Wednesday, April 24, 2024

Cựu quan chức Quốc Hội Việt Nam nói BOT ‘như trấn lột’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, cho rằng hiện nay việc thu phí BOT như kiểu “trấn lột” người dân. Chủ đầu tư xây dựng đường tránh ở một chỗ, đặt trạm thu phí ở chỗ khác, theo báo điện tử Zing.

Truyền thông Việt Nam cho hay, có gần 40 trạm thu phí BOT đường bộ (dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí) trên tuyến quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam. Một xe hơi dưới 12 chỗ nếu đi từ Bắc vào Nam sẽ trả gần 1.4 triệu đồng (khoảng $62) cho các trạm thu phí.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng nói rằng có tình trạng chủ đầu tư trạm BOT “xây dựng đường tránh ở một chỗ, đặt trạm thu phí ở chỗ khác” hoặc “chỉ sửa chữa mặt đường quốc lộ nhưng thu phí bằng xây mới.”

Ông cũng cho rằng cách làm BOT tại Việt Nam “đang tồn tại rất nhiều vấn đề gây bất bình cho người dân.”

Ông rất “choáng váng” khi nghe có người nói hợp đồng BOT là hợp đồng mật giữa đơn vị quản trị nhà nước và chủ đầu tư, theo báo điện tử Zing.

“Tôi cho rằng làm BOT ở Việt Nam là ăn chắc, lãi nhất. Kinh doanh các thứ khác có khả năng gặp rủi ro nhưng làm BOT không sợ gì cả. Bởi họ được vay vốn ngân hàng và thu phí đến khi nào đủ cả vốn và lãi mới thôi,” ông nói.

Hồi Tháng Tám, trạm BOT Cai Lậy bị những người lái xe liên tục phản kháng bằng cách trả tiền lẻ, khiến lưu thông ứ đọng, buộc trạm nhiều lần phải xả cửa và cuối cùng phải ngưng hoạt động.

Trong một diễn biến khác, báo Việt Nam cho hay, công an đang điều tra vụ gây rối trật tự do các tài xế trả tiền lẻ ở trạm BOT quốc lộ 5 ở tỉnh Hưng Yên.

Báo điện tử VNExpress dẫn lời ông Đỗ Đình Hào, giám đốc công an tỉnh Hưng Yên, nói “đã có chỉ đạo phải làm quyết liệt” và rằng “trường hợp gây rối trật tự công cộng, làm ùn tắc giao thông từ hai tiếng trở lên là cấu thành tội phạm hình sự,” còn trường hợp như ở trạm thu phí quốc lộ 5 là “nghiêm trọng, ảnh hưởng an toàn giao thông.”

Báo điện tử Zing hôm 8 Tháng Chín ghi nhận phát ngôn của ông Nguyễn Nam Cường, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Lào, nói lâu nay BOT đang trở thành “mảnh đất màu mỡ cho nhóm quan hệ thân hữu.”

Từ góc độ khác, nhà báo Nguyễn Quang Duy ở Úc viết: “BOT đang tạo sóng ngầm và BOT Cai Lậy là một thách thức lớn mà giới chức Cộng Sản Việt Nam phải đương đầu.”

“Tại Việt Nam, BOT đầy rủi ro, bất trắc, thật ra là hệ quả của một thể chế độc đảng, thiếu cạnh tranh lành mạnh, và mang mục đích khai thác thiếu đúng đắn.”

Trước đó, ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội gây tranh luận với phát ngôn được các truyền thông Việt Nam dẫn lại: “Việt Nam có 7 triệu xe máy. Người lao động, người nghèo dùng xe máy đã được miễn phí nên không ảnh hưởng gì.”

Nhà báo Trương Quang Vĩnh, cựu phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn, viết trên Facebook: “Thưa ông Kiên, vậy các doanh nghiệp vận tải cứ móc tiền túi cá nhân ra đóng à? Đây là chi phí phát sinh trong quá trình phân phối lưu thông nên các doanh nghiệp buộc phải tính đúng, tính đủ vào giá thành. Và người dân, dù giàu hay nghèo, ở thành thị hay nông thôn, dù biết phi lý cũng phải đóng lại phí BOT cho họ.”

“Ông cũng không có quyền xúc phạm đến phẩm hạnh của người dân. Họ bất bình, họ phản ứng vì sự công bằng, lẽ phải trong xã hội chứ không phải vì bao nhiêu ngàn đồng được miễn phí mà họ phải câm lặng, thậm chí là nói bậy, nói ngu!” theo bài viết của ông. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT