Thursday, March 28, 2024

Chính quyền bắt tay với ‘cát tặc,’ dân sống dọc sông Đồng Nai lãnh đủ

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Dọc sông Đồng Nai, từ hạ nguồn qua Biên Hòa đến thượng lưu, nhiều đoạn bờ sông bị khoét lở toang hoác, khiến đất đai, nhà cửa của người dân có thể trôi xuống sông bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương trước đó thi nhau ký giấy cho khai thác cát tràn lan.

Ngày 4 Tháng Tám, 2018, báo Người Lao Động cho biết sông Đồng Nai đi qua tỉnh Đồng Nai hiện có nhiều vùng đang sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở kéo dài từ phía thượng nguồn, qua Vườn Quốc Gia Cát Tiên, huyện Vĩnh Cửu, đến tận thành phố Biên Hòa rất nghiêm trọng, khiến nhiều diện tích đất đai, hoa màu, tài sản của người dân ở ven sông, ở các cù lao tiếp tục bị đe dọa.

Cụ thể, ở đoạn sông chảy qua xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, nhiều khu vực bờ sông biến thành bờ vực dựng đứng, đất đai hoa màu của người dân bị kéo tuột xuống sông. Vườn tược nhiều nơi bị “gặm” sâu hàng chục mét. Có nơi nhà dân bị xô đổ xuống sông, còn lại những bức tường loang lổ. Nơi khác, vài căn nhà hoang còn lại… nửa căn, chênh vênh bên bờ vực trông thật thảm hại.

Nhà đã trôi sông, còn nhà bị đe dọa khi mà móng nhà đã trơ ra cùng đất. (Hình: Người Lao Động)

Dọc sông, để giữ đất, người dân phải dùng cừ tràm đóng kè hoặc trồng các loại cây dưới nước để ngăn sạt lở. Nhà có điều kiện thì xây kè xi măng để giữ vườn. Thế nhưng, vẫn không thể chống đỡ với miệng hà bá quái ác.

Từ đầu sông thuộc tỉnh Lâm Đồng, rồi đoạn qua tỉnh Bình Dương đến Biên Hòa về huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, hiện có hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng. Đoạn qua các xã, phường Hóa An, Bửu Hòa, Hiệp Hòa (Cù Lao Phố), tình trạng sạt lở nặng khiến người dân khóc ròng.

Người dân Cù Lao Phố lo lắng cho hay, đất đai, tài sản của họ đang bị dòng nước “gặm” từng ngày mà không có cách nào khắc phục.

Dọc xuống phía dưới qua huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, và Tân Uyên của Bình Dương cũng sạt lở tan hoang, kéo dài hàng trăm mét khiến người dân phải chịu bỏ của chạy lấy người. (Hình: Người Lao Động)

Ông Lê Văn Chín (84 tuổi, ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết trước đây ranh đất của gia đình ông kéo dài ra phía ngoài sông khoảng 30 mét và trồng nhiều cây trái nhưng bây giờ chỉ còn là dòng nước mênh mông, quặn đục. “Dòng sông ngày xưa êm đềm, giờ chỉ thấy cảnh xói lở, mất mát…” ông nói.

Ông Trần Thế Hùng cũng ở cù lao thuộc xã Hiệp Hòa nhận xét: “Ngày trước tốc độ sạt lở chậm nhưng mấy năm trở lại đây nhanh đột biến, nhà nào có đất ven sông cũng đều phải bỏ hàng trăm triệu đồng đổ đất đá, đóng cọc, làm kè nhưng đều không xuể.”

Theo người dân, nguyên nhân là do chính quyền địa phương thi nhau ký giấy cho khai thác cát tràn lan, bất chấp hậu quả trong thời gian dài. “Cát tặc” cứ thế tung hoành khắp lòng sông suốt thời gian qua.

Ông Lê Hoàng Long, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Bình Lợi, bất bình nói: “Đề nghị các ngành chức năng xử lý triệt để tình trạng bơm hút cát trái phép trên địa bàn để bà con ổn định đời sống, an tâm sản xuất.”

Một thời gian dài, các ghe núp dưới dự án khai thác cát làm tan nát cả dòng sông. (Hình: Người Lao Động)

Xác nhận tình trạng sạt lở diễn ra quanh cù lao với báo Người Lao Động, chính quyền xã Hiệp Hòa, cho hay nếu so sánh với bản đồ địa chính thành lập năm 1993 thì hiện nay nhiều điểm trên cù lao đã bị ăn sâu vào từ 20 mét đến 30 mét, và hầu hết chu vi cù lao đều bị ảnh hưởng.

Chủ tịch xã Hiệp Hòa, ông Triệu Trung Tính, cho hay hiện chưa có giải pháp căn cơ nào để ngăn sạt lở, giữ đất cù lao.

Ngay cả Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai nhiều năm trở lại đây cũng đánh giá “tình trạng sạt lở dọc sông Đồng Nai là nghiêm trọng, cần có giải pháp căn cơ để bảo vệ sông, bảo vệ tài sản người dân,” nhưng đến nay cũng chẳng thấy hoạt động thiết thực nào vẫn bỏ mặc cho người dân tự chống chọi trong vô vọng. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT