Friday, April 19, 2024

Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN đi Nga mua tàu chiến?

MOSCOW, Nga (NV) – Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Ngô Xuân Lịch hồi tuần qua sang Nga “ký tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2020-2025.”

Tờ Quân Đội Nhân Dân đưa một bản tin dài về chuyến đi Nga của ông Lịch với tựa đề “Hợp tác quốc phòng, trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga.”

Tờ Quân Đội Nhân Dân nói phái đoàn tướng lãnh cấp cao CSVN do ông Lịch cầm đầu đã họp với Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergey Shoigu nhằm “tăng cường chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan và cùng quan tâm; đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực truyền thống, thiết thực và tin cậy; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự một cách bền vững, bình đẳng, cùng có lợi.”

Tờ báo vừa kể đưa tin “Kết thúc hội đàm, hai bộ trưởng đã ký tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Liên bang Nga Nga giai đoạn 2020-2025. Đây là văn bản hợp tác có ý nghĩa quan trọng, bổ sung cho các văn bản hợp tác đã ký kết, góp phần định hướng tầm nhìn chung trong quan hệ hợp tác quốc phòng, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên toàn thế giới.

Không thấy tờ Quân Đội Nhân Dân cho người ta biết nội dung cái “Tầm nhìn chung” đó gồm những gì.

Sau cuộc đàm phán ở bộ quốc phòng Nga với ông Shoigu hôm 5 Tháng Hai, 2020, phái đoàn Ngô Xuân Lịch, theo hãng tin Sputnik của Nga hôm 7 Tháng Hai, 2020 cho hay, “đã đến St. Petersburg để thảo luận về hợp tác hải quân với Nga” dựa theo nguồn tin của “Cục Thông Tin và Truyền Thông Ðại Chúng Bộ Quốc Phòng Nga.”

Không thấy có tiết lộ nào về nội dung cuộc họp “hợp tác hải quân” của phái đoàn ông Lịch với Phó Tổng Tư Lệnh Hải Quân Nga, Phó Đô Ðốc Vladimir Kasatonov. Hãng tin Sputnik cho nhắc lại cho biết hầu hết trang bị quốc phòng CSVN đều mua của Nga.

“Việt Nam đã mua 4 tàu khu trục ‘Gepard’ từ Nga, 6 tàu ngầm Project 636 ‘Varshavyanka,’ 12 tàu tên lửa ‘Molniya’ (2 tàu được bàn giao trực tiếp và 10 tàu khác được cấp phép sản xuất) và hệ thống tên lửa di động ‘Bastion’ với hệ thống chống hạm siêu âm thống nhất bằng tên lửa ‘Yakhont,’ cũng như một số tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1, 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2, tổ hợp phòng không vác vai ‘Igla’ và nhiều vũ khí khác.”

Sputnik kể: “Vào ngày 29 Tháng Giêng, tờ Vedomosti đưa tin, năm 2019, Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng cung cấp ít nhất 12 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 trị giá hơn $350 triệu.”

Hồi trung tuần Tháng Mười Hai, 2019, bà chủ tịch Quốc Hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân đã cầm đầu một phái đoàn thăm Nga. Trong chuyến đi, bà Ngân có đến thăm cả nhà máy đóng tàu tại bang Tatarstan, noi đóng cho CSVN 4 chiếc hộ tống hạm lớp Gepard 3.9. Có tin báo chí địa phương vào dịp này nói Hà Nội có thể đặt đóng thêm một cặp Gepard 3.9 nhưng được trang bị võ khí mạnh hơn.

Tuy nhiên, sau đó, người ta thấy tờ Thanh Niên ngày 22 Tháng Giêng, 2020 dẫn báo Nga RealTime thuật lời Tổng Giám Ðốc Renat Mistakhov của tập đoàn đóng tàu Ak Bars (Tatarstan) cho hay “việc đặt đóng thêm cặp chiến hạm Gepard 3.9 cho Hải Quân Việt Nam vẫn chưa có đàm phán nào thêm, và tất cả đều rơi vào “im lặng.”

“Dĩ nhiên là trên truyền hình có đưa tin về việc đặt đóng cặp tàu Gepard thứ ba, chúng tôi hy vọng nếu họ mời thì chúng tôi sẽ thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn không có đơn đặt hàng nào từ quốc gia ASEAN, chỉ có sự im lặng,” ông Mistakhov nói.

Hai lý do chính yếu được kể ra là máy tàu Gepard 3.9 do Ukraine sản xuất. Sau khi bị Nga cướp bán đảo Crimea, Ukraine đã ngưng cung cấp động cơ turbin khí khiến ngành đóng tàu Nga phải lao đao. Cặp tàu Gepard thứ hai của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ sự việc này khiến thời gian giao tàu trễ gần 2 năm.

Bên cạnh đó, võ khí và trang bị điện tử của các tàu này cũng không mạnh. Rất có thể Hà Nội muốn nhòm ngó những thứ tàu khác với kích cỡ tương đương nhưng trang bị tối tân hơn, mạnh hơn khi Sputnik dẫn lời Bộ Trưởng Shoigu là “Chúng tôi luôn sẵn sàng cho cuộc thảo luận thực chất về sự phát triển của việc hợp tác quân sự và kỹ thuật-quân sự cùng có lợi giữa hai bên.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT