Thursday, April 25, 2024

Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đòi ‘tăng phí BOT’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN vừa “có văn bản kiến nghị gửi chính phủ đề nghị tăng phí BOT theo lộ trình,” lấy cớ “tránh nợ xấu” vì “tình hình phức tạp, khó khăn…”

Nhiều báo tuyên truyền chính thống của chế độ tại Việt Nam cho hay như vậy khi tường thuật lời ông Thứ Trưởng Giao Thông Vận Tải Lê Anh Tuấn nêu ra tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ Giao Thông Vận Tải, diễn ra sáng ngày 2 Tháng Giêng, 2020, tại Hà Nội.”

“… Tình hình an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT vẫn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn trong công tác triển khai thu phí hoàn vốn các dự án” báo Đất Việt tường thuật lời ông Tuấn trong bản tin hôm Thứ Bảy.

Dự án xây dựng BOT là nhóm từ viết tắt (Build-Operate-Transfer trong Anh ngữ: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao trong tiếng Việt) nay rất quen thuộc tại Việt Nam. Nhà cầm quyền, qua hình thức đấu thầu hay “chỉ định thầu” giao cho một công ty tư nhân xây dựng, thu lệ phí của người sử dụng trong một hạn kỳ nào đó để thu hồi vốn lẫn tiền lời, rồi chuyển giao lại cho nhà nước, đối với một dự án công ích, thường là cầu, đường.

Nguồn tin nói trên thuật lại rằng “Theo Bộ Giao Thông Vận Tải, tính đến hết năm 2019 có 37 dự án phải tăng phí theo hợp đồng BOT (trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án), năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.”

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội dời từ quận 2 (gần cầu Sài Gòn) về quận 9 (gần cầu Rạch Chiếc). (Hình: Tuổi Trẻ)

“Hiện Bộ Giao Thông Vận Tải đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đề nghị tăng phí theo hợp đồng, trong đó nêu rõ, nếu không được tăng phí đúng lộ trình, các dự án có nguy cơ bị đổ vỡ phương án tài chính, kéo dài thời gian hoàn vốn, phát sinh nợ xấu cho ngân hàng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư,” tờ Đất Việt kể lại.

Mấy năm gần đây, nhất là các năm 2016, 2017, dân chúng phải đi qua các trạm thu phí đã chống đối quyết liệt tiền phí quá cao. Họ đậu xe tại chỗ, không di chuyển, hoặc trả tiền bằng tiền lẻ làm mất thời giờ, gây tình trạng kẹt xe dài hàng cây số buộc trạm BOT phải “xả trạm.”

Không những lệ phí quá cao, nhiều trạm thu phí lại được xây dựng trên những đoạn công lộ người dân không phải trả phí sử dụng, thay vì lập trạm thu phí trên quãng đường lộ xây dựng kiểu BOT gọi là “tuyến tránh.” Đã có những lời cáo buộc là không ít các dự án BOT được quan chức cầm đầu Bộ Giao Thông Vận Tải toa rập với các nhà thầu “sân sau” của nhà quan bóc lột quần chúng theo kiểu “tay không bắt giặc.”

Nhiều nhà thầu BOT được thành lập vội vã, vốn liếng không có bao nhiêu, phần lớn đi vay ngân hàng, lại không có kinh nghiệm xây dựng cầu đường, nhưng vẫn được Bộ Giao Thông Vận Tải cho trúng thầu hoặc “chỉ định thầu” để các quan kiếm chác tiền “lại quả.” Chỉ vì vậy mà nhiều con đường chưa kịp cắt băng khánh thành đã “xuống cấp nghiêm trọng,” cầu “cốt xốp” thay vì xi măng với sắt.

Tháng Tám, 2017, báo chí trong nước cho hay, sau các vụ kiểm toán của “Kiểm toán nhà nước” tại 24 dự án BOT, rất nhiều dự án đã “lạm thu” phí nên đã bị buộc phải “giảm trừ thời gian thu phí” tổng cộng đến hơn 62 năm. Trong đó gồm cả những dự án đầy tai tiếng như trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hay Hà Nội-Bắc Giang…

Theo báo Người Lao Động ngày 30 Tháng Mười Hai, 2019 thuật lại một lệnh có từ năm 2017 sau các cuộc chống đối quyết liệt của người dân, tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước phải gắn hệ thống thu phí tự động (gọi là ETC) hạn chót là ngày 31 Tháng Mười Hai, 2019 phải vận hành. Các xe đi qua gắn mã số điện tử trên kính xe, đã trả tiền hàng tháng từ trước, khi đi qua sẽ không phải dừng lại.

Tuy nhiên tờ Người Lao Ðộng nói: “Chỉ còn một ngày nữa là hết thời hạn nhưng theo khảo sát của Báo Người Lao Động, nhiều trạm thu phí được bổ sung vào giai đoạn 1 dự án chưa áp dụng ETC. Một số trạm chỉ vừa mới lắp đặt xong thiết bị. Có trạm đang triển khai, công việc vẫn còn ngổn ngang và ôtô vẫn phải xếp hàng dài chờ trả tiền mặt.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT