Friday, April 19, 2024

‘Báo đảng’ giấu tin hàng ngàn công nhân bị trấn áp ở Bình Dương

BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Hôm 28 Tháng Năm, mạng xã hội lan truyền một video clip và loạt hình ảnh cho thấy hàng ngàn công nhân Công Ty Giày Da Chí Hùng tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đình công sang ngày thứ hai liên tiếp.

Hình ảnh cho thấy, lực lượng dân quân tự vệ, mặc áo có chữ “quân sự” phía sau lưng, xuất hiện tại cuộc đình công trong lúc có cáo buộc đã xảy ra đụng độ khiến ít nhất ba công nhân bị chích điện ngất xỉu.

Đáng lưu ý là các báo nhà nước, nhất là các báo Người Lao Động, Lao Động vốn thường xuyên đưa tin về giới công nhân, không tường thuật sự kiện này.

Theo trang “CongdoanBinhduong.org.vn,” Công Ty Chí Hùng được thành lập từ Tháng Tám, 2000, chuyên sản xuất và xuất cảng giày thể thao Adidas, với khoảng 10,800 công nhân. Công Ty Chí Hùng được ghi nhận thường xuyên rao tuyển vị trí phụ tá sản xuất với một trong các yêu cầu là ứng viên biết tiếng Hoa hay tiếng Anh và có kỹ năng phiên dịch.

Facebooker, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ cho biết trên trang cá nhân rằng nguyên do đình công là Công Ty Giày Da Chí Hùng không còn việc làm tới Tháng Tám nên dự trù cho toàn bộ công nhân nghỉ việc từ giữa Tháng Sáu. Các công nhân bất bình vì chi nhánh 2 của công ty này ở Vũng Tàu được chi trả tiền đủ để công nhân cầm cự tới khi công ty hoạt động lại.

Lực lượng dân quân tự vệ mặc áo có chữ “quân sự” phía sau lưng, xuất hiện tại cuộc đình công. (Hình: Facebook Nam Bình)

Cùng thời điểm, Facebooker Nam Bình, được cho là công nhân Công Ty Giày Da Chí Hùng, chia sẻ trên mạng xã hội rằng công nhân “cần sự minh bạch, rõ ràng” và họ “là lao động nghèo, không hiểu về luật nên chỉ biết làm theo số đông”.

Ông Phạm Minh Vũ vết trên trang cá nhân: “Sự việc dân sự bình thường, giữa quyền lợi công nhân và chủ doanh nghiệp, hai bên đối thoại chia sẻ lắng nghe nhau là xong. Nhưng, cách làm ăn của các doanh nghiệp ở Việt Nam là thay vì dùng tiền trả cho công nhân đòi quyền lợi thỏa đáng thì họ dùng tiền để trả cho công an, cho chính quyền địa phương để nhờ can thiệp khi công nhân đòi quyền lợi.”

Facebooker này cũng bình luận thêm rằng lực lượng công an “không khác gì bọn bảo kê, khác với xã hội đen thì công an có cấp thẻ ngành và đồng phục.”

Năm ngày trước cuộc đình công tại Công Ty Giày Da Chí Hùng, công luận xôn xao trước tin Công Ty Giày Da Huê Phong ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, cho 2,200 công nhân nghỉ việc do gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ông Nguyễn Quang Hưng, trưởng phòng nhân sự Công Ty Huê Phong sau đó giải thích trên báo Tuổi Trẻ rằng doanh nghiệp này “gặp khó khăn ngoài dự tính”.

“Với số công nhân còn lại, chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất để chờ đợi đơn hàng. Hiện nay chúng tôi đang làm đơn hàng cũ, còn những đơn hàng mới thì đối tác chưa trả lời cụ thể. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này, công ty cũng có kế hoạch cắt giảm thêm khoảng 500 công nhân nữa,” ông Hưng được tờ báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Cũng cần nói thêm, các cuộc đình công sau này tại Việt Nam đã không còn nhiều hiệu ứng trên mạng xã hội. Nguyên do được hiểu là nhà cầm quyền CSVN đã trấn áp, bỏ tù hầu hết các nhà hoạt động công đoàn nổi bật để dập tắt việc truyền thông để bảo vệ quyền lợi của giới công nhân. Trong số này, các nhà hoạt động Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh được cho là đang tạm lánh tại nước ngoài. (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT