Friday, April 19, 2024

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Trung Quốc xây: Chưa biết khi nào chạy thật

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đổ lỗi phần lớn cho nhà thầu Trung Quốc nhưng đồng thời cho thấy cái kém cỏi các quan chức nhà nước khi xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông ở thành phố Hà Nội.

Một bản báo cáo do Bộ Giao Thông Vận Tải gửi “Đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội” (trong đó có cả ông Nguyễn Phú Trọng là đại biểu) để giải thích lý do không biết bao giờ tuyến đường sắt trên cao đầy tai tiếng Cát Linh-Hà Đông có thể chạy thật, nêu cả “nguyên nhân chủ quan” cũng như “khách quan.”

Nổi bật trong đó là “trách nhiệm chính khi dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư thuộc về phía tổng thầu EPC Trung Quốc là công ty hữu hạn Tập Đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc,” theo báo Thanh Niên hôm Chủ Nhật, 10 Tháng Tám, 2019.

Tờ Thanh Niên thuật lại thông tin của Bộ Giao Thông Vận Tải liệt kê ra 12 nguyên nhân “chủ quan và khách quan” dẫn đến “chậm tiến độ” của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Trong đó Bộ Giao Thông Vận Tải đổ cho việc tài trợ tín dụng của nhà thầu Trung Quốc nhiều trục trặc, rồi sự kém cỏi, thiếu kinh nghiệm của nhà thầu từ thiết kế đến thực hiện rùa bò, phẩm chất tồi tệ.

Một trong những việc dẫn đến hệ quả như ngày nay là các quan chức CSVN khi ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc lại không có những điều khoản chế tài chặt chẽ nếu vi phạm hợp đồng mà Bộ Giao Thông Vận Tải nói là tránh là “còn chưa đầy đủ.”

Cái công ty được thuê làm “Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng” thì trong trường hợp này có cũng như không.

Bên cạnh đó, các quan chức của chế độ chịu trách nhiệm về quản lý điều hành dự án lại bất lực trước sự chậm trễ, sai hỏng kỹ thuật. Cho nên đến nay, nhiều người lo ngại sự an toàn của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Động khi báo chí trong nước đưa tin và những hình ảnh về nứt vỡ, rỉ sét, trên tuyến đường sắt và trạm lên xuống của hành khách.

Ngày 9 Tháng Bảy, 2019, tờ Đất Việt đã cho biết đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông cũng chưa biết bao giờ bắt đầu đưa đón hành khách dù vừa phải xin “rót thêm vốn” hơn $98 triệu cho “1%” công việc còn lại.

Báo của Bộ Xây Dựng CSVN đưa tin và hình ảnh nêu phẩm chất tồi tệ của dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. (Hình: Báo Xây Dựng)

“Hội đồng” thành phố Hà Nội thông qua kế hoạch “vay lại” từ nhà cầm quyền trung ương hơn 2,300 tỷ đồng (hay $98.35 triệu). Số tiền nay, được thấy giải thích là để giái quyết “một số hạng mục nhỏ (khoảng 1% của toàn bộ dự án) liên quan đến công tác xây lắp, đặc biệt phải chứng minh được an toàn hệ thống.”

Ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thế giải thích như vừa kể khi điều trần ở Quốc hội hồi Tháng Sáu, nhưng “không ai biết 1% khối lượng công việc” còn sót lại sẽ kéo dài đến bao lâu, mà “ngay chủ đầu tư là Bộ Giao Thông Vận Tải cũng không đưa ra được một mốc thời gian cụ thể bao giờ tàu chạy sau khi dự án đã có tới 8 lần lỡ hẹn,” tờ Đất Việt kể.

Rất nhiều đại dự án từ thủy điện đến nhiệt điện, xơ sợi, bô-xít, sắt thép, hóa chất dính đến nhà thầu Trung Quốc, đều có đủ loại vấn đề “đội vốn,” “chậm tiến độ” “máy móc lạc hậu” mà nằm bên dưới các dự án này là các cơ hội để đám quan chức đảng viên móc ngoặc với tư bản đỏ Trung Quốc chia chác, ăn hối lộ.

“Không chỉ ở Việt Nam, nhiều dự án của Trung Quốc thực hiện ở các quốc gia khác trên thế giới cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, hủy hợp đồng… Tuy nhiên, theo thông lệ, khi dự án chậm tiến độ so với hợp đồng, bên nào gây ra phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị phạt. Thế nhưng, hợp đồng của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông quy định ra sao, các điều khoản xử lý, phạt hợp đồng thế nào… không được công khai nên người ngoài không thể nói gì được,” ông Bùi Danh Liên nói trên tờ Đất Việt.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chiều dài chỉ có 13.5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn $552 triệu, làm dở đang, nhà thầu Trung Quốc đòi phải tăng vốn mới làm tiếp. Bộ Giao Thông Vận Tải chấp nhận nên dự án bị đội lên thành $891.9 triệu. Trong đó sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam.

Dự án khởi công Tháng Mười, 2011. Tin tức lúc đầu nói dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng Tháng Sáu, 2015. Ì ạch làm được ít lâu thì có tin đến Tháng Sáu, 2016 thì xong. Nhưng hẹn lần lữa đến Tháng Mười Hai, 2016 rồi Tháng Hai, 2017. Sau đó hẹn tiếp đến Tháng Mười, 2017, rồi quý II năm 2018, nhưng lại lỡ hẹn. Đến cuối năm 2018 nói sẽ xong xuôi, rồi lại hẹn Tháng Tư, 2019 là bắt đầu “vận hành.” Tuy nhiên, bây giờ là Tháng Tám, 2019 nhưng vẫn lặng im.

Khi ra trả lời chất vấn ở Quốc hội, tờ Đất Việt ngày 6 Tháng Sáu, 2019 thuật lời ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thế về khoản vay tín dụng Trung Quốc là “ta ký vay vốn, Trung Quốc chỉ định thầu.”

Nhà thầu Trung Quốc không phải là một công ty có vốn lớn và chuyên môn về thiết kế và xây dựng đường sắt. Thêm nữa, các điều kiện thỏa thuận thực hiện dự án lại được mô tả là “bất lợi” cho phía Việt Nam nhưng không hề thấy được cho công chúng biết sự thật. (TN)

MỚI CẬP NHẬT