Tuesday, April 23, 2024

Chính phủ Việt Nam nợ $94.3 tỷ từ hai năm trước

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo Bản Tin Nợ Công số 5 do Bộ Tài Chính vừa công bố, các khoản nợ trong và ngoài nước của chính phủ Việt Nam tính đến hết năm 2015 đã vượt 2 triệu tỷ đồng, tức gần $94.3 tỷ và tương đương 61% GDP.

Bản tin nợ công là tài liệu được Bộ Tài Chính phát hành định kỳ sáu tháng một lần, với độ trễ là sáu tháng.

Theo tài liệu này, trong bốn năm, dư nợ chính phủ Việt Nam tăng gấp đôi, từ mức $52.5 tỷ (năm 2011) lên $94.3 tỷ (2015).

Báo điện tử VNExpress tường thuật, trong khi nợ trong nước có xu hướng tăng nhanh, từ $20.4 tỷ lên $54.6 tỷ thì mức tăng nợ nước ngoài chậm hơn, từ $32.3 tỷ lên mức $39.6 tỷ vào cuối 2015. Cũng trong năm 2015, tổng số tiền trả nợ của chính phủ gấp 2.5 lần so với 2011, tương đương $13.3 tỷ. Tỷ lệ nợ của chính phủ so với thu ngân sách bốn năm từ 2011 đến 2015 cũng “liên tục tăng, từ 162% lên hơn 206%.”

Hồi Tháng Ba, Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng được các báo trong nước dẫn lời nói “nợ công tăng nhanh trước hết do công tác điều hành.”

“Là người ‘giữ túi tiền quốc gia,’ ông Dũng lo lắng khi ‘chi tiêu thì quyết theo nhu cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế không năm nào đạt như dự báo,’” theo VNExpress.

Chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc ở Sài Gòn viết trên Facebook: “Vì sao mất tới hai năm chỉ để công bố một con số? Có ông anh phán rất hay: ‘Ở Việt Nam phàm số nào xấu thì cứ [nhân] gấp ba lên là ra số thật. Mất hai năm mà mới công bố được con số có-vẻ-xạo rồi sau hai năm rồi thì giờ tiền nợ lên bao nhiêu rồi.’”

Trong bài “Ngân sách lo trả nợ, tăng trưởng kinh tế gặp khó,” báo Tuổi Trẻ hôm 22 Tháng Chín cho hay: “Cùng với việc giảm chi, nhiều chuyên gia cũng cho rằng để ngân sách bớt căng thẳng, cần mở rộng cơ sở thu.”

“Chẳng hạn, theo đại diện Ngân Hàng Thế Giới (WB), việc đánh thuế tài sản được các nước áp dụng từ lâu, nhưng Việt Nam hiện mới chỉ tính thuế đối với đất, do đó, cần sớm tính đến chính sách thuế tài sản.”

Hồi Tháng Tám, báo Tiền Phong tường thuật: “Trước bối cảnh nợ công tăng cao, Bộ Tài Chính đề xuất tăng thuế Giá Trị Gia Tăng (VAT) với hàng hóa tiêu dùng từ mức 10% hiện nay lên 12% hoặc 14%. Đồng thời, bộ này loại một số hàng hóa thiết yếu khỏi nhóm ưu đãi thuế VAT, như nước sạch, một số thiết bị phục vụ y tế, giáo dục, hoạt động văn hóa, giải trí, in ấn…”

Hồi Tháng Bảy, Đồng Hồ Nợ Công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam thời điểm đó là $94.85 tỷ.

Trong bản cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam hồi Tháng Bảy, WB dự báo nợ công của Việt Nam “sẽ vượt mức an toàn vào năm 2018.”

Ngày 1 Tháng Mười Một, 2016, trong phiên thảo luận của Quốc Hội về việc huy động, sử dụng vốn vay và nợ công giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Trong 15 năm, nợ công của Việt Nam tăng gần 15 lần,” theo báo điện tử VNExpress.

Theo các con số thông kê do Bộ Tài Chính công bố, nợ công của Việt Nam năm 2016 chiếm 63.7% GDP. Năm 2017 dự trù lên đến “đỉnh” là 64.8% GDP rồi sau đó nợ công “sẽ bắt đầu giảm từ năm 2018, bằng 64.7% GDP, năm 2020 bằng 63.7% GDP. Nhưng những con số đó chỉ có thể trở thành thực tế trong điều kiện nền kinh tế “phải tăng trưởng GDP ở mức từ 6.7 đến 7% năm nay và năm tới.”

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho hay, dựa trên dân số hiện tại là 92 tỷ, thì mỗi người Việt Nam bất kể già trẻ lớn bé đang phải gánh một khoản nợ là $1,039; mỗi tháng Việt Nam phải dành hơn $1 tỷ để trả nợ nước nước ngoài. (T.K)

Dân hiến đất làm khu vui chơi, chính quyền Quảng Bình lại lén đem bán

MỚI CẬP NHẬT