Friday, April 19, 2024

Bị dân chống đối, nhiều trạm thu phí BOT phải ‘xả trạm’

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Nhiều trạm thu phí BOT từ miền Trung tới miền Nam phải “xả trạm” liên tục trước sự chống đối quyết liệt của người dân đối với những thứ “phí” kiểu cướp ngày.

Trước sự chống đối của người sử dụng đường lộ qua các trạm thu phí BOT trên cả nước, ngày 11 Tháng Mười, 2017, Bộ Giao Thông Vận Tải phải ban hành một văn bản về “việc xử lý các bất cập về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT.”

Theo đó, miễn hoặc giảm phí cho một số loại xe, nhất là các loại xe địa phương quanh khu vực có trạm BOT. Có vẻ lệnh này đưa xuống không được “chủ đầu tư” thực thi sốt sắng và mức giảm cũng không làm dân chúng hài lòng.

Nhiều báo tại Việt Nam đưa tin giới tài xế dùng “tiền lẻ” trả “phí” tại trạm thu phí BOT Sông Phan (do Bộ Quốc Phòng CSVN làm chủ đầu tư) trên quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận làm quãng đường huyết mạch Bắc Nam này bị “rối loạn” nên phải xả trạm rất nhiều lần trong mấy ngày qua.

Không đồng ý với mức giảm giá do Bộ Giao Thông Vận Tải đưa ra cho người dân lân cận trạm BOT Sông Phan, các tài xế này đòi phải miễn 100% cho xe không kinh doanh vận tải và 50% cho những xe còn lại đối với người dân địa phương quanh trạm. Giữa năm ngoái, nhà cầm quyền tỉnh Bình Thuận đã “kiến nghị giảm vé đối với các chủ xe hơi tại địa phương vì họ chỉ đi vài cây số nhưng phải đóng phí cả tuyến là bất hợp lý.”

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đường về miền tây bị “ách tắc” nên sự đi lại giống như chịu cực hình tại các trạm thu phí đi từ Cần Thơ tới các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu.

Người ta thấy từ thành phố Cần Thơ xuống Bạc Liêu, một đoạn đường dài khoảng 100 km mà có tới ba trạm thu phí BOT gồm trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đặt tại quận Cái Răng của Cần Thơ, trạm BOT Sóc Trăng và trạm BOT Bạc Liêu.

Cảnh hỗn loạn ở trạm BOT Sông Phan chiều 14 Tháng Giêng. (Hình: VNExpress)

Theo quy định của nhà cầm quyền trung ương về việc đặt các trạm thu phí BOT thì phải cách nhau khoảng 100km. Nhưng “nhà đầu tư” đã “ăn dày” đến độ lập ba trạm, buộc người dân phải phản ứng.

Tuy “chủ đầu tư” BOT Sóc Trăng đã miễn, giảm phí cho các chủ xe ở các địa chỉ quanh trạm, nhưng mấy ngày qua, người ta vẫn chống đối nên giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã An Hiệp, huyện Châu Thành “ùn tắc.” Trạm này cứ đóng lại xả liên tục. Giới tài xế cho rằng “trạm đặt sai vị trí, khi chủ đầu tư chỉ làm tuyến tránh nhưng thu phí cả quốc lộ,” giống như tuyến tránh Cai Lậy qua tỉnh Tiền Giang và trạm thu phí lại đặt trên quốc lộ 1 để thu phí cả hai.

Theo VNExpress, cũng như BOT Sóc Trăng, nhiều ngày qua hàng trăm tài xế đồng loạt dừng xe phản ứng mức thu phí của trạm BOT T1 quốc lộ 91 (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), vì cho rằng công ty cổ phần BOT quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang chậm trễ giảm phí cho các xe trong phạm vi 5 km. Cách đó hơn 30 km, trạm thu phí BOT T2 cũng bị giới tài xế phản ứng, khiến quốc lộ 91, đoạn qua trạm này thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

Trạm thu phí BOT T1 đặt tại quận Ô Môn và trạm T2 đặt tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ nhằm thu phí đầu tư, mở rộng quốc lộ 91 với mức đầu tư hơn 1,700 tỷ đồng. Hai trạm này bắt đầu thu phí vào năm 2016, mức phí 35,000 – 200,000 đồng, thời gian thu hơn 23 năm.

Tuần trước, một nhóm tài xế đã thuê đội lân sư rồng biểu diễn trước quán giải khát cách BOT Sóc Trăng khoảng 100 m để mừng mỗi khi trạm này “xả.” Có người còn mua cả heo quay để “cúng xả trạm.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT