


Chưa kể sự cách biệt quá lớn giữa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, điều kiện học tập ở các trường tiểu học, trung học tại các thành phố lớn với tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa… Khiến học sinh ở những nơi này phải chịu thiệt thòi rất nhiều.


Trong lĩnh vực môi trường, nạn phá rừng đã tồn tại từ nhiều năm nay. Chỉ riêng khu vực Tây Nguyên-Ðông Nam bộ “Trong 5 năm qua (2006-2010), diện tích rừng các tỉnh Tây Nguyên-Ðông Nam bộ liên tục bị suy giảm với tổng diện tích 158,000ha, chiếm 31.6% diện tích rừng bị suy giảm trong toàn quốc”. (“Tây Nguyên-Ðông Nam bộ: Rừng mất liên tục”, Ðài khí tượng thủy văn khu vực trung trung bộ)


Nạn phá rừng làm biến đổi khí hậu, làm lũ lụt hàng năm trở nên dữ dội, nặng nề hơn khiến số người chết và mất tích cũng như số tài sản, mùa màng bị thất thoát hàng năm tăng đáng kể.


Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn. Ðủ thứ mặt hàng thực phẩm kém phẩm chất, có chứa các loại hóa chất độc hại, nhiễm vi sinh… gây bịnh, tràn lan trong xã hội. Bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đi thị sát thị trường thực phẩm cuối năm tại Sài Gòn đã phải thốt lên: “Ðúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn!” Ðây cũng không còn là chuyện mới mẻ gì ở Việt Nam.


Ðụng đến thể thao, như bóng đá chẳng hạn, từ bao nhiêu năm nay rồi chúng ta đã nghe dư luận kêu ca về cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, quan liêu của các quan chức trong ngành. Cả một nền bóng đá VN xây nhà từ nóc, chạy theo những thành tích trước mắt mà không nghĩ đến chiến lược lâu dài, đầu tư cho con người và cho bóng đá…


Trong văn hóa nghệ thuật ví dụ như điện ảnh chẳng hạn, nền điện ảnh cách mạng xã hội chủ nghĩa VN khởi đầu từ bộ phim “Chung một dòng sông” vào năm 1959 đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Ðã 17 lần liên hoan phim quốc gia. Nhưng cứ mỗi một cuộc hội thảo, mỗi một kỳ liên hoan phim, lại vẫn những vấn đề cũ, căn bịnh cũ, mà lớn nhất, là thiếu một chiến lược, chính sách lâu dài đầu tư về mọi mặt từ con người đến kỹ thuật, công nghệ. Cũng chẳng khác nào bóng đá. Không có chiến lược, tầm nhìn xa, chỉ muốn ăn xổi ở thì.


Có thể nói không ngoa rằng 3, 5, 10 năm nữa, những vấn nạn này vẫn không thay đổi.


Ðó là chưa nói đến những vấn đề khác có phần xa xôi hơn đối với người dân thường chỉ quan tâm đến chuyện mưu sinh hàng ngày. Như các quyền tự do dân chủ, tình trạng vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, đàn áp người bất đồng chính kiến hay lĩnh vực đối ngoại-mối quan hệ bất tương xứng với Trung Quốc từ bao nhiêu năm qua…


Nhìn vào sự tồn tại dai dẳng của những vấn đề nổi cộm nhất, mới thấy tốc độ thay đổi của Việt Nam là chậm. Những thành tựu đạt được chỉ nằm trên bề mặt đời sống kinh tế, xã hội. Riêng sự đổi mới, cải cách về chính trị lại càng chậm chạp.


Chính vì chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị nên cho đến nay, so với các nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… Việt Nam vẫn là một nước nghèo, tụt hậu hàng chục, hàng trăm năm. Ðừng nói gì đến các nền kinh tế lớn Châu Á và thế giới.


Chiến tranh đã kết thúc 36 năm rồi để có thể đổ thừa cho hậu quả của chiến tranh, thời kỳ “đổi mới” cũng đã bắt đầu từ 25 năm trước. Ông Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, Bộ Công An có lần nói rằng:


“Ở Việt Nam không làm cái gì nhanh được khi anh là thiểu số. Tôi đã nói với nhiều người: Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển.”


Ðiều đó rất đúng. Và chỉ khi nào thay đổi toàn bộ thể chế mô hình chính trị thì mới thay đổi được tận gốc rễ mọi vấn đề. Nếu không, mọi sự “đổi mới”, cải cách, tái cấu trúc kinh tế… cũng chỉ là sửa chữa, chắp vá mà thôi.

MỚI CẬP NHẬT