Thursday, March 28, 2024

Hàng không Việt Nam nhiều sai sót ‘không thể tưởng tượng’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “An toàn bay ở Việt Nam chưa ổn” là nhận định của giới cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO) tại một hội nghị mới diễn ra ở Hà Nội hồi cuối tuần trước.

Việt Nam được xem là trường hợp điển hình về sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động hàng không và vì vậy mà bảo đảm an toàn bay được nhận định là “phức tạp.”

Theo tường thuật của tờ Tiền Phong về hội nghị vừa kể, ông Jeff Poole, tổng giám đốc CANSO, khuyến cáo Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương nói chung cần suy tính để có các giải pháp hữu hiệu trong việc bảo đảm an toàn bay.

Cách nay ba năm, Cục Hàng Không Việt Nam từng loan báo, trong năm 2014, tại Việt Nam có 71 sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không, tăng gấp đôi so với năm 2013 (35 vụ).

Trong 71 vụ vừa kể có ba sự kiện bất thường được xếp vào loại “nghiêm trọng,” tám sự kiện bất thường được xếp vào loại “uy hiếp cao an toàn bay” và 60 sự kiện bất thường được xem là “uy hiếp an toàn bay.”

Hồi đó, Cục Hàng Không Việt Nam xác định tất cả các loại sự kiện bất thường đều tăng đáng ngại. Số vụ trục trặc do chim va vào máy bay tăng 23 vụ (năm 2014 có 37 vụ, năm 2013 chỉ có 14 vụ). Số sự kiện bất thường do con người, bao gồm cả hành khách gây ra trong năm 2014 tăng gấp chín lần so với năm 2013 (năm 2014 có 27 vụ, năm 2013 chỉ có 3 vụ). Số sự kiện bất thường liên quan đến kỹ thuật tăng hơn gấp đôi (năm 2014 có 143 vụ, năm 2013 chỉ có 83 vụ).

Năm 2014, các nhân viên làm việc trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là phi công và kiểm soát viên không lưu liên tục phạm những sai sót không thể tưởng tượng. Chẳng hạn phi công cho phi cơ đáp lộn phi đạo, không tuân lệnh kiểm soát không lưu nên phi cơ suýt đâm vào nhau, bấm lộn nút kích hoạt, đặt toàn bộ hệ thống từ hàng không đến an ninh, quốc phòng của quốc gia vào tình trạng báo động vì tưởng là có… không tặc.

Hoặc nhân viên kiểm soát không lưu của Việt Nam liên tục ra huấn lệnh sai, khiến các phi cơ suýt đâm vào nhau, bấm lộn nút khiến phi cơ mất liên lạc với phi trường… Có cả những sự kiện bất thường cho thấy khả năng phối hợp giữa các bộ phận hữu trách, từ chỉ huy đến thừa hành rất kém nên toàn bộ hệ thống chỉ biết phi cơ đáp lộn phi trường nhờ hành khách phát giác. Hay nhân viên kỹ thuật nhầm lẫn trong thao tác làm hệ thống kiểm soát không lưu của phi trường Tân Sơn Nhất mất điện, không thể điều hành bay trong gần hai tiếng.

Gần đây, Cục Hàng Không Việt Nam không công bố thống kê về sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không nữa nhưng qua báo chí, dường như các sự kiện bất thường không những không giảm mà tính chất, mức độ nguy hiểm còn trầm trọng hơn.

Chẳng hạn đêm 20 Tháng Hai vừa qua, một phi cơ dân dụng loại Airbus A321 suýt nổ tung bên trên phi trường Cam Ranh do va chạm với phi cơ loại DHC-6 của không quân vì phi cơ quân sự không tuân thủ thỏa thuận (DHC-6 cất cánh trước rồi thực hiện một vòng bay kín bên trên phi đạo và Airbus A321 sẽ cất cánh sau, sau khi Airbus A321 đã cất cánh, DHC-6 tiếp tục thực hiện vòng bay kín, chờ cho đến khi một phi cơ dân dụng khác hạ cánh xong, DHC-6 mới đáp).

Thành ra lúc Airbus A321 vừa vọt lên trời chừng hai phút, chỉ mới đạt độ cao khoảng 762 mét thì phi công cấp báo, hệ thống chống va chạm trên không (TCAS) báo động do DHC-6 chỉ cách Airbus A321 chừng… 152 mét ở phía bên dưới. Sở dĩ Airbus A321 suýt đâm vào DHC-6 khi đang cất cánh vì kiểm soát không lưu quân sự ra lệnh cho DHC-6 chờ… một chỗ, chứ không thực hiện vòng bay kín bên trên phi đạo như đã thỏa thuận mà cũng chẳng thèm thông báo lại cho kiểm soát không lưu dân sự.

Tới thượng tuần Tháng Ba, hai phi cơ của Vietjet Air, một từ phi trường Cát Bi (thành phố Hải Phòng) đi Seoul (Nam Hàn) và một từ Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) đến Cát Bi không thể liên lạc với Đài Kiểm Soát Không Lưu Cát Bi. Từ 22 giờ 51 phút tối đến 23 giờ 24 phút tối ngày 9 Tháng Ba, phi cơ bay đi Seoul gọi 29 lần nhưng kiểm soát không lưu không trả lời, do vậy, chuyến bay cất cánh trễ 13 phút. Tương tự, vì gọi cho kiểm soát không lưu 10 lần nhưng không được trả lời, phi cơ bay đến Cát Bi phải bay lòng vòng chờ được hướng dẫn nên hạ cánh trễ 24 phút.

Một tháng sau, Cảng Vụ Hàng Không Miền Bắc mới loan báo, thiết bị của đài kiểm soát không lưu này không có bất kỳ trục trặc kỹ thuật nào. Sở dĩ phi công của cả hai chuyến bay không liên lạc được với đài vì kiểm soát viên giữ vai trò trực chính đi ngủ, còn kiểm soát viên giữ vai trò hỗ trợ thì bỏ trực… (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT