Thursday, April 25, 2024

‘Giấy phép con’ vẫn bủa vây doanh nghiệp Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việc Bộ Công Thương cắt 675 điều kiện kinh doanh được truyền thông Việt Nam mô tả là “quyết định lịch sử” nhưng giới luật sư và nhà báo đặt vấn đề là liệu có bỏ hết “giấy phép con” được không.

Thông cáo do Bộ Công Thương phát đi từ Hà Nội tự nhận: “Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử: 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng. Con số này chiếm tới 55.5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý.”

Điều kiện kinh doanh cũng thường được gọi nôm na là “giấy phép con.”

Báo điện tử Zing hôm 22 Tháng Chín dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Việc cắt giảm thủ tục sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, qua đó đầu tư vào sản xuất kinh doanh.”

Tuy vậy, cựu Phó Tổng Biên Tập Báo Tuổi Trẻ Trương Quang Vĩnh viết trên mạng xã hội: “Năm 2014, khi Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu Tư Sửa Đổi ra đời, các quan chức đều nói từ nay sẽ không còn đất cho giấy phép con và cơ chế xin cho nữa.”

Thế nhưng, ông cho rằng, theo báo cáo vào giữa năm 2017 của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có 5,719 điều kiện kinh doanh. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương với 27 ngành nghề và 1,220 điều kiện kinh doanh.

“Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ra quyết định: 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ được cắt giảm. Và theo trang web của Bộ Cộng Thương, ‘675 là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương.’ Và báo chí cũng theo đó mà ‘ca ngợi.’ Vì sao đẻ trái luật thì nhiều vô tội vạ nhưng bỏ ‘lịch sử’ cũng chỉ mới đến 55.5%?” ông viết.

Ông Vĩnh cũng đặt vấn đề: “Liệu có bỏ hết giấy phép con được không? Theo VCCI và các chuyên gia kinh tế, cứ 10 ngành nghề bỏ điều kiện kinh doanh lại xuất hiện bảy ngành, nghề mới có điều kiện kinh doanh! Sẽ không thể bỏ được hết được vì nhà nước pháp quyền đang được xây dựng bởi thông tư, quy định của các bộ, ngành.”

Cùng thời điểm, Luật Sư Lê Công Định viết trên Facebook: “Giấy phép con, điều kiện kinh doanh là sản phẩm đương nhiên của cơ chế xin – cho trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, từ khi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân bắt đầu được cho phép kinh doanh tại Việt Nam.”

“Từ khi tôi tốt nghiệp luật năm 1989 đến nay và tham gia tư vấn luật cho khu vực tư nhân ngay từ lúc phôi thai hình thành luật công ty, điều làm các khách hàng của tôi đau đầu nhiều nhất chính là hàng trăm, hàng ngàn giấy phép con và điều kiện kinh doanh đủ loại được sản sinh như côn trùng vào thuở ông Đỗ Mười còn làm chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng và ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng.”

“Chính phủ các đời đều cố gắng cắt giảm nhiều giấy phép con và điều kiện kinh doanh, với sự trợ giúp và tài trợ của các chính phủ phương Tây, nhưng sau đó chính quyền địa phương các nơi vì quyền lợi riêng cánh hẩu của các nhóm lợi ích đã âm thầm tái sản sinh vô vàn loại côn trùng mới khác, đến mức nhiều tổ chức thuộc chính phủ và phi chính phủ được lập ra để cải cách doanh nghiệp đều thúc thủ trước quy trình sinh sản vô tính như vậy của các chính quyền địa phương.”

“Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương là một cố gắng lớn của Bộ Công Thương, song chưa đủ, vì còn nhiều loại giấy phép con và điều kiện kinh doanh ở các ngành và địa phương khác.”

Ông Định viết thêm: “Trừ phi nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa bị loại bỏ hẳn, còn không thì chính phủ nào, dù kiến tạo chăng nữa, cũng bó tay trong việc diệt trừ côn trùng như thế, bởi chúng là sản phẩm vô tính của nền kinh tế định hướng quái dị đó.”

“Bản chất của Cộng Sản là quan liêu và tham nhũng, nên đào đâu ra một kẻ chống quan liêu và tham nhũng, mà không ít thì nhiều nhúng tay vào quan liêu và tham nhũng của chính mình và/hoặc phe cánh? Vậy nên, tôi không mảy may mơ mộng cái ngày doanh nghiệp Việt Nam bỗng dưng có đầy đủ năng lực cạnh tranh với đối thủ nước ngoài do không còn bị hành bởi các loại giấy phép con và điều kiện kinh doanh,” theo Facebook của Luật Sư Định.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, viết: “Khổ thân doanh nghiệp ‘trên đe dưới búa.’ Trên thì giá xăng tăng , giá nguyên liệu tăng, hơn 4,000 điều kiện kinh doanh rất kiên định, dẹp đầu này trồi lên chỗ khác. Dưới thì có bọn trấn lột.”

“Nhiều lần tôi nói, vài chục, vài trăm kẻ bất lương cứ nhởn nhơ đi kiếm ăn, trục lợi, mà doanh nghiệp thiệt kép, thiệt thật lớn: mất thời giờ, mất sự bình an, mất tiền của thay vì để đầu tư để tung sản phẩm mới, tiếp thị, phân phối, thì đem cúng cô hồn, mất toi cơ hội cạnh tranh giữa thế giới hội nhập sôi động kinh hồn. Mà thử nhìn sang tất cả các nước ASEAN, chính phủ họ đang mở tốc độ bơm sức, bơm tiền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tung cánh ra ngoài. Việt Nam, có chiến lược, chính sách nào hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?” bà viết. (T.K)

Ông xe ôm nghèo trả lại 200 triệu đồng tiền nhặt được ở Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT