Thursday, April 25, 2024

Bắc Kinh ép Hà Nội ‘làm khó’ để hãng dầu khí Nga rút khỏi Lô 06.1 ở Biển Đông?

BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Công Ty Rosneft Vietnam BV, công ty con của Hãng Dầu Khí Quốc Gia Nga Rosneft, đang bị Hà Nội “làm khó dễ” việc mở bãi đậu trực thăng phục vụ khoan thăm dò dầu khí trên giàn khoan Noble Clyde Boudreaux tại Lô 06.1, ngoài khơi bể Nam Côn Sơn, thuộc Biển Đông của Việt Nam.

Một nguồn tin khả tín trong giới dầu khí ở Việt Nam cho Nhật báo Người Việt biết như vậy hôm 4 Tháng Sáu.

Việc mở bãi đậu trực thăng lẽ ra phải được tiến hành từ đầu Tháng Sáu theo kế hoạch ban đầu, nhưng nay phải dừng lại vì phía Hà Nội nay đột ngột đưa ý kiến rằng “về tổng thể, kế hoạch hoạt động dầu khí tại Lô 06.1 phải thực hiện theo chỉ đạo của thủ tướng [CSVN Nguyễn Xuân Phúc].”

Hành động này được suy đoán là do Hà Nội chịu sức ép của Bắc Kinh, sau vụ BBC và VOA Việt Ngữ hồi Tháng Ba, 2018, cho hay, do áp lực của Trung Quốc, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam) yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng thêm một dự án nằm trong Lô 07/03 nơi Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính là có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí gas.

Nguồn tin của Nhật báo Người Việt cũng cho biết thêm rằng, các hãng dầu khí đang hoạt động ở Việt Nam thường xuyên nhận được “lệnh miệng” và chỉ thị thường đến từ Bộ Chính Trị CSVN.

Theo thông cáo đăng trên trang web Rosneft, hãng này gia nhập thị trường Việt Nam thông qua TNK Việt Nam, hiện nắm giữ 35% cổ phần đồng thời là nhà điều hành lô 06.1 và 32.67% cổ phần của đường ống Nam Côn Sơn dùng vận chuyển khí đốt và condensat về nhà máy khí Dinh Cố và nhà máy khí điện đạm Phú Mỹ.

Theo bản đồ khai thác dầu khí chính thức của PetroVietnam, thì Lô 06.1 nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn so với các lô 07.03 và 136.03, những nơi đối tác khác của PetroVietnam đã phải dừng hoạt động thăm dò, khai thác hồi Tháng Ba, 2018 và trước đó Tháng Bảy, 2017 do sức ép từ Bắc Kinh.

Rosneft bước vào thị trường Việt Nam thông qua TNK Việt Nam, công ty hiện nắm giữ 35% cổ phần đồng thời là nhà điều hành lô 06-1 và 32.67% cổ phần của đường ống Nam Côn Sơn. (Hình: Trang web Rosneft)

Liên quan vụ này, một bài đăng trên BBC Việt Ngữ hồi Tháng Năm, 2018 cho hay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố không “đối tượng” nào được tiến hành khai thác dầu khí hoặc các tài nguyên khác “ở vùng biển của Trung Quốc” khi chưa được sự đồng ‎ý của Bắc Kinh. Cụ thể, Bắc Kinh ám chỉ hoạt động của Công Ty Rosneft Vietnam BV.

Thời điểm đó, Rosneft phát đi thông cáo nói hoạt động khoan thăm dò của hãng “diễn ra trong vùng lãnh hải của Việt Nam,” sau khi công ty con của hãng triển khai việc khoan thăm dò ở vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.

Cũng hồi Tháng Năm, 2018, Reuters cho hay lo ngại bị đáp trả và chịu áp lực từ Trung Quốc, Rosneft Vietnam BV muốn bắt đầu việc khai thác với “ít sự chú ý nhất có thể,” mặc dù chính công ty này công bố việc khai thác dầu.

Rosneft cho rằng việc khai thác dầu ở Việt Nam “rất khả thi”, vì chi phí khai thác chỉ khoảng $1.5/thùng dầu, bằng một nửa chi phí thông thường, theo Reuters.

Đến nay, Bộ Ngoại Giao CSVN thường có phản ứng yếu ớt và đưa ra các câu trả lời chung chung mỗi khi giới phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của Hà Nội trước sức ép của Bắc Kinh buộc các hãng dầu khí hoạt động tại Việt Nam phải ngưng hoạt động tại Biển Đông.

Trong một phản ứng gần nhất hồi Tháng Chín, 2019, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN được các báo nhà nước dẫn phát ngôn “phản đối Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông.”

“Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982 (UNCLOS) không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS,” bà Hằng được báo VNExpress trích lời.

Thời điểm đó, tàu nghiên cứu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc nhiều lần ra vào bãi Tư Chính, địa điểm mà về mặt địa lý, nằm cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Đây là nơi Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm nay.

Đáp trả cáo buộc của Bộ Ngoại Giao CSVN, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói trong đoạn băng phát trên kênh CGTN: “Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam.” (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT