Wednesday, April 24, 2024

Đàm phán COC, Trung Quốc muốn ‘đẩy’ Mỹ ra khỏi Biển Đông

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông đàm phái giữa ASEAN và Trung Quốc khó lòng đạt được vì chủ đích khác nhau của các bên tranh chấp.

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Bảy, 17 Tháng Bảy, dẫn ý kiến của một số chuyên viên về các vấn đề Biển Đông cho rằng thâm ý của Trung Quốc vào lúc này là muốn đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) theo kiểu đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.

Hai mẫu hạm USS Reagan và USS Nimitz tập trận phối hợp trên Biển Đông Tháng Bảy 2020. (Hình: US Navy)

Đồng thời, các nước ASEAN có tranh chấp và tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều cảm thấy bất an trước sự hung hăng, khoa trương sức mạnh quân sự ăn trùm của Trung Quốc nên chẳng mặn mòi đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Bắc Kinh.

Cũng vì vậy, SCMP thuật ý kiến của Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn), chủ tịch Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Biển Đông trụ sở tại Hải Nam, cho rằng các cuộc đàm phán cho bộ COC càng đối diện với những bất trắc khi những căng thẳng trên biển vẫn diễn ra, thậm chí “có thể chấm dứt trong bế tắc.”

Sau nhiều năm cố tình gây trở ngại cho các cuộc đàm phán, khoảng hơn một năm trở lại đây, Bắc Kinh đột nhiên đổi giọng, thúc đẩy đàm phán COC cho xong càng sớm càng tốt.

Một trong những điểm nổi bật trong chủ đích đàm phán của Bắc Kinh là đặt các điều khoản đẩy Mỹ và các nước khác ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông từ hợp tác khai thác dầu khí đến tập trận. Đồng thời, Bộ COC không có các ràng buộc pháp lý để Bắc Kinh có thể tận dụng sự sơ hở hầu dễ lấy sức mạnh quân sự ăn trùm lấn tới, dần dần nuốt trọn Biển Đông.

Bản dự thảo Bộ COC đã được đọc lần thứ nhất để đàm phán từ Tháng Bảy, năm 2019, nhưng từ đó đến nay, dịch COVID-19 bất ngờ xảy đến, làm chương trình đàm phán bị khựng lại. Các bên liên quan muốn đàm phán trực tiếp trên bàn hội nghị chứ không muốn họp “trực tuyến.”

Tàu trinh sát, máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập do vệ tinh chụp ngày 9 Tháng Sáu 2021. (Hình: MAXAR/USNI)

Ngô Sĩ Tồn nhìn nhận trong một cuộc hội thảo tổ chức tuần qua tại Thượng Hải rằng các nước có chung Biển Đông cảm thấy bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, ám chỉ sức mạnh quân sự ăn trùm khu vực, cho nên họ e sợ Bắc Kinh áp lực để đàm phán một kiểu COC với các điều khoản có lợi cho Trung Quốc

Ngô Sĩ Tồn, ở vị thế bênh Trung Quốc, còn cho rằng sự hiện diện các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông cũng làm cho các cuộc đàm phán COC trở nên phức tạp. Bởi vậy ông ta cho rằng các cuộc đàm phán có nguy cơ bế tắc, hay ít nhất COC khó mà ra đời.

SCMP dẫn ý kiến của ông Carl Thayer, chuyên viên về Biển Đông của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, cho rằng nhiều phần cuộc đàm phán sẽ được nối lại.

Tuy nhiên, theo ông, “Trung Quốc áp lực các nước ASEAN hoàn tất đàm phán COC như một mưu đồ nhắm đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông. Trong khi đó, các nước ASEAN lại muốn nối lại đàm phán như một phương cách kềm chế tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh. Dù sao, rõ ràng là ASEAN không hối hả hoàn tất thỏa hiệp nếu nó không ràng buộc pháp lý.”

Theo ông Thayer, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

“Ít nhất có bốn vấn đề chính cần được giải quyết trước khi có thể đạt đến thỏa hiệp. Đó là phạm vi địa lý, tình trạng pháp lý của của bộ COC, các biện pháp thực thi và vai trò của các bên thứ ba không được nêu ra trong bản dự thảo.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT