Saturday, May 18, 2024

Doanh nghiệp vận tải ở Sài Gòn khổ vì chính sách

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chịu nhiều chính sách, thuế phí nhưng xe không thể chạy do đường kẹt, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Sài Gòn thua lỗ phải bán tháo xe để trả nợ ngân hàng.

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa ở thành phố Sài Gòn, do Sở Giao Thông Vận Tải thành phố tổ chức chiều 27 Tháng Mười Hai, đại diện các doanh nghiệp đều than khổ về phí cầu đường, kẹt xe, chính sách kiểm định và quy định cấp bằng lái xe container.

Báo SGGP dẫn lời ông Nguyễn Văn Chánh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp Hội Vận Tải Hàng Hóa Sài Gòn, cho biết trong năm 2017 ngành kinh doanh vận tải hàng hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bị ảnh hưởng, tác động từ phí bảo trì đường bộ, phí BOT… làm tăng chi phí cố định lên từ 20% đến 30% mỗi xe, khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi.

“Ngoài hơn 17 triệu phí bảo trì đường bộ, ở Sài Gòn có năm trạm thu phí BOT và khoảng 10 trạm của các tỉnh liền kề. Các trạm này nằm chỉ cách nhau trung bình từ 4.4 đến 20 cây số nên đã và đang là gánh nặng lên các nhà vận tải,” ông Chánh nói.

Bên cạnh đó, ngay các doanh nghiệp vận tải cũng đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Có doanh nghiệp giảm giá cước vận tải tới 50%, dưới mức giá cước chung rất sâu. Cùng với đó là tình trạng chở quá khổ, quá trọng lượng với nhiều doanh nghiệp có tới 10% đến 12% số đầu xe đang hoạt động, chở quá trọng lượng.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật quản lý kinh doanh vận tải hàng hóa sau một thời gian thực hiện không còn phù hợp trong thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi.

Ông Lâm Đại Vinh, giám đốc công ty vận tải Lâm Vinh, cho rằng các chính sách kiểm định, xác định tải trọng của xe container có đầu kéo, rơ moóc liên tục thay đổi khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “chạy đua” đầu tư sơ mi, rơ moóc mới cho phù hợp.

Chưa hết, tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái, quận 2; khu chế xuất Tân Thuận, quận 7… đã làm mất thời gian, tăng chi phí vận tải.

“Xe không chạy được nhưng vẫn phải nổ máy nên không chỉ phát sinh tiền xăng dầu, ảnh hưởng sức khỏe tài xế mà còn khiến doanh nghiệp giao hàng trễ hẹn, mất uy tín trong quá trình hoạt động,” ông Vinh nói.

Cũng theo Hiệp Hội Vận Tải Hàng Hóa Sài Gòn, nhiều doanh nghiệp rất lo ngại khi phải tiếp thanh tra nhiều lần trong một năm. Có những quy định mà doanh nghiệp chưa rõ cách làm hoặc muốn làm phải phụ thuộc vào điều kiện khách quan nhưng đều bị thanh tra xử phạt. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT