Tuesday, April 23, 2024

Bị tố xịt chết lúa dân, chính quyền An Giang chối tội

AN GIANG, Việt Nam (NV) – Tòa án tỉnh An Giang bác bỏ tin về việc đoàn cưỡng chế huyện Phú Tân xịt chết lúa dân theo như tố cáo của người dân đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội.

Ngày 19 Tháng Mười Hai, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Khánh Dân, cục trưởng Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh An Giang, đã bác bỏ thông tin xung quanh một số clip trên mạng xã hội Facebook nói đoàn cưỡng chế đã xịt chết lúa dân.

Trước đó, vào ngày 15 Tháng Mười Hai, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số clip có vài người phụ nữ ở thửa ruộng lúa chết úa vàng. Người phụ nữ trong clip tự giới thiệu tên Trang, cùng với nhiều người khác cho rằng, chính đoàn cưỡng chế của Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh An Giang xịt chết lúa.

Thông tin này đã gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua ở An Giang và nhận được hàng ngàn bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, ông Dân cho biết, ngày 14 Tháng Mười Hai, Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh có cưỡng chế vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Trần Thị Thùy Trang, người xuất hiện trong clip, và ông Nguyễn Minh Trường, ở xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân.

Nguyên nhân, hồi giữa năm 2012, gia đình ông Nguyễn Thành Nhơn, chủ ruộng, làm ăn thất bại đã cầm cố cho bà Trang 13,617 mét vuông đất ruộng, với số tiền 350 triệu đồng (khoảng $15,409), 8 lượng vàng.

Đến giữa năm 2015, ông Nhơn bị phá sản trong khi toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã dùng để vay ngân hàng. Ngay sau đó, hai ngân hàng và 27 nhà dân đã làm đơn khởi kiện ông Nhơn. Tòa án huyện, tỉnh xét xử và bán phát mãi toàn bộ số đất đai, tài sản của ông này, trong đó ưu tiên bán cho những nhà dân là chủ nợ của ông Nhơn.

Trong số đó, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Vân đã mua đấu giá trúng lô đất mà ông Nhơn đã cầm cho bà Trang và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào Tháng Mười Một, 2015. Tòa án tỉnh có yêu cầu ông Nhơn phải trả lại tiền, vàng cho bà Trang nhưng đến nay ông Nhơn và bà Thảo đã không còn khả năng chi trả.

Theo ông Dân, người mua được tài sản bán đấu giá là hợp lệ nhưng không được canh tác nên bị thiệt hại. Còn bà Vân cho biết, để mua được lô đất đấu giá trên, bà phải vay hơn 1.5 tỷ đồng (khoảng $66,038) từ ngân hàng nhưng hai năm qua không canh tác được mà hàng tháng vẫn phải trả lãi, lại còn bị hăm dọa.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, chủ tịch xã Phú Thạnh, cho biết gia đình ông Nhơn bị vỡ nợ với số tiền trên 47 tỷ đồng (hơn $2 triệu). Sau đó, toàn bộ tài sản bị phát mãi bán đấu giá.

Còn lý do bà Trang bám trụ sản xuất lúa này là do bà này đã cầm cố 22,000 mét vuông của ông Nhơn với số tiền, vàng trên mà không hề biết đất này đã bị thế chấp ở ngân hàng. Theo ông Hưng, lẽ ra bà Trang phải khởi kiện ông Nhơn thì lại tiếp tục bám trụ sản xuất lúa trên đất đã bán.

“Việc bà Trang cho rằng đoàn cưỡng chế đã xịt chết lúa dân là không đúng vì đoàn chỉ đo ranh giới rồi cấm mốc giao cho chủ đất mới thôi. Còn chủ đất làm gì trên mảnh đất đó thì do quyền họ,” ông Hưng nói. (Tr.N)

Truy tố bảy cán bộ làm giả giấy kiểm định thức ăn thủy sản ở Hà Nội

MỚI CẬP NHẬT