Thursday, April 25, 2024

Chính quyền Đà Nẵng thất hứa, bỏ mặc dân chịu trận với ô nhiễm

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Nhiều lần chính quyền Đà Nẵng khẳng định “quyết tâm” di dời bãi rác Khánh Sơn và hai nhà máy thép gây ô nhiễm để người dân quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang “hết khổ” nhưng đến nay mọi việc vẫn chỉ là lời hứa.

Trong khi đó, người dân đã phải sống mòn mỏi trong ô nhiễm từ 5 đến 20 năm. Họ nhiều lần chặn xe rác, vây nhà máy vì “chịu không nổi,” thế nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có những quyết định dứt khoát để giải quyết vấn nạn này.

Hôm 3 Tháng Mười, 2018, báo Lao Động cho biết, hồi cuối Tháng Chín vừa qua, người dân tại bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, tiếp tục chặn xe vào bãi rác. Hàng trăm người dân cùng dựng bạt, chặn xe rác bởi dù đã sống 27 năm ở đây, họ vẫn không thể chịu nổi sự ô nhiễm ngày càng tăng cao.

“Trời nắng thì hôi kiểu trời nắng, trời mưa thì nước rỉ từ bãi rác theo dòng nước chảy ra ngoài. Chúng tôi có những người sống nhờ nhặt phế liệu ở bãi rác nhưng cũng không thể chịu nổi nữa,” ông Nguyễn Chuyên, một người dân tại đây cho hay.

Cùng thời điểm này cách đó không xa, người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cũng nhiều lần tập trung trước hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc “điểm nóng của Đà Nẵng,” yêu cầu chính quyền có câu trả lời về thời gian đóng cửa của hai nhà máy gây ô nhiễm này. Dù chỉ là nấu và kéo cán thép chứ không phải luyện thép, nhưng với hàng trăm nhà dân ở sát vách các nhà máy thì không thể nói là bảo đảm môi trường.

Cả hai vụ trên đều không phải lần đầu người dân và chính quyền Đà Nẵng phải ngồi lại đối thoại. Bao nhiêu lần dân chặn xe rác, vây nhà máy là bấy nhiêu lần tổ chức họp dân. Nhiều lần chính quyền thành phố Đà Nẵng hứa hẹn xử lý, di dời, rồi sau lại gia hạn hoạt động cho bãi rác, cho nhà máy khiến mâu thuẫn với người dân tăng cao.

Người dân ở bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng, nhiều lần chặn xe rác, đối thoại với chính quyền nhưng vẫn chưa có được cuộc sống bình yên bởi vì ô nhiễm môi trường bủa vây. (Hình: Lao Động)

Trước sự tức giận của người dân tại hai khu vực trên, tại cuộc họp báo thường kỳ của Đà Nẵng hồi cuối Tháng Chín, 2018, báo Lao Động dẫn lời ông Lê Quang Nam, giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Đà Nẵng, cho biết: “Với bãi rác Khánh Sơn, câu trả lời của thành phố vẫn chỉ dừng lại ở mức là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo chấn chỉnh các hoạt động tại bãi rác Khánh Sơn để giảm bớt mùi hôi, phun chế phẩm.”

Giải thích về việc thất hứa với dân như trên, theo báo Lao Động, do chính quyền Đà Nẵng lâm thế “khó xử” bởi vì các quyết định hành chính từ những người tiền nhiệm và chính quyền của các nhiệm kỳ trước.

Cụ thể như việc đã quy hoạch, đưa hai nhà máy thép về ngay khu dân cư, nhưng không thực hiện mở rộng khu công nghiệp (giai đoạn 2) đúng như quy hoạch, làm hàng trăm hộ dân “mắc kẹt.”

Để “chữa cháy,” ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành Ủy Đà Nẵng tuyên bố “Chọn dân và đóng cửa nhà máy.” Thế nhưng, điều trớ trêu là cả nhà máy lẫn cơ quan quan trắc môi trường đều khẳng định “các chỉ số môi trường đạt chuẩn.” Nghĩa là không vi phạm gây ô nhiễm. Việc này khiến chính quyền không có cơ sở pháp lý để phạt hành chính hoặc buộc hai nhà máy thép phải đóng cửa vô điều kiện.

Chính quyền cũng “đuối lý” khi không đủ yếu tó để đóng cửa hoặc đền bù cho hai nhà máy di dời. Trong khi đó hồi Tháng Ba, 2018, Đà Nẵng cũng đã đưa ra quyết định hủy bỏ kế hoạch di dời dân đã hứa trước đó. Sự dùng dằng này khiến người dân phải tiếp tục chịu đựng.

“Nếu đã không cho chúng tôi đi thì thành phố phải di dời nhà máy theo lời hứa chứ không thể cứ lại tạm hoãn, kéo dài thời gian hoạt động như vậy. Chúng tôi đi hay ở đều chấp nhận được nhưng thành phố phải dứt khoát. Không có lần lữa mãi như vậy được,” ông Phạm Minh, một người dân tại Hòa Liên tức giận nói. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT