Thursday, April 25, 2024

Hai tuần đầu năm, 2 người chết bất thường trong tay công an

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mới hai tuần lễ đầu của năm 2021 nhưng đã có hai người chết vì tay công an CSVN một cách bất thường, theo báo chí trong nước loan tin.

Tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Giêng thuật lời bà Triệu Ngọc Bình (58 tuổi), cư dân quận 6 cho biết con trai bà là Dương Quốc Minh (22 tuổi) chết không bình thường khi bị tạm giam tại nhà giam Chí Hòa. Minh bị bắt với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” tại quận I, giam tại Chí Hòa từ ngày 6 Tháng Mười Một, 2019 đến nay đã hơn một năm.

Bà Triệu Ngọc Bình chỉ những vết bầm trên tấm hình thi thể con trai là Dương Quốc Minh. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo lời bà Bình, buổi tối mùng 6 Tháng Giêng 2021, công an thông báo cho bà biết là con trai bà “đã chết do tự tử” và yêu cầu bà đến nhận thi thể. Theo tờ Tuổi Trẻ cho biết, nghi can Minh chết trên đường đưa đi cấp cứu tại Bệnh Viện Trưng Vương.

“Sáng hôm sau, tôi được hướng dẫn đến Trung Tâm Pháp Y Sài Gòn ở quận 5 xác nhận thi thể của con. Tiếp xúc thi thể, tôi thấy có rất nhiều vết bầm tím trên người nên đề nghị làm rõ nguyên nhân,” lời bà Bình nói với tờ Tuổi Trẻ.

Nguồn tin kể tiếp là, sau khi khám nghiệm tử thi, ngày 8 Tháng Giêng, 2021, điều tra viên Cơ Quan Cảnh Sát Ðiều Tra Công An Thành Phố Sài Gòn và cán bộ trại tạm giam Chí Hòa đã lập biên bản giao thi thể anh Minh cho bà Bình về lo hậu sự.

“Tôi đã gửi đơn trình báo khẩn cấp đến viện trưởng Viện Kiểm Sát cấp cao tại Sài Gòn, viện trưởng Viện Kiểm Sát Sài Gòn và giám đốc Công An thành phố Sài Gòn, khẩn thiết đề nghị điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của con tôi,” bà Bình nói thêm với nhà báo.

“Tự tử” là cách đổ vạ quen thuộc của công an CSVN mỗi khi nạn nhân chết vì tra tấn, nhục hình để ép cung. Thân thể nạn nhân bầm tím từ đầu tới chân, nội tạng vỡ nát, nứt xương sọ hay gãy xương sườn, xương chân tay, công an vẫn nói là “tự tử” để chối tội giết người.

Trước đó, hôm 13 Tháng Giêng, một người dân tên A Trâm (31 tuổi) thấy treo cổ chết phía sau nhà ở thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

Tờ Thanh Niên cho hay ông Trâm vào rừng đốn ít cây gỗ về sửa nhà nhưng bị công an địa phương “phát hiện, lập biên bản và mời lên làm việc nhiều lần.” Tại sao ông ta chết, đến giờ nhà cầm quyền địa phương vẫn nín lặng.

Trong năm 2020, ít nhất có 8 người chết bất thường trong tay công an CSVN khi mới bị tạm giam để điều tra, không kể hai người đã bị kết án tử hình vì buôn bán ma túy, nói là tự tử chết trong thời gian chờ thi hành án.

Căn nhà nơi A Trâm (31 tuổi) treo cổ ở xã Đăk Ruồng tỉnh Kontum. (Hình: Tiền Phong)

Ngày 25 Tháng Năm, 2020, tờ Tiền Phong thuật lời Nguyễn Xuân Hùng nguyên “Đội trưởng Đội Thanh Tra Pháp Luật Công An Thành Phố Hà Nội” nhìn nhận nạn tra tấn ép cung phổ biến gần như được dung dưỡng.

Ông Hùng nêu lý do xảy ra tra tấn ép cung “vì động cơ thành tích phá án để ép bằng được, thậm chí bức cung, nhục hình, tạo thêm chứng cứ không khách quan. Có những trường hợp làm giả chứng cứ, sửa cả hồ sơ để cố tình buộc tội. Khâu truy tố, xét xử cũng vậy, vì thành tích rồi xử lý ép hoặc bị quy kết như điều tra bảo làm đủ rồi, ông kiểm sát không truy tố là bỏ lọt tội phạm.”

Nhà cầm quyền CSVN ký tên tham gia Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn năm 2013, đến năm 2015 sửa lại Luật Tố Tụng Hình Sự quy định các nguyên tắc: Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11).

Đồng thời, luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ đầu năm 2016 cũng “nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT