Friday, April 19, 2024

ASEAN-Trung Quốc: ‘Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông’ vẫn xa vời

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông để tránh xung đột võ trang càng thấy xa vời hơn nữa vì các bên liên quan không thể gặp mặt nhau.

Hôm Chủ Nhật 21 Tháng Sáu, tờ Tuổi Trẻ đưa tin Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo cuộc họp ASEAN cấp cao kỳ thứ 36 sẽ chỉ diễn ra trực tuyến vào ngày 26 Tháng Sáu tới đây, thay vì các phái đoàn đến Việt Nam họp.

Lý do được nêu ra là “Hội nghị cấp cao ASEAN 36 họp trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) đã khiến nhiều chuyến bay quốc tế tạm ngưng.”

Nội dung chính của các cuộc họp kỳ này chú trong vào các cuộc đàm phán cho “Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực” (RCEP) và một số vấn đề khác về văn hóa xã hội, gồm cả “tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số.”

Tuy cuộc họp không liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông nhưng giữa tuần qua, Jose Tavares, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại Giao Indonesia họp báo nói rằng các cuộc đàm phán cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (Code of Conduct, thường được gọi tắt là COC) để tránh xung đột võ trang liên quan đến chủ quyền biển đảo nhiều phần sẽ bị đình hoãn vì bị ảnh hưởng từ tình hình đại dịch COVID-19.

“Đàm phán về bộ COC không thể họp trực tuyến cho nên chúng tôi phải đợi cho tới khi tình hình (dịch bệnh) trở nên khá hơn để tái tục.” Lời ông Tavares nói trong cuộc họp báo được hãng thông tấn Reuters dẫn lại. Ông là tổng giám đốc Cục Hợp Tác ASEAN của Bộ Ngoại Giao Indonesia đặc trách phối hợp giữa 10 nước hiệp hội.

Theo ông cho biết, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận lịch họp đàm phán COC trong năm nay tại Brunei vào Tháng Hai, tại Philippines vào Tháng Năm, tại Indonesia vào Tháng Tám và tại Trung Quốc vào Tháng Mười.

Trọng tâm các cuộc họp là cố gắng hoàn tất để có thể đọc lần thứ hai cho bản dự thảo COC (sau khi đã được sửa chữa, thay đổi, nội dung, câu chữ, qua các cuộc đàm phán).

Dân địa phương đốt cơ sở sản xuất của Trung Quốc ở Bình Dương hồi năm 2014 vào dịp tàu khoan dầu khổng lồ Hải Dương 981 của Trung Quốc ngang nhiên khoan tìm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Bản đọc lần thứ nhất COC đã hoàn tất hồi năm ngoái. Khi họp thượng đỉnh với các lãnh tụ ASEAN tại Bangkok hồi năm ngoái, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng nước ông rất muốn hoàn tất đàm phán COC vào năm 2021. Nhưng tình hình hiện nay, theo ông Tavares, dịch bệnh vẫn hoành hành nghiêm trọng nên các đàm phán không thể diễn ra nên việc hoàn tất nhiều phần sẽ bị đình hoãn.

Tháng Bảy năm 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague phán quyết tuyên bố chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị nhưng Bắc Kinh dựa thế quân sự hùng mạnh ăn trùm các nước nhỏ phía nam, đã ngang ngược bác bỏ.

Nhằm đẩy ảnh hưởng Hoa Kỳ và các nước bên ngoài ra khỏi khu vực, Bắc Kinh đòi hỏi COC phải gồm các khoản cấm các nước ASEAN tập trận, hợp tác quân sự với các nước ngoài khu vực, nhất là nhắm vào Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh đòi hỏi kiểm soát khai thác tài nguyên và phát triển ở khu vực. Hà Nội thì muốn Bộ COC có hiệu lực pháp lý nhưng Bắc Kinh được một số nước bị mua chuộc đã chống lại.

Liệu Bộ COC sẽ được tái tục đàm phán vào lúc nào và vóc dáng ra sao, giúp tránh xung đột hay không, hiện vẫn còn là dấu hỏi rất lớn giữa lúc những dấu hiệu căng thẳng trên biển vẫn thấy bùng lên từng đợt và dưới nhiều hình thức khác nhau. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT