Wednesday, April 24, 2024

Bến Tre hạn mặn nhưng chính quyền lo nâng cấp tượng đài

BẾN TRE, Việt Nam (NV) – “Tỉnh Bến Tre đang trùng tu tượng đài chiến thắng và khuôn viên ở Mỏ Cày với số tiền mấy chục tỉ đồng (hàng trăm ngàn đô la) để làm gì trong khi cả tỉnh này đang chết khát?”

Nhà hoạt động Phạm Minh Vũ đặt câu hỏi như vậy trên trang cá nhân hôm 21 Tháng Ba.

Câu hỏi nêu trên được đưa ra trong bối cảnh người dân Bến Tre cũng như một số tỉnh ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải tự xoay xở trước tình trạng xâm nhập mặn từ vài tháng qua. Mạng xã hội ghi nhận việc người dân Bến Tre và các tỉnh lân cận phải xách từng can nước về để dành nấu ăn chứ không dám tắm.

Việc chính quyền tỉnh Bến Tre trùng tu tượng đài được báo Đồng Khởi xác nhận hôm 17 Tháng Ba. Tờ báo của Đảng Bộ tỉnh Bến Tre viết: “Từ ngày 16 đến 22 Tháng Ba, Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch phối hợp với Công Ty In 3D Plus tiến hành khảo sát, đo vẽ 3D hai tượng đài, làm cơ sở thực hiện công tác lập dự toán và thiết kế bản vẽ thi công công trình theo kế hoạch thực hiện đến năm 2021.”

Cụ thể, bệ tượng hiện tại sẽ được gia cố móng bằng cọc bê tông cốt thép, tượng “bà mẹ Bến Tre” và nhóm tượng “nhân dân Bến Tre” đều được đục từ đá granite nguyên khối, với chiều cao từ 4.5 mét đến 7.3 mét. Chi phí cho việc nâng cấp tượng đài không được tiết lộ công khai, nhưng với lượng đá granite nguyên khối như vậy thì người ta ước tính con số không thể dưới chục tỉ đồng.

Đáng lưu ý, một bài khác trên báo Đồng Khởi cho hay tượng đài Đồng Khởi mới chỉ được xây dựng từ năm 2017 và là “tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, một công trình nghệ thuật có quy mô lớn về hình thức là khái quát cao về cuộc Đồng khởi năm 1960 và cả quá trình kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Bến Tre.”

Cùng thời điểm chính quyền lo nâng cấp tượng đài, theo báo Dân Sinh của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN, nguồn nước mặn “đã xâm nhập sâu vào nội đồng tại huyện Ba Tri,” độ mặn đạt xấp xỉ gần mức năm 2015, 2016, thời điểm được ghi nhận là “hạn mặn lịch sử.”

Tượng đài Đồng Khởi. (Hình: Đồng Khởi)

Tờ báo dẫn nguồn khảo sát của Phòng Nông Nghiệp huyện Ba Tri cho hay gần 4,500 hécta lúa Đông Xuân “chịu thiệt hại nặng nề, phần lớn đều đã bị nhiễm mặn, trong đó có tới hơn 15% diện tích bị chết, số còn lại không phát triển do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.”

Theo báo VietNamNet, người thiếu nước uống; lúa thiếu nước tưới; đất đai khô cằn, hạn mặn bủa vây các tỉnh miền Tây ngày càng khốc liệt.

Nhiều ruộng lúa ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre, gần đến ngày thu hoạch nhưng thiếu nước tưới dẫn đến cháy lá, hạt lép. Đó là những ruộng lúa còn vớt vát được phần nào, nhưng những người nông dân khác còn không có được hạt lúa để ăn. Lúa chết non, một diện tích rộng lớn các ruộng lúa ở Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, khô cằn, cháy lá không sinh trưởng nổi phải cắt bỏ cho bò ăn.

Anh Phạm Thanh Phong, 48 tuổi, ở ấp 4, xã Bình Thành, nói: “Khi cắt lúa phải giũ bỏ lá úa khô. Tiền của, công sức, mồ hôi mấy tháng trời đổ xuống ruộng lúa, giờ thu lại là lúa non nhiễm mặn cho bò ăn nó cũng chê.”

“Tôi sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh hạn mặn đến sớm như năm nay. Năm 2016, hạn mặn cũng khốc liệt nhưng đến trễ, lúc đó lúa đã chín còn thu hoạch được ít,” anh Phong nói.

Cũng theo báo Dân Sinh, trước tình trạng hạn mặn, người dân “chủ động các phương án ứng phó” trong lúc nhà chức trách “kêu gọi người dân trữ nước mưa, nước ngọt dùng cho sinh hoạt, chăn nuôi.” (N.H.K)

MỚI CẬP NHẬT