Friday, April 19, 2024

‘Báo đảng’ thừa nhận ‘bức cung, dùng nhục hình vẫn tồn tại’ ở Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Luật lệ có quy định, nghiêm cấm, nhưng điều tra viên của công an CSVN vẫn ngang nhiên tra tấn để ép cung dẫn đến những bản án oan sai, thậm chí cái chết của nạn nhân.

“Pháp luật hình sự, nghị quyết của Quốc Hội nghiêm cấm hành vi bức cung, nhục hình và xử lý nếu có nhằm phòng chống oan, sai. Tuy nhiên, các số liệu tư pháp thể hiện, việc bức cung, dùng nhục hình ở nước ta vẫn tồn tại. Giai đoạn 2012-2016, có 21 điều tra viên hoặc kiểm sát viên bị xét xử trong các vụ án liên quan bức cung, dùng nhục hình.”

Bản tin của tờ Tiền Phong, trực thuộc Trung Ương Đoàn Thanh Niên CSVN, hôm Thứ Hai 25 Tháng Năm, viết như thế sau khi kể ra một vài trường hợp oan sai vì tra tấn ép cung nổi tiếng dẫn đến các bản án tử hình sau bị đảo ngược như vụ án Hàn Đức Long, vụ án Nguyễn Thanh Chấn, rúng động dư luận mấy năm trước.

Tờ Tiền Phong dẫn lời “Thượng Tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên đội trưởng Đội Thanh Tra Pháp Luật Công An thành phố Hà Nội” nhìn nhận chuyện oan sai “hiện tượng này có thật” vì nạn tra tấn ép cung phổ biến gần như được dung dưỡng.

Ông Hùng nêu lý do xảy ra tra tấn ép cung “vì động cơ thành tích phá án để ép bằng được, thậm chí bức cung, nhục hình, tạo thêm chứng cứ không khách quan. Có những trường hợp làm giả chứng cứ, sửa cả hồ sơ để cố tình buộc tội. Khâu truy tố, xét xử cũng vậy, vì thành tích rồi xử lý ép hoặc bị quy kết như điều tra bảo làm đủ rồi, ông kiểm sát không truy tố là bỏ lọt tội phạm.”

CSVN ký tên tham gia Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn năm 2013, đến năm 2015 sửa lại Luật Tố Tụng Hình Sự quy định các nguyên tắc: Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11).

Hồ Duy Hải bị kết án tử hình vì bị cáo buộc giết hai cô gái tại bưu điện Cầu Voi, Long An, năm 2008. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đồng thời, Luật Thi Hành Tạm Giữ, Tạm Giam thông qua ngày 25 Tháng Mười Một, 2015, có hiệu lực từ đầu năm 2016 cũng “nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.”

Tuy nhiên, luật có chỉ trên giấy tờ trong khi tình trạng tra tấn ép cung và đối xử bạo ngược của công an điều tra CSVN vẫn diễn ra. Hàng năm vẫn có hàng chục người bị tra tấn chết chỉ ít giờ hay một vài ngày bị tạm giam để điều tra. Phần lớn vu cho nạn nhân “tự tử” hoặc “sốc thuốc” hay “tiền sử bệnh tim” dù trước khi bị bắt, người ta khỏe mạnh bình thường.

Riêng trong năm 2020, từ đầu năm đến nay, đã có một số trường hợp như vừa kể.

Hồi tháng trước, hàng trăm người đã theo thân nhân đưa xác một nạn nhân đến trụ sở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, bắt vạ vì cái chết đầy nghi vấn của ông Võ Văn Tư, 46 tuổi, mà người ta nghi công an đã đánh ông ta đến chết rồi vu cho ông ta “ngã” nên đập đầu xuống đất.

Khi ra điều trần trước Ủy Ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc các ngày 14 và 15 Tháng Mười Một, 2018 tại Geneva, Thụy Sĩ, tướng Thứ Trưởng Công An Lê Quý Vương đã chối hết tất cả các thông tin cáo buộc công an CSVN tra tấn chết rất nhiều người khi mới tạm giam để điều tra.

Nay thì một viên chức cựu cựu công an thành phố Hà Nội, Thượng Tá Nguyễn Xuân Hùng, lại nhìn nhận là có thật chứ không chối như cấp trên của ông.

Hiện tử tù Hồ Duy Hải đang chờ Quốc Hội của chế độ nghiên cứu lại xem hồ sơ vụ án đầy chứng cớ ngụy tạo và chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của Hải sau những trận đòn thừa sống thiếu chết để gán cho anh ta tội giết người, xem có thể được giải oan hay không. (TN) (kn)

MỚI CẬP NHẬT