Wednesday, April 24, 2024

Đối phó với mạng xã hội, CSVN loay hoay ‘lấy thúng úp voi’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN loay hoay tìm cách đối phó với các loại thông tin mà họ cho là “ngoài luồng” “độc hại” khi cố lập các trang mạng xã hội tại Việt Nam nhưng không mấy ai sử dụng.

Hôm Chủ Nhật, tờ Thanh Niên nêu ra “Thực trạng ảm đạm của các mạng xã hội” thành lập tại Việt Nam. Trong đó, báo này kêu rằng: “Sau một thời gian ồn ào với những màn công bố hào nhoáng ở sự kiện ra mắt và trên các trang báo, các trang ‘mạng xã hội Việt Nam’ nổi đình nổi đám đều đã dần chìm vào quên lãng và có thể đóng cửa.”

Lời kêu rên của tờ Thanh Niên, một trong những báo tuyên truyền có nhiều độc giả ở Việt Nam, ngược lại với lời tuyên truyền của ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN.

Ngày 8 Tháng Mười Một, 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nói trong một cuộc “điều trần” ở Quốc Hội CSVN rằng các mạng xã hội thành lập ở trong nước theo sự tiếp sức của chế độ “sẽ đạt 90 triệu” vào năm 2020.

Nhưng theo tờ Thanh Niên ngày 15 Tháng Mười Hai, 2019, trong số những mạng xã hội nổi đình nổi đám nhất tại Việt Nam “hai mạng xã hội Gapo và Lotus vừa xuất hiện trong năm 2019, cả hai đều ra mắt với những tuyên bố đầy tham vọng bất chấp những hoài nghi của người dùng về nhiều ‘mạng xã hội Việt Nam’ mà các công ty trước đó đã phải rút lui không kèn không trống như Zing Me, Yume.vn, Tamtay.vn, Biztime.vn…”

“Không thoát khỏi dự báo của nhiều người, chỉ vài ba tháng sau khi ra mắt, các mạng xã hội đình đám này đều lần lượt chìm vào quên lãng. Thậm chí, trang chủ của Gapo.vn đã báo lỗi ‘không thể hiển thị.’”

Còn trang chủ của mạng xã hội Lotus cũng không khá gì hơn, nó gần giống như một mạng xã hội “đã chết” với các bài viết của nhiều tài khoản trên Lotus gần như không có sự tương tác, kể cả đó là những nội dung dễ “câu view” như mảng giải trí,” tờ Thanh Niên viết.

Đi vào chi tiết hơn, tờ Thanh Niên kể: “Tệ hơn, các ứng dụng di động của Lotus và Gapo trên Google Play đều lần lượt bị người dùng đánh giá tệ hoặc đưa ra những phản ánh khá tiêu cực. Một số người của Lotus dùng bình luận trên Google Play rằng, khi họ thử đăng ký tài khoản Lotus thì mạng xã hội này thông báo email của họ đã được dùng để đăng ký cho một tài khoản khác, dù trước đó họ không hề đăng ký. Điều này cho thấy, không loại trừ nhiều tài khoản của Lotus là tài khoản ảo và được đăng ký trái phép thông qua bên thứ ba để ‘lấy số lượng.’”

Trong khi đó, “Không bị rơi vào cảnh này, nhưng Gapo cũng bị nghi ‘tài khoản ảo’ và ‘chạy quảng cáo’ khi nhiều bài viết vừa mới đăng và nội dung vu vơ lại có rất nhiều lượt tương tác, tài khoản mới tạo lại được rất nhiều tài khoản ‘hot girl’ gửi yêu cầu kết bạn… Để rồi dần dần cả hai đều rơi vào cảnh vườn không nhà trống, khi các nỗ lực tương tác ảo dần giảm dần, trang chủ Gapo bị lỗi còn Lotus thì không còn có lượt tương tác.”

Hai anh em Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga bị kết án tù vì kêu gọi biểu tình chống Luật An Ninh Mạng. (Hình: VietNamNet)

Một độc giả tên Cường bình luận trên tờ Thanh Niên: “Khách hàng chưa bao giờ có cảm giác an toàn, tin tưởng và nghĩ mạng xã hội Việt Nam có trách nhiệm với người dùng. Chưa kể nội dung mạng xã hội Việt Nam không thể cạnh tranh về nội dung.”

Một độc giả khác tên K. Dũng ở Hà Nội bình luận: “Ảo tưởng giống như Vinfast!”

Khi ông Nguyễn Mạnh Hùng ra Quốc Hội tuyên truyền ngày 8 Tháng Mười Một, một độc giả tên Anh bình luận trên báo mạng VNExpress: “Tôi đã cài mạng xã hội của Việt Nam nhưng đã gỡ ra sau 2 tiếng, vì nó quá chán, chậm, không có nhiều tính năng.”

Một độc giả khác tên “chiuchiu1711” bình luận: “Mình có cài mạng xã hội Việt Nam và xóa bỏ sau 1 tiếng sử dụng.”

Ngày 11 Tháng Mười Hai, 2019, CSVN cho tổ chức hội thảo với đề tài “Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh.” Tại đây, Nguyễn Đình Khánh, bí thư Đoàn Thanh Niên Công An tỉnh Nghệ An kêu rằng việc “đấu tranh với các thế lực thù địch” hiện còn yếu, thậm chí có nhiều mặt trận còn đang thua.

Ông Khánh cho rằng không ít thanh niên hiện nay đang xa rời lý tưởng, không theo đúng chủ trương của đảng và nhà nước, có cuộc sống thực dụng, buông thả, thậm chí nhiều thanh niên có biểu hiện tung hê, thích thú với các thông tin trái chiều. Các trang mạng thông tin tuyên truyền của chế độ chỉ có các đảng viên vào xem, chẳng có ai khác để ý.

“Nhiều trang mang màu sắc đỏ thì đối tượng tiếp cận chủ yếu là anh em chúng ta, chúng ta nói cho nhau nghe chứ các thanh niên khác không nghe chúng ta nói.” Lời ông Khánh được thuật lại trên báo chí của chế độ.

Nhà cầm quyền CSVN qua Bộ Thông Tin Tuyên Truyền nhiều lần thúc ép các công ty Google và Facebook gỡ bỏ các thông tin “xấu độc” cũng như đặt máy chủ tại Việt Nam để cho nhà cầm quyền kiểm soát. Nhưng đến nay, kết quả không được đáp ứng hoàn toàn.

Năm ngoái, CSVN ra luật “An Ninh Mạng” để bỏ tù những ai dùng mạng xã hội “phát tán” những thứ tin tức đi ngược đường lối thông tin tuyên truyền của chế độ.

Chỉ trong vòng khoảng một tuần lễ cuối Tháng Mười Một, 2019, các tòa án tại Việt Nam đã kết án tù ít nhất 10 người với cáo buộc vi phạm điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015 (làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống nhà nước).

Trong đó, ngày 28 Tháng Mười Một, 2019, anh em ông Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga bị kết án 9 năm tù và 5 năm tù ở Đồng Nai vì kêu gọi người dân xuống đường đòi tự do dân chủ, phản đối luật An Ninh Mạng.

Trước đó một ngày, tòa án tỉnh Tiền Giang đã kết án tù 8 năm đối với ông Trần Thanh Giang, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cùng với cáo buộc vi phạm Ðiều 117. (TN)

MỚI CẬP NHẬT