Thursday, March 28, 2024

Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt, đánh ngư dân Việt


HÀ NỘI (NV) –
“Ðại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại diện Ðại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động sai trái tương tự và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.”









Tàu đánh cá của ông Ðặng Tằm, Quảng Ngãi, bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, đánh đập ngư dân và cướp hết ngư cụ, thủy sản ngày 22 tháng 2, 2012 vừa qua. (Hình: Thanh Niên)


Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo như vậy hôm Thứ Năm 29 tháng 2, 2012 về việc phản đối tàu tuần Trung Quốc đã bắt giữ, đánh đập và tịch thu ngư cụ và hải sản của một chiếc tàu đánh cá tỉnh Quảng Ngãi.


Vụ việc đã xảy ra ngày 22 tháng 2, 2012 được chủ tàu đánh cá Ðặng Tằm kể lại khi về đến cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi. Ông kể lại cho biết, tàu của ông bị tàu tuần Trung Quốc bắn rồi kéo về đảo Phú Lâm. Tại đây, ông và các ngư dân khác bị bịt mắt và đánh đập trước khi thả cho về.


Khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn được Việt Nam thường xuyên tuyên bố xác định chủ quyền.


“Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về Cách ứng xử của Các bên ở Biển Ðông (DOC).” Ông Nghị nói trong cuộc họp báo.


Vụ uy hiếp tàu đánh cá của Việt Nam xảy ra ít ngày trước khi Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Hồ Xuân Sơn đến Bắc Kinh chuẩn bị cho chuyến thăm viếng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự trù vào quý thứ hai năm nay.


Giữa tuần trước, ông Lương Thanh Nghị đã “yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam.”


Ông Nghị phản ứng khi báo chí Trung Quốc đưa tin một số hoạt động của một số bộ ngành của Trung Quốc ở Biển Ðông từ đầu năm đến nay.


Một số những hành động này được nêu ra như việc “Bộ trưởng Giao Thông Trung Quốc ra đảo Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần; Cục trưởng Cục Thể Thao Trung Quốc đến thăm đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao; Viện Nghiên Cứu Môi Trường và Khảo Sát Công Trình Hải Dương ‘Nam Hải’ thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa; Cục trưởng Cục Ngư Chính khu ‘Nam Hải’ Trung Quốc cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.”


Trước những thông tin trên, ông Nghị “khẳng định một lần nữa chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam,” theo Vietnamnet ngày 23 tháng 2, 2012. “Ông nói mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Ðông, trái với thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Ðông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.”


Phản ứng lại, ngày về lời phát biểu của ông Nghị, trang mạng của đài phát thanh Trung Quốc ngày 28 tháng 2, 2012 phổ biến bản tin về cuộc họp báo của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo Nam Hải và vùng biển xung quanh. Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng bình thường và triển khai bất cứ hoạt động gì trên quần đảo Tây Sa hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận cách nói của Việt Nam. Trung Quốc hối thúc Việt Nam thực sự tôn trọng chủ quyền, quyền lợi và quyền cai quản của Trung Quốc.”


Những gì diễn ra trên thực tế cho thấy, bất chấp các phản đối suông của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiến hành bất cứ việc gì họ chủ trương ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nói riêng và toàn vùng biển “Lưỡi Bò” nói chung, kể cả việc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8.


Trang mạng Bauxite Vietnam bình luận rằng, “Trung Quốc không phải hối thúc, mà là ra lệnh Việt Nam phải thực sự tôn trọng ‘chủ quyền, quyền lợi và quyền cai quản’ của nước đàn anh ‘bốn tốt, 16 chữ vàng.’”


Trong khi đó, tường thuật về chuyến đi vừa diễn ra tại Bắc Kinh của Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn, TTXVN đưa tin là, “Trong hai ngày 27 và 28 tháng 2, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Trương Chí Quân. Trong không khí hữu nghị và hợp tác, hai bên đã trao đổi ý kiến một cách sâu rộng và thẳng thắn về quan hệ song phương và vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí quán triệt thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các thỏa thuận liên quan… vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT