Tuesday, April 16, 2024

Bắc Kinh có kế hoạch lập ‘Vùng nhận dạng phòng không’ trên Biển Đông từ lâu

HỒNG KÔNG, Trung Quốc (NV) – Bắc Kinh đã có kế hoạch lập “Vùng nhận dạng phòng không” trên Biển Đông từ lâu nhưng chưa đưa ra vì nhiều hệ quả xấu sẽ “lợi bất cập hại.”

Theo một bài viết trên tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Chủ Nhật, Bắc Kinh đã có kế hoạch lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ASIZ) trên Biển Đông từ năm 2010, cùng một năm họ đưa ra kế hoạch thiết lập ADIZ trên vùng biển Hoa Đông.

Theo tiết lộ của một nhân vật quân sự của Trung Quốc không được SCMP nêu tên. Cả thế giới đã mạnh mẽ đả kích tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh khi ADIZ trên biển Hoa Đông loan báo sau đó năm 2013.

Theo SCMP kể lại lời viên chức quân sự Trung Quốc giấu tên, ADIZ trên Biển Đông sẽ bao trùm một vùng biển rộng lớn hàng triệu km vuông gồm từ vùng biển có quần đảo Pratas ở phía Bắc, xuống phía Nam bao trùm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước ở khu vực.

Hiện Bắc Kinh vẫn đang ngâm kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông, chờ thời cơ thuận tiện. Một “Vùng nhận dạng phòng không” (Air Defense Identification Zone) là không phận nằm trên đất liền hoặc trên biển thuộc chủ quyền của một nước, trên đó, nước chủ quyền theo dõi và kiểm soát các loại máy bay cho nhu cầu an ninh quốc phòng.

Các nhà phân tích thời sự từng đề cập nhiều lần các hệ quả xấu sẽ xảy đến nếu một quyết định như trên được Bắc Kinh đưa ra. Chắc chắn sẽ gây căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước có chủ quyền và tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông, rất có thể đến mức độ không thể hàn gắn được.

Theo lời Lu Li-Shih (Lục Lập Thực), một cựu huấn luyện viên ở Học viện Hải quân Đài Loan tại Kaohsiung (Cao Hùng), khi Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo và biến chúng thành các căn cứ quân sự khổng lồ, gồm cả phi đạo và hải cảng tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross reef), Đá Su-bi (Subi reef), Đá Vành Khăn (Mischief reef), thì chúng cũng đã nằm trong mưu đồ lập ADIZ của họ rồi.

“Những không ảnh gần đây cho thấy Trung Quốc đã đưa máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay săn tàu ngầm (KQ-200) tới Đá Chữ Thập,” ông Lục Lập Thực dẫn các không ảnh do một công ty vệ tinh Israel chụp, phổ biến trên diễn đàn điện tử của tổ chức CSIS tại Washington DC.

Các nhà chứa máy bay trên đảo nhân tạo này được gắn hệ thống máy điều hòa không khí như một giải pháp bảo vệ máy bay tránh hư hại mau chóng bởi gió biển mặn và độ ẩm cao ở khu vực. Điều này chứng tỏ những loại máy bay vừa kể và các loại máy bay khác có thể được chuyển đến đó trong một tương lai không xa khi Bắc Kinh nhất quyết lập ADIZ kiểm soát khu vực.

Dân Hà Nội xem triển lãm các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc không có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trưng bày trong viện bảo tàng quân sự. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

SCMP thuật lời Lý Kiệt (Li Jie), một cựu đại tá và nhà phân tích hải quân tại Bắc Kinh cho rằng nếu thời cơ tới, Bắc Kinh có thể lập ADIZ trên Biển Đông sớm hơn. Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự giấu tên khác, vì đề tài nhạy cảm, nói với SCMP rằng Bắc Kinh còn chần chờ vì cả vấn đề kỹ thuật cũng như chính trị khu vực rộng lớn hơn là khu vực Hoa Đông.

“Bắc Kinh chần chờ tuyên bố ADIZ trên Biển Đông vì một số vấn đề kỹ thuật, chính trị và ngoại giao cũng như tốn phí điều hành ADIZ rất lớn,” ông Li Jie nói.

Khi Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ trên vùng biển Hoa đông, cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn đều loan báo không công nhận và liền đưa máy bay quân sự đến bay trên vùng biển này nhưng không thấy Bắc Kinh phản ứng nào.

Trên Biển Đông, trong khoảng một tháng qua, ngoài những cuộc tập trận, tuần tra tự do hải hành của các chiến hạm, nhiều loại máy bay, từ oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer đến máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hoa Kỳ đã bay nhiều lần trên Biển Đông, thách đố tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh.

Theo nhận định của ông Drew Thompson, một nhà phân tích tại Học viên chính sách công tại Singapore, nếu Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông sẽ đẩy các nước ở khu vực không phải lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc mà là có nên duy trì mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh hay giữ lấy chủ quyền riêng của nước mình. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT