Saturday, April 20, 2024

Cầu Vàm Cống hàng trăm triệu đô, chưa xây xong trụ đã nứt

AN GIANG, Việt Nam (NV) – Cầu Vàm Cống nằm trên sông Hậu là tuyến giao thông huyết mạch nối hành lang phía Tây với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, đầu tư hơn $271 triệu, đến nay sau gần một năm vụ nứt dầm thép, người dân vẫn chưa biết nguyên nhân lẫn ngày thi công trở lại.

Theo mô tả của báo Tuổi Trẻ, chiều 4 Tháng Sáu, trên công trường cầu Vàm Cống, dài 2.97 cây số, gồm 146 dầm dọc và 225 dầm ngang, với tổng khối lượng kết cấu thép khoảng 7,000 tấn, đã vắng lặng, không còn cảnh làm việc rầm rộ như mấy tháng trước đó.

Toàn bộ thiết bị, máy móc đã được dọn dẹp chở đi. Công trình này do các công ty Nam Hàn gồm liên danh Dasan-Kunhwa-Pyunghwa làm tư vấn thiết kế, giám sát, còn liên danh công ty GS E&C và Hanshin thực hiện xây dựng.

Ở phía bên kia bờ sông Hậu, tỉnh Đồng Tháp chỉ còn sót lại một đội xây dựng của Cienco 1. Tại đây, có hai người đang tham gia xây dựng công trình cho biết, không chỉ dầm ngang ở trụ P29 (phía Cần Thơ) mà ở trụ P28 (phía Đồng Tháp) là hai trụ được làm bằng thép không gỉ đấu nối, tiếp giáp dầm bêtông và dầm thép của cầu Vàm Cống, trước khi hợp long vào hai trụ tháp chính ở giữa, đã bị nứt dầm thép ngang.

“Giữa Tháng Mười Một, 2017, khi đang xây dựng thì phát giác dầm thép tại trụ P29 bị nứt, sau đó là trụ P28 nứt theo. Ngay sau khi phát hiện vụ nứt trên, công trình ngừng xây dựng cho đến nay,” một công nhân đang làm việc cho Cienco 1 nói.

Một chuyên gia cầu đường nhận định: “Vết nứt tại cầu Vàm Cống không phải là chuyện nhỏ, đây là dấu hiệu của áp lực cao.”

Ông Võ Thành Thống, chủ tịch thành phố Cần Thơ cho biết: cầu Cao Lãnh và đường dẫn nối với cầu Vàm Cống đã hoàn tất, nhưng đến nay chưa thể nối dài một mạch tới Cà Mau do “tắc” ở cầu Vàm Cống.

Trả lời câu hỏi khi nào thì cầu Vàm Cống được làm trở lại, ông Lê Tiến Dũng, phó giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải Cần Thơ, cho biết đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao Thông-Vận Tải vẫn chưa có bất cứ thông báo nào về kế hoạch khắc phục hay cụ thể ngày thông xe sau vụ nứt dầm.

Tương tự, ông Thống nói đến nay chính quyền hai tỉnh Cần Thơ và An Giang “chưa có thông tin về nguyên nhân vụ nứt trụ cầu Vàm Cống.”

Chiều cùng ngày, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Thi, đại diện chủ đầu tư cho biết, sau khi phát hiện vết nứt dầm ngang CB6 thuộc trụ P29, các đơn vị đã báo cáo Bộ Giao Thông-Vận Tải và thủ tướng chính phủ và các bên liên quan “kịp thời, đầy đủ.”

Trả lời về việc xúc tiến sửa chữa cầu Vàm Cống, ông Thi cho biết, đã và đang huy động các chuyên gia, tư vấn của Việt Nam lẫn Nam Hàn xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp sửa chữa; đồng thời đã làm việc với nhà tài trợ để huy động tư vấn quốc tế (đến từ nước thứ 3) tiến hành đánh giá độc lập.

Trong khi đó, đại diện Bộ Giao Thông-Vận Tải cũng cho biết: vết nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P29 của cầu Vàm Cống “đã được tư vấn độc lập kiểm định để có phương án khắc phục nhằm hoàn thành công tác xây dựng, đưa cầu Vàm Cống vào khai thác trong năm 2018.”

Nhiều tháng nay, các công ty vận tải và người dân ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ rất mong chờ cầu Vàm Cống hoàn thành, đưa vào sử dụng để rút ngắn thời gian di chuyển lẫn chi phí. (Tr.N)

Nữ Việt kiều Mỹ thuê giang hồ truy sát chồng cũ bất ngờ được trả tự do

MỚI CẬP NHẬT