Monday, April 15, 2024

Vinashin mua tàu hàng trăm tỷ về thành phế liệu


 


HẢI PHÒNG (NV) Sau gần 2 năm điều tra, tòa án thành phố Hải Phòng hôm 27 Tháng Ba bắt đầu phiên xử sơ thẩm vụ bê bối tài chính của Tập Ðoàn Ðóng Tàu Việt Nam, gọi tắt là Vinashin.


Truyền thông Việt Nam cho hay, phiên tòa có thể kéo dài trong 3 ngày liên quan đến 9 bị cáo, đã bị bắt vào Tháng Tám năm 2010, cùng hai bị cáo khác hiện trốn ở ngoại quốc, hiện đang có lệnh truy nã là Hồ Ngọc Tùng (nguyên tổng giám đốc công ty tài chính TNHH một thành viên công nghệ tàu thủy) và Giang Kim Ðạt (34 tuổi, nguyên trưởng phòng kinh doanh công ty vận tải Viễn Dương Vinashin).









Các bị cáo trong vụ Vinashin ra tòa. (Hình: VNE)


Bị cáo chính trong phiên tòa này là ông Phạm Thanh Bình, 58 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị (HÐQT) kiêm tổng giám đốc Vinashin. Các bị cáo khác là: Trần Quang Vũ (cựu tổng giám đốc Vinashin); Trần Văn Liêm (nguyên thành viên HÐQT, trưởng ban kiểm soát Vinashin) cùng 6 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ một số công ty thành viên là Nguyễn Tuấn Dương, Nguyễn Văn Tuyên, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Ðỗ Ðình Côn.


Cả 9 bị cáo ra tòa với tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại nghiêm trọng…” theo khoản 3 điều 165, bộ luật hình sự mà bản án từ 10 đến 20 năm tù giam.


Các báo trong nước tường thuật phiên tòa cho hay, có tới 21 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này. Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình mời 3 luật sư.


Nhiều tài liệu cho thấy, Vinashin nợ khoảng 4 tỉ đô la trong đó có những món nợ nước ngoài 600 triệu đô la, đáo hạn tháng 12 năm 2010 nhưng không có tiền trả cho kỳ đầu tiên.


Theo truyền thông Việt Nam, phiên tòa này chỉ tập trung vào 5 dự án của Vinashin bị điều tra với tổng thiệt hại là hơn 910 tỉ đồng, khoảng 46 triệu đô la.


Theo đó, trong thời gian giữ chức vụ từ 1998-2009, ông Phạm Thanh Bình được xác định là bị can chính, giữ vai trò tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trong ba dự án lớn của tập đoàn.









Cựu Chủ Tịch Vinashin Phạm Thanh Bình. (Hình: TTXVN)


VNExpress trích hồ sơ công tố cho biết, “Cụ thể, tại thương vụ mua tàu Hoa Sen, nhà chức trách cho rằng do việc khảo sát hạ tầng chưa đầy đủ, hệ thống cầu cảng không đáp ứng được việc đi lại của tàu khiến phải xây dựng thêm một số hạng mục. Tuy nhiên, con tàu trị giá hàng chục triệu Euro này hoạt động không hiệu quả, được 39 chuyến thì tạm dừng, gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng.”


“Cơ quan công tố đã cáo buộc nguyên nhân vụ việc là do việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt… Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức, Trần Văn Liêm, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Ðạt, Trịnh Thị Hậu và Hoàng Gia Hiệp là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.”


“Nhà chức trách còn cho rằng, do đầu tư và quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân không hiệu quả, nên từ năm 2007 đến 2009, việc vận hành đã gây lỗ hàng chục tỷ đồng, sau đó thì phải dừng hoạt động. Tương tự, tại dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Ðịnh), nhà nước cũng bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng; dự án đầu tư tàu Bình Ðịnh Star gây thiệt hại 30 tỷ và việc bán vỏ tàu Bạch Ðằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.”


Vẫn theo cơ quan công tố, “Ông Phạm Thanh Bình là người có cương vị cao nhất đồng thời lại là bị can chính, giữ vai trò tổ chức thực hiện tội phạm. Các bị cáo khác là đồng phạm với ông Bình, thực hiện hành vi phạm tội trong các vụ việc độc lập, đồng phạm theo nhóm… nhưng đều lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế thuộc Tập đoàn Vinashin.”


Theo báo Tiền Phong, tại phiên tòa, bị cáo Bình thừa nhận cáo trạng truy tố mình là đúng như đổ thừa rằng, “Do điều kiện khách quan phải như vậy thì mới thực hiện được dự án. Không có vốn nhưng vẫn phải được dự án nên phải tìm ra nguồn vốn. Không có thì không ai cho mình làm.”


Vinashin từng được ca tụng là “quả đấm thép” và là một trong những ngành công nghệ “mũi nhọn” mà chính phủ muốn dựa vào để đưa Việt Nam trở thành một nước kỹ nghệ, thoát đói nghèo và lạc hậu.


Năm 2008, Vinashin có một số đơn đặt hàng của nhiều khách ngoại quốc lên tới $6 tỉ USD, nhân viên các cấp lên tới 60,000 người, 28 xưởng đóng tàu lớn nhỏ với ước tính tăng trưởng 35% mỗi năm, theo ước lượng của công ty tham vấn đầu tư Oxford Analytica. Ông Phạm Thanh Bình từng được dẫn lời tuyên bố đại ngôn rằng đến năm 2015, Vinashin của Việt Nam sẽ trở thành công ty đóng tàu lớn thứ tư trên thế giới.


Nhưng chỉ khoảng 4 năm sau khi được hưởng đủ mọi thứ ưu đãi và hậu thuẫn tài chánh, Vinashin bỗng dưng sụp đổ.


Vụ việc khi bị bung ra trên báo chí đã làm kinh hoàng dư luận với tầm mức quá lớn của nó. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, kẻ chịu trách nhiệm cao nhất trong cái vũng lầy Vinashin chỉ nói mấy lời nhận trách nhiệm ở Quốc Hội.


Trước buổi điều trần của Nguyễn Tấn Dũng ở Quốc Hội hồi tháng 11 năm 2010, một số đại biểu Quốc Hội kêu gọi biểu quyết bất tín nhiệm ông là kẻ chịu trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, tất cả những người này đã bị loại khỏi Quốc Hội trong kỳ bầu cử Quốc Hội mấy tháng sau.


Theo nhận định của Carl Thayer, giáo sư tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, khi đem nhóm Phạm Thanh Bình ra tòa, nhà cầm quyền Hà Nội muốn bắn tiếng tới các nhà đầu tư ngoại quốc là chương trình cải cách hệ thống quốc doanh cũng như ngăn chặn tham những vẫn tiến hành đúng hướng. Nhưng nó lại chẳng có bao nhiêu tác dụng để nâng mức độ tin cậy của Việt Nam trên thị trường tín dụng và đầu tư của thế giới. (KN-TN)

MỚI CẬP NHẬT