Friday, March 29, 2024

Đàm phán biên giới Hà Nội-Bắc Kinh không có dấu hiệu tiến triển

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quan hệ chính trị giữa hai nước cộng sản anh em CSVN và Trung Cộng vẫn không có dấu hiệu cải thiện hay “đột phá,” theo tin tức thông báo chính thức về cuộc đàm phán “biên giới lãnh thổ.”

Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung cầm đầu một phái đoàn sang Bắc Kinh “đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung” với người đồng cấp là La Chiếu Huy vào các ngày từ 26 đến 28 Tháng Mười Một, 2019, theo bản tin VietNamNet. Nguồn tin nói rằng hai bên “trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc, vấn đề biên giới lãnh thổ cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.”

Cuộc họp vừa kể diễn ra một tuần lễ sau khi hai bên cũng đã có một cuộc họp khác, vòng thứ 8, tại Sài Gòn vào hai ngày 19 và 20 Tháng Mười Một, 2019, của “Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam-Trung Quốc.” Đại diện hai bên tại cuộc họp chỉ ở cấp vụ trưởng. Trưởng nhóm công tác phía CSVN là vụ trưởng Vụ Biển, Ủy Ban Biên Giới Quốc gia, Bộ Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Đông. Trưởng nhóm công tác phía Trung Cộng là đại diện vấn đề biên giới và biển, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Dương Nhân Hỏa.

Đọc các bản tin tường thuật trên báo chí chính thống của cả hai chế độ Hà Nội và Bắc Kinh, tất cả đều chỉ là những lời tuyên truyền quen thuộc “đánh giá cao việc giao lưu cấp cao được duy trì thường xuyên; các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, các bộ ngành và địa phương hai nước tiếp tục được triển khai hiệu quả.”

Người ta không hề thấy kết quả của cái “triển khai hiệu quả” đó là cái gì. Nói cách khác, những từ ngữ tuyên truyền sáo rỗng tố cáo cho người ta biết, các cuộc họp kể trên đều chẳng có thỏa thuận nào khi đụng đến chủ quyền lãnh thổ.

Hai cuộc họp nói trên diễn ra trong bối cảnh của những căng thẳng giữa CSVN và Trung Cộng kéo dài hai tháng rưỡi, từ đầu Tháng Bảy đến giữa Tháng Chín, 2019, khi Bắc Kinh cho nhóm tàu hải cảnh, dân quân biển hộ tống tàu khảo sát địa chất tới quấy rối, cản trở hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam tại bãi Tư Chính, trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Họp về biên giới lãnh thổ nhưng bản tin VietNamNet lại mô tả “Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch có nhiều tiến triển đáng khích lệ.” Trong khi đó thì “trao đổi về vấn đề trên biển tiếp tục được duy trì” tức là vẫn chẳng có gì khác ngoài chuyện hứa hẹn sẽ gặp lại.

Khi họp về các vấn đề “ít nhạy cảm trên biển,” bản tin điện tử của đài VOV ngày 20 Tháng Mười Một, 2019 nói hai bên phấn đấu ký kết “Thoả thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển” và “Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về xử lý các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển” dù đã họp nhiều lần suốt mấy năm qua.

Cuộc họp giữa ông Lê Hoài Trung và ông La Chiếu Huy hồi giữa tuần trước diễn ra chỉ một ngày sau khi chế độ Hà Nội cho công bố “Sách trắng quốc phòng.” Trong đó, CSVN lập lại chủ trương “3 không” gồm “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác.” Đồng thời, lại còn thòng thêm cái thứ tư là “không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”

Thông tấn xã CSVN trích dẫn một phần trong Sách Trắng gián tiếp đả kích Bắc Kinh là: “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam. Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực…”

Hồi Tháng Bảy, 2019, “Bạch thư Quốc Phòng” được Trung Quốc công bố có nhắc tới Việt Nam và Biển Đông, trong đó nói rằng các lực lượng vũ trang của cái nước đông dân nhất thế giới “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” ở vùng biển tranh chấp.

Hai quan điểm đối chọi vừa kể giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn tiếp tục thì các cuộc họp song phương về biên giới lãnh thổ trên biển vẫn bế tắc.

Bill Hayton, một nhà phân tích thời sự Việt Nam nổi tiếng của Anh Quốc nêu ra hai điểm mâu thuẫn trong “Sách trắng quốc phòng” của chế độ Hà Nội. Ông Hayton bình luận trên đài BBC rằng, nếu nói “không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” thì “Việt Nam có quân đội để làm gì? Bởi vì khi anh có quân đội, thì đến một lúc nào đó anh phải sử dụng.”

Điểm mâu thuẫn nữa, theo ông Hayton là “khi nói rằng không dựa vào nước này để chống nước khác, thế nhưng trong sách trắng lần này cũng có điểm mới là dựa trên tình hình cụ thể thì Việt Nam có thể cân nhắc thiết lập quan hệ quân sự với một nước khác.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT