Thursday, April 25, 2024

Các công ty đầu tư ngoại quốc giúp CSVN ‘thặng dư mậu dịch’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong khi các công ty, hãng xưởng nội địa tại Việt Nam gia tăng đóng cửa thì các công ty ngoại quốc lại gia tăng xuất cảng, giúp CSVN thặng dư mậu dịch.

Báo chí trong nước đưa ra bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2021, chỗ ảm đạm thuộc về các doanh nghiệp quốc nội trong khi giới ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam lại gia tăng xuất cảng.

Xí nghiệp may áo xuất khẩu ở Hà Nội. (Hình: MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images)

Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm Thứ Sáu tuần qua dựa theo thông tin của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, nói “Trong Tháng Hai đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam có thêm đến khoảng 7,700 doanh nghiệp đóng cửa, nâng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong hai tháng đầu năm lên đến 33,611 doanh nghiệp, tăng 18.6% so với cùng kỳ năm ngoái.”

Con số các doanh nghiệp “rời bỏ thị trường” vừa kể cao gần gấp đôi con số “15,480 doanh nghiệp thành lập mới trong cùng thời gian 2 tháng đầu năm nay.” Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn nói rằng: “Tình trạng doanh nghiệp hoạt động khó khăn phải tạm rời thị trường hoặc đóng cửa dài hạn,… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, xã hội và nhất là người lao động mất việc làm.”

Trong khi đó, theo bản báo cáo của Tổng Cục Thống kê CSVN đưa hôm 28 Tháng Hai, gộp chung hai tháng đầu năm 2021, “kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt $48.55 tỷ, tăng 23.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt $11.48 tỷ, tăng 4.4%, chiếm 23.6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt $37.07 tỷ, tăng 30.5%, chiếm 76.4%. Trong hai tháng có chín mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên $1 tỷ, chiếm 73.8% tổng kim ngạch xuất khẩu.”

Những con số thống kê vừa kể cho người ta thấy nền kinh tế, thương mại của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của các hãng xưởng ngoại quốc đầu tư sản xuất. Người ta từng ví von khi đại gia “Samsung hắt hơi sổ mũi” thì nền kinh tế Việt Nam khốn đốn ngay.

Dân thất nghiệp ngồi dọc theo hè phố ở Hà Nội, hy vọng có người gọi đi làm. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt $14.2 tỷ, tăng 38.2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt $8.5 tỷ, tăng 54.3%. Thị trường EU đạt $6.3 tỷ, tăng 22.7%. Thị trường ASEAN đạt $4.2 tỷ, tăng 6.2%. Hàn Quốc đạt $3.4 tỷ, tăng 16.8%. Nhật Bản đạt $3.2 tỷ, tăng 3%,” bản báo cáo của Tổng Cục Thống kê CSVN viết.

Giữa Tháng Hai, một tổ chức có tên Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) thuộc Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội mới đây công bố báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2020 và triển vọng năm 2021. Trong đó họ dự báo tăng trưởng kinh tế CSVN năm 2021 có thể còn tệ hơn năm ngoái nếu chế độ Hà Nội không đối phó nổi với đại dịch COVID-19

Nhưng một tổ chức nghiên cứu khác về nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) lại cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam dự trù sẽ phục hồi ở mức 7% vào năm 2021, “nhờ sức cầu bên ngoài khôi phục, nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng lên.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT