Thursday, April 25, 2024

‘Đại án OceanBank:’ Ông Hà Văn Thắm nói ‘sẽ sống thật tốt’ trong tù

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 24 Tháng Chín, phiên xử đại án OceanBank dành nửa ngày để nghe các bị cáo nói “lời sau cùng” trước khi dự kiến tuyên án hôm 29 Tháng Chín.

Những ngày qua, mạng xã hội vẫn tiếp tục tranh luận về việc ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc Ngân Hàng Đại Dương (OceanBank), bị đề nghị án tử hình, trong lúc ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, bị đề nghị mức chung thân.

Ông Sơn và ông Thắm được cho là hai nhân vật chính trong phiên xử sơ thẩm “đại án” Hà Văn Thắm mở từ hôm 28 Tháng Tám tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội.

Báo chí Việt Nam cho hay hai ông này “không được xem xét giảm án.”

Hôm 24 Tháng Chín, báo điện tử Zing dẫn lời sau cùng của ông Thắm: “Tôi nghĩ ở trong tù sẽ sướng hơn ở ngoài nên sẽ sống thật tốt để mọi người không phải lo lắng. Xin mọi người hãy đừng đau lòng về tôi.”

Báo này cũng ghi lời ông Thắm nói “tài sản 1,000 tỷ [đồng] (tương đương $44 triệu) của bị cáo giờ chỉ còn 100 tỷ ($4.4 triệu).”

Tuy vậy, báo Tuổi Trẻ cùng ngày nói ông Thắm “xin Hội Đồng Xét Xử đừng xử bị cáo mức án cao nhất là tù chung thân, để bị cáo có cơ hội được trở về với gia đình.”

Ông Nguyễn Xuân Sơn được báo Zing trích lời: “Trong những ngày qua, bị cáo nhận thấy phiên tòa rất dân chủ, công khai ấm tình người.”

Một ngày trước, báo điện tử VNExpress tường thuật lời Luật Sư Nguyễn Minh Tâm nói: “Ông Nguyễn Xuân Sơn còn liên quan ba vụ khác nên nếu kết án tử hình ông này sẽ khó sửa sai lầm về sau.”

Một bị cáo khác cũng trong phiên tòa này, bà Nguyễn Thị Nga, cựu kế toán trưởng Oceanbank, được báo Zing dẫn lời: “Bị cáo thấy phúc vì gặp Hội Đồng Xét Xử anh minh, sáng suốt.”

Tờ báo ghi nhận “nhiều bị cáo cho rằng ở phiên tòa này rất nhiều nước mắt, song họ cảm nhận được sự thấu hiểu của Hội Đồng Xét Xử và Viện Kiểm Sát.”

Ông Nguyễn Xuân Sơn. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Hôm 23 Tháng Chín, Luật Sư Trần Vũ Hải bình luận trên Facebook: “Theo tôi, [trong phiên tòa Oceanbank], cần ghi nhận đại diện Viện Kiểm Sát cũng đã cố gắng tranh luận với các luật sư và chấp nhận một số thỉnh cầu của các luật sư, bị cáo. Đặc biệt, đại diện Viện Kiểm Sát đã nêu lên một tình trạng của Oceanbank, mà nhiều luật sư hay báo chí chưa hay ít đề cập, đó là Oceanbank bị âm vốn đến khoảng 15,000 tỷ đồng trước khi Ngân Hàng Nhà Nước phải mua ngân hàng này giá 0 đồng, trong đó gần 80% nợ xấu của Oceanbank liên quan đến lợi ích của ông Hà Văn Thắm.”

Luật sư phân tích thêm: “Nếu đúng như vậy, ông Hà Văn Thắm đã sử dụng Ngân Hàng Đại Dương (mà ông sở hữu trực tiếp hay gián tiếp gần 75%) như là công cụ huy động vốn cho các doanh nghiệp liên quan của ông. Đây chính là nguyên nhân khiến Oceanbank khó ‘sống tiếp’ nếu không được Ngân Hàng Nhà Nước bơm vốn, khi các doanh nghiệp của ông lao đao.”

“Tôi đã viết một bài đưa ra giả thiết vụ án đang xử là một vụ án ảo, che lấp một vụ án thật khác. Nay có vẻ đủ cơ sở để nhận định: Vụ án đang xử là một vụ án ảo (trừ phần liên quan đến công ty Trung Dung và hai đại gia ngân hàng khác – ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn), trong khi hai vụ án thật khác đáng xem xét hơn,” ông Hải viết.

“…Hai vụ án thật khác, lẽ ra cần xem xét nghiêm túc từ đầu, mới nêu rõ bản chất vấn đề của Oceanbank. Vụ thứ nhất, làm rõ tại sao ông Thắm đã vượt qua mọi ‘rào cản pháp lý’ chiếm tới gần 75% vốn của Oceanbank và đặc biệt ông làm cách nào lại biến Oceanbank thành ngân hàng chuyên cấp vốn cho các công ty của mình, có những vi phạm quy định cho vay nào khiến nhóm liên quan của Oceanbank chiếm gần 80% nợ xấu của ngân hàng này, khiến ngân hàng này âm vốn tới 15,000 tỷ đồng và Ngân Hàng Nhà Nước phải bơm vốn đặc biệt để cứu Oceanbank (nhằm tránh sụp đổ dây chuyền)?” ông Hải lập luận.

Luật Sư Trần Vũ Hải viết thêm: “Vụ án thứ hai, liên quan đến việc ông Thắm làm thế nào để Tập Đoàn Dầu Khí (PetroVietnam) và các công ty con tích cực gửi tiền vào Oceanbank, bất chấp độ rủi ro cao khi ngân hàng này không có tín nhiệm cao trong các ngân hàng tại Việt nam? Và việc chi lãi ngoài nhưng không vào tài khoản, sổ sách của PetroVietnam và các công ty con, công ty liên quan của PetroVietnam, cần được xử lý thế nào về mặt hình sự? Đó là những hành vi đưa và nhận hối lộ? Hay hành vi tham ô? Hay hành vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản? Hay phần lớn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được, vì không có đủ bằng chứng chứng minh tội phạm?”

“Về vụ thứ hai này, tôi xin nhắc lại, các nhân sự của Oceanbank đã khai báo đầy đủ ‘đưa cho ai’ trước khi ‘bị phát giác’ với các cơ quan pháp luật đều cần được miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ! Đáng tiếc vụ án ảo đang xử và hai vụ án thật lẽ ra phải làm cho rõ khiến nền tư pháp Việt Nam méo mó, và rất nhiều người bị oan. Tuy nhiên, cơ hội sửa sai vẫn còn đó!,” Luật Sư Hải bình luận.

Ở một góc độ khác, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh viết: “Chi lãi ngoài thời điểm ‘đua lãi suất’ mà bị bắt thì nhà tù ở đâu nhốt cho xuể. Tập Đoàn Dầu Khí thời điểm được phép đầu tư kinh doanh đa ngành thì chuyện góp vốn vào ngân hàng [Oceanbank] không có gì sai. Mua 0 đồng khi ngân hàng [Oceanbank] chưa mất cân đối và chưa có luật phá sản tín dụng mới có dấu hiệu sai.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT