Friday, April 19, 2024

CSVN ‘giả điếc’ trước các chỉ trích khi xử y án bà Phạm Đoan Trang

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục “giả điếc” trước việc chính phủ nhiều nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đả kích kịch liệt khi tòa án ở Hà Nội xử y án sơ thẩm 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang.

Cũng giống như những vụ án chính trị khác, CSVN luôn luôn tảng lờ, coi như không nghe thấy những lời lên án họ làm ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền. Từ bắt giữ, giam cầm đến xử án, giới luât sư đều nêu ra các vi phạm ngay cả với Luật Tố Tụng Hình Sự của chế độ.

Bà Phạm Đoan Trang tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25 Tháng Tám 2022 tại Hà Nội. (Hình: TTXVN)

Ngày 25 Tháng Tám, ngay sau khi tòa án CSVN tại Hà Nội xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm 9 năm tù với bà Phạm Đoan Trang, chính phủ các nước Mỹ, Đức, EU, Phóng Viên Không Biên Giới, đều phản đối mạnh mẽ.

Bà Phạm Đoan Trang tiếp tục bị cầm tù “là bằng chứng mới nhất cảnh báo việc bắt giữ và bỏ tù tất cả các cá nhân tại Việt Nam khi người ta chỉ biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa”.Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price viết trong bản tuyên bố. “Bà Trang bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam độc đoán là ngược lại cam kết quốc tế về nhân quyền”.

Ông Price lưu ý là bà Trang đã được ngoại trưởng Mỹ vinh danh và trao tặng giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm Thế giới năm 2022 vì bà đã nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và cai trị minh bạch. Bà Trang bị bắt và giam giữ khi sức khỏe tồi tệ và không được chăm sóc y tế trong nhà tù. Bà đã cho luật sư biết những điều vô cùng tệ hại của nhà tù CSVN và họ đã thuật lại trên các trang Facebook.

Liên Hiệp Âu Châu (EU) qua bộ phận thông tin báo chí đối ngoại (EEAS) cũng bầy tỏ sự thất vọng khi ra bản tuyên bố. Họ nói việc tòa án tại Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bà Phạm Đoan Trang dựa trên những cáo buộc mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước” là “mâu thuẫn trực tiếp với các cam kết quốc tế về nhân quyền”.

EU kêu gọi Hà Nội “trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền đã bị bắt tù một cách độc đoán,” bà Nabila Massrali viết trong bản tuyên bố.

Bà Luise Amtsberg, Cao Ủy Nhân Quyền của chính phủ Đức, ra bản tuyên bố yêu cầu CSVN trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang và tất cả những người tranh đầu nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời chấm dứt tất cả mọi sự đàn áp. Bởi vì bà Trang và những người này vận động cho các quyền dân sự, luật pháp minh bạch, bảo vệ môi trường suốt nhiều năm qua. Chỉ vì họ can đảm mà bị tù tội “thật rất phẫn nộ”.

Theo bà Amtsberg các cá nhân hoạt động xã hội dân sự là nguồn sáng tạo, kích thích đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhà cầm quyền CSVN đã đàn áp họ ngày càng tệ hại hơn trước. Bà đòi hỏi CSVN tôn trọng các nguyên tắc pháp lý trong luật lệ hình sự cũng như cho các nhà quan sát quốc tế tham dự các phiên xử.

Không những đại diện các chính phủ Mỹ, Liên Âu, Thụy Sĩ, Cộng Hòa Czech không được cho vào dự khán phiên tòa phúc thẩm Phạm Đoan Trang. Ngay như bà Bùi Thiện Căn là mẹ và anh trai của bà Trang cũng không được vào dù phiên tòa thông báo là “xét xử công khai”.

Bà Phạm Đoan Trang, năm nay 44 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN bắt ngày 6 Tháng Mười 2020 khi đang trốn lánh ở Sài Gòn và bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước”. Bà là cái gai trong mắt chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam qua những bài viết sắc sảo, phơi bày sự sai trái của nhà cầm quyền, làm ngược lại hết những lời tuyên truyền “của dân, do dân và vì dân”.

Bà là tác giả của một số sách nổi tiếng hiện đang được bán trên mạng và qua Amazon như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, Phản Kháng Phi Bạo Lực.

Bản Báo Cáo Đồng Tâm trình bày nguyên nhân, diễn tiến và hậu quả của vụ đàn áp cưỡng chế đẫm máu đất tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là giọt nước làm tràn ly, dẫn đến việc bắt giữ và bỏ tù bà.

Mẹ và anh trai của bà Phạm Đoan Trang cùng đại diện các sứ quán Mỹ, Đức, EU, Thụy Sĩ, Cộng Hòa Czech, không được vào dự phiên tòa phúc thẩm.(Hình: FB Thu Đỗ)

Bà Phạm Đoan Trang còn là đồng sáng lập Luật Khoa Tạp Chí, The Vietnamese là một tạp chí viết bằng Anh ngữ, và nhà xuất bản Tự Do hoạt động “chui” tại Việt Nam.

Bà được nhiều chính phủ cũng như tổ chức quốc tế trao tặng các giải thưởng nhờ những nỗ lực trong vận động nhân quyền, tự do báo chí tạo nhiều ảnh hưởng trong xã hội, bất chấp sự an nguy của bản thân.

Khi tham gia cuộc biểu tình vì cây xanh ở Hà Nội, bà từng bị công an CSVN lấy gậy sắt đánh vào đầu gối làm bà mang thương tật phải giải phẫu nhưng đi đứng vẫn rất khó khăn.

Trước các phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, các tổ chức báo chí cũng như nhân quyền quốc tế như HRW, AI, CJP, PEN America, đều đòi hỏi CSVN trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho bà nhưng không hề có các dụng.(TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT