“Trò mập mờ đánh lận con đen” của Trung Quốc khi dùng các tàu bán quân sự và tàu đánh cá trong tranh chấp chủ quyền sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột trên Biển Đông. Chính sách đó không phải là không ai nhìn thấy nên sẽ làm mất ổn định tại các vùng biển đang tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở khu vực.”

Báo South China Morning Post (SCMP) hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2019 dẫn lời báo động của một chuyên viên về an ninh khu vực cho hay như vậy.

Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã đưa tới 275 chiếc tàu đánh cá có sự hộ tống của các tàu hải giám đến vây quanh một bãi cát gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines trấn giữ trong quần đảo Trường Sa. Manila đã phản đối gay gắt với Bắc Kinh về nguy cơ trở thành điểm nóng, gây mất ổn định, an ninh khu vực.

“Đội tàu đông nghịt với khả năng chịu đựng dài ngày tại một chỗ không phải là chuyện nhỏ nhờ khoảng cách không xa lắm với các đảo nhân tạo gần đó của Trung Quốc, chẳng hạn như đảo Su Bi. Nơi đây có thể cung cấp trú ẩn cho những tàu đó nếu thời tiết bão tố.”

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam School of International Studies thuộc đại học Nanyang Technological University ở Singapore nhận xét.

“Các tàu đó có thể dừng tại các cơ sở (trên đảo Su Bi), tiếp nhận nhiên liệu, thực phẩm rồi quay trở lại vây đảo Thị Tứ, chứ không cần phải trở về bến cảng tại lục địa,” ông Koh nói trên SCMP.

Những năm gần đây, đặc biệt từ lúc Bắc Kinh ồ ạt và gấp rút xây dựng 7 đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhiều nhà phân tích thời sự đã báo động về sự hiện diện quá đông đảo của lực lượng bán quân sự và đội tàu “dân quân biển” của Trung Quốc, xuất hiện ngày mỗi nhiều hơn trước.

Cuối Tháng Ba, 2019, Sở An Toàn Hàng Hải của tỉnh Quảng Đông loan báo sẽ bắt đầu đóng chiếc tàu cho hải giám lên tới 10,200 tấn, dự trù hạ thủy trước Tháng Chín, 2021. Chiếc tàu này tương đương với một chiếc khu trục hạm cỡ lớn, được coi như tàu lớn nhất trong lực lượng bán quân sự của Bắc Kinh.

Cuối năm ngoái, Bắc Kinh loan báo 3 trung tâm quan sát hải dương đã bắt đầu hoạt động tại các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn. Ba đảo nhân tạo này được coi là 3 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa, trên đó, có các phi đạo dài 3,000 mét cùng các giàn hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống tàu biển, các đài radar, hàng trăm cơ sở quân sự.

Đến Tháng Giêng năm nay, Trung Quốc loan báo đã xây dựng trung tâm cứu hộ hàng hải trên đảo nhân tạo Đá Chữ Thập nhằm hậu thuẫn cho các vài trò “cứu mạng người.” Trong khi Bắc Kinh khoe các cơ sở vừa kể sẽ giúp bảo vệ an toàn hàng hải, các nước khác nhìn thấy trong đó có sự mập mờ giữa nhu cầu dân sự và quân sự của Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đó là “chiến thuật vùng xám” nhằm đánh lừa các nước khác.

Hồi tuần trước, Tư lệnh Lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cảnh cáo Bắc Kinh là sẽ đối phó với các tàu hải giám, tàu “dân quân biển” như tàu quân sự của Trung Quốc. Đô Đốc John Richardson được báo Anh Quốc Financial Times (FT) thuật lời như trên qua một cuộc phỏng vấn phổ biến trên mạng hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Tư, 2019.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Financial Times, Đô Đốc Richardson nói rằng ông “xác định rõ rệt rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ không (thể) bị hiếp đáp và vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thường lệ và hợp pháp trên thế giới.”

Năm ngoái, người ta thấy nhiều máy bay quân sự Trung Quốc đã đáp xuống đảo Đá Chữ Thập dù Bắc Kinh từng tuyên truyền nhiều lần là các đảo nhân tạo họ bồi đắp chỉ cho các nhu cầu dân sự. Những gì người ta nhìn thấy từ xa qua hình ảnh vệ tinh đã chứng minh ngược lại.

“Các tòa nhà (cao tầng) trên các đảo nhân tạo thường được mô tả là nhà tạm trú cho ngư dân và các mục tiêu dân sự khác, nhưng cũng có thể được lính sử dụng,” ông Koh nhận định.

Theo ông Koh, việc Bắc Kinh mập mờ gia tăng sử dụng các lực lượng hải giám và dân quân biển sẽ càng làm cho các nước ASEAN thêm âu lo, cũng như thêm khó khăn cho việc đàm phán một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) giảm thiểu nguy cơ xung đột võ trang. (TN)