Thursday, March 28, 2024

Công an Cần Thơ ‘gài bẫy’ vụ đổi $100 để tịch thu tài sản tiệm vàng?

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Sau khi hoãn họp báo bất ngờ, bị dư luận nghi ngờ có hay không chuyện dàn dựng để bắt quả tang nhằm tịch thu tài sản của tiệm vàng trong vụ đổi $100, Công An thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp báo trở lại để “thông tin tiếp” về vụ này.

Chiều 24 Tháng Mười, 2018, Công An thành phố Cần Thơ đã họp báo thông tin vụ phạt ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) 90 triệu đồng (hơn $3,854) vì đổi $100 tại Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực). Buổi họp báo do ông Trần Văn Dương, trưởng Phòng Tham Mưu Công An Cần Thơ, chủ trì.

Trước đó, sáng cùng ngày, theo báo Tuổi Trẻ, công an Cần Thơ đã bất ngờ tạm hoãn cuộc họp báo dự trù lúc 10 giờ 30 mà không nói lý do, chỉ gửi cho cơ quan báo chí bản phúc trình về sự vụ.

Theo phúc trình, lúc 11 giờ 15 ngày 30 Tháng Giêng, 2018, Phòng Cảnh Sát Kinh Tế, Công An thành phố Cần Thơ, đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực, giám đốc Jewelry Thảo Lực, đang thu mua $100 của ông Nguyễn Cà Rê với giá 2,260,000 đồng. Ông Lực không xuất trình được giấy phép được đổi tiền của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với người mang $100 đi đổi là ông Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu số tiền 2,260,000 đồng.

Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo, vì sao lệnh khám xét nhà do chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân quận Ninh Kiều ký ngày 24 Tháng Giêng, 2018, trước thời điểm khám xét tiệm vàng sáu ngày, trùng với thời điểm công an bắt quả tang mua bán ngoại tệ, ông Dương khẳng định “việc khám xét nhà là đúng quy định.”

Trước câu hỏi của báo chí hoài nghi ông Rê là “mồi nhử” để bắt quả tang tiệm vàng Thảo Lực, ông Dương nói: “Tôi chưa tiếp cận hồ sơ nhưng những gì được báo cáo thì công an làm đúng luật. Nếu có việc gài bẫy thì công an phạt ông Rê 90 triệu để làm gì? Đối với phía công ty của ông Lực thì cơ quan công an đã thực hiện đúng quy định, trình tự của pháp luật.”

“Vấn đề tạm giữ hàng hóa lâu là do án kinh tế rất phức tạp, phải chuyển đổi hình thức điều tra, xác minh. Còn đối với quyết định khám xét nhà thì tôi chưa nắm, có thể do quá trình trinh sát cơ quan công an đã có cơ sở từ trước rồi mới xin lệnh khám xét. Phía doanh nghiệp cũng đã thừa nhận, chấp hành đóng phạt và cũng không khiếu nại. Hiện cơ quan công an đã trao quyết định xử phạt cho cả hai bên, riêng ông Rê công an thành phố sẽ báo cáo Bộ Công An, Chính phủ để xem xét,” ông Dương giải thích thêm.

Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi vì sao kim cương của gia đình ông Lực để trong tủ, không bày bán nhưng vẫn bị tịch thu thì ông Dương né tránh: “Ông Lực không khiếu nại vấn đề này nên tôi không đề cập và không xem xét trả lời.”

Thế nhưng, nói với báo VNExpress, ông Lực cho biết khi bị bắt quả tang đổi $100 cho ông Rê, cảnh sát nói có tố giác gia đình ông kinh doanh ngoại tệ nên khám xét nhà, thu giữ số kim cương, đá nhân tạo với lý do “không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài…”

Chủ tiệm vàng Thảo Lực cho biết thêm, số kim cương là tài sản riêng của gia đình nên không có hóa đơn, được cất trong tủ; không trưng bày bán vẫn bị giữ và tịch thu. Tuy nhiên, khi có quyết định xử phạt sau chín tháng bị bắt quả tang, doanh nghiệp của ông đã chấp hành.

Theo ông Lực, hồi Tháng Sáu, 2017, Phòng Cảnh Sát Kinh Tế, Công An thành phố Cần Thơ, cũng đến đọc lệnh khám nhà ông và tạm giữ một số vàng trắng vì nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, sau đó ông bị phạt 8.5 triệu đồng (hơn $364).

Ông Hoàng Tư Giang, chuyên gia kinh tế, bình luận: “Nhận đổi $100 mà chủ tiệm vàng Thảo Lực bị công an phạt 180 triệu đồng (hơn $12,634), khám xét từ sân thượng đến phòng ngủ rồi thu giữ 20 viên kim cương, toàn bộ vàng trắng, gần 20,000 viên đá nhân tạo… mang đi, hỏi có đáng nghi ngờ?”

Vụ này đã gây lo lắng cho doanh nghiệp và người dân vì nó chạm đến một lĩnh vực phổ biến và nhạy cảm là kiều hối.

Đánh giá của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho thấy, kiều hối của Việt Nam chiếm 6% đến 8% GDP hằng năm trong các năm 2006-2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1% đến 2% GDP).

Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Hoa Kỳ là nguồn lớn nhất với 55%, tiếp theo là Úc, Canada, Pháp, Đức và Nam Hàn. Những nhóm người chính gửi kiều hối về Việt Nam là người Việt hải ngoại và người lao động làm thuê ở các nước. Trong đó, người Việt định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm phần lớn tới 80% đến 90% lượng kiều hối gửi về.

“Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam,” đại diện UNDP cho biết. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT